Ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc đang tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy, điện tử.
Theo số liệu từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, tính tới hết Quý 1/2018, ban quản lý đã cấp mới 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 45,11 triệu USD (trong đó có 31,28 triệu USD cấp mới và 13,84 triệu USD của 05 lượt dự án tăng vốn), bằng 55% về vốn đầu tư so cùng kỳ và đạt 17% kế hoạch năm; cấp mới 02 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 85,91 tỷ đồng, gấp 4,3 lần về số vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Trong số 11 dự án cấp mới, có 10 dự án sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, sản phẩm phụ trợ cho lĩnh vực điện tử (9 dự án FDI của nhà đầu tư Hàn Quốc) và 01 dự án sản xuất, gia công cơ khí các loại khuôn mẫu.
Đến nay, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 246 dự án, gồm 46 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 13.896,79 tỷ đồng và 200 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2.896,41 triệu USD.
Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết “Tỉnh Vĩnh Phúc luôn coi trọng lợi ích của doanh nghiệp, xác định nhà đầu tư là đối tác tin cậy, lâu dài, là đối tượng phục vụ. Vì vậy Tỉnh luôn dành cho các nhà đầu tư tình cảm thân thiện và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả”.
Hiện số lượng các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong tình hình hiện nay. "Trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực mà Tỉnh hiện nay đang tập trung thu hút như đầu tư vào các lĩnh vực hỗ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy, công nghiệp điện tử ” – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết quý 1/2018, ba lĩnh vực trên đều có kết quả tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2017, nộp ngân sách nhà nước hơn 430 tỷ đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy tổng doanh thu quý 1/2018 đạt 68,57 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu ước đạt 34,35 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 112,38 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.
Lĩnh vực công nghiệp phụ tùng ô tô, xe máy có doanh thu ước đạt 71,18 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu 15,63 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 188,63 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử có doanh thu ước đạt 595,16 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu ước đạt 558,44 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 135,25 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2017.
Đối với các doanh nghiệp FDI, doanh thu quý 1/2018 ước đạt 921,46 triệu USD, tăng 38%; Giá trị xuất khẩu đạt 686,46 triệu USD, tăng 40%; Nộp ngân sách Nhà nước đạt 552,83 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.
Việc thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ và sản xuất linh kiện không chỉ giúp mang lại nguồn lợi cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động. Ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử đã giải quyết việc làm cho 48.790 lao động, chiếm 63% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI trong KCN.
Ông Trì tin tưởng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn quốc cũng như các nước khác sẽ tập trung đầu tư vào Vĩnh Phúc. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới Tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp sẵn sàng đón các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư.