Số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại mở một số quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
>>Ca mắc COVID-19 "nóng" trở lại, người dân cần làm gì?
Cụ thể, tại Ấn Độ, ca mắc COVID-19 cao kỷ lục kể từ tháng 9/2022, với trên 6.000 ca mắc mới trong ngày. Với số ca mắc COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng, Bộ Y tế Ấn Độ tiến hành một cuộc diễn tập y tế trên toàn quốc vào ngày 10-11/4 để kiểm tra mức độ sẵn sàng của các cơ sở y tế công và tư nhân nhằm đối phó với các ổ dịch bùng phát.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc COVID-19 hàng ngày của Hàn Quốc lên mức trên 10.000 ca/ngày trong ngày thứ 4 liên tiếp. Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm vì các hoạt động giải trí ngoài trời gia tăng sau khi chính phủ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan COVID-19, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, quy định đeo khẩu trang vẫn được áp dụng cho các cơ sở y tế, hiệu thuốc và những nơi dễ lây nhiễm khác.
Tại Australia, ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng tại các viện chăm sóc người cao tuổi. Tính đến ngày 6/4, 236 viện dưỡng lão trên khắp Australia ghi nhận 1.513 ca mắc COVID-19, trong đó gồm 1.078 bệnh nhân và 435 nhân viên chăm sóc.
Còn tại Việt Nam, từ 5/4 - 11/4/2023, cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).
Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus các biến thể mới trong tương lai.
Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.
>>Dự báo COVID-19 thành cúm mùa vào cuối năm 2023?
>>Giả thuyết virus gây COVID-19 "nóng" trở lại
>>Kỳ vọng chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do COVID-19
Phân tích lý do vì sao các ca COVID-19 tăng trở lại tại Hà Nội, TS.BS Vũ Tùng Sơn - Phó chủ nhiệm Khoa Dịch tễ - Học viện Quân y cho biết, thời gian gần đây số bệnh nhân COVID-19 tăng thêm, nhưng đa số ở dạng nhẹ, thậm chí triệu chứng không rõ ràng. Nguyên nhân có thể do miễn dịch cộng đồng giảm xuống, cùng với đó có sự chủ quan trong chủ động tự phòng bệnh của người dân.
Ông Sơn khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân nên tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt khi đến chỗ đông người hoặc hội họp vẫn cần đeo khẩu trang và vệ sinh bàn tay. Người dân cũng cần phát hiện ca bệnh có triệu chứng và đến cơ sở y tế điều trị khi xuất hiện biểu hiện tăng nặng, đặc biệt ở người có bệnh mạn tính và người già.
Đồng quan điểm, ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng số ca tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi nhiều người lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh.
"Virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng", ông Phu nói và thêm rằng số ca nhiễm thực tế cao hơn số được Bộ Y tế công bố. Lý do là nhiều người có triệu chứng COVID-19 nhưng không xét nghiệm, hoặc tự test dương tính nhưng tự điều trị ở nhà.
Trao đổi với báo chí, TS.BS Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO thông tin, biến thể XBB.1.5 chiếm tỉ lệ 47,1% trong các trường hợp nhiễm bệnh. Đến nay biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện tại 94 quốc gia.
"Nếu nhìn qua số liệu dịch trong tuần đầu tháng tư thì rõ ràng là chúng ta đang ở trong một làn sóng mới của dịch Covid -19. Làn sóng này đã được dự báo cũng như đã xuất hiện ở các quốc gia. Nhưng điều đặc biệt của chúng ta so với các quốc gia khác cũng như so với thời gian trước đây, đó là làn sóng lần này xuất hiện với cường độ cũng như mức độ ảnh hưởng ít hơn nhiều so với những gì đã trải qua trong quá khứ". - bác sĩ Đạt nói.
Theo bác sĩ Đạt, trong thời gian tới, chúng ta vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của COVID-19 để có đủ điều kiện cũng như là đủ năng lực để ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như là chủng virus. Bác sĩ Đạt cho rằng, Tổ chức y tế thế giới sẽ cân nhắc tới việc chấm dứt đại dịch của COVID-19 khi họ đánh giá có sự tiếp cận công bằng của tất cả người dân trên thế giới với các dịch vụ điều trị.
Như vậy, tiêu chí để chúng ta kết thúc đại dịch nó không phải là tiêu chí về số ca mắc không phải tiêu chí về số ca tử vong mà nó là các tiêu chí đánh giá về mức độ ứng phó toàn cầu đối với dịch bệnh để làm sao đảm bảo tất cả những trường hợp người dân bị bệnh có thể tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng đối với các biện pháp điều trị.
Có thể thấy rằng, dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này.
Được biết, tại Việt Nam, biến thể XBB.1.5 xuất hiện từ tháng 1/2023 và cũng được Bộ Y tế cảnh báo biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn. Cho đến nay, Bộ Y tế chưa công bố biến chủng mới xuất hiện tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 13/04/2023
00:30, 13/04/2023
03:01, 25/03/2023
20:46, 15/03/2023
03:30, 04/03/2023