VN-Index đối diện với đợt điều chỉnh

NGUYỄN LONG 22/11/2021 04:50

Chỉ số VN-Index cuối tuần qua đã có phiên biến động mạnh, đóng cửa giảm 1,19%. Các phiên giao dịch đầu tuần được dự báo sẽ tiếp tục nối dài nhịp điều chỉnh.

>>> Dòng tiền sẽ dịch chuyển sang cổ phiếu cơ bản

Nhà đầu tư nên lưu ý gì trong tuần giao dịch này?

Nhà đầu tư nên lưu ý gì trong tuần giao dịch này? Ảnh: Nguyễn Long.

Thị trường tuần qua đã ghi nhận phiên biến động mạnh với chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 1,19% dừng tại 1.452,35 điểm, HNX-Index giảm 3,15% trong khi UPCoM-Index giảm 0,25%. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt mức kỷ lục mới 54.531 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Lực cầu bắt đáy chủ động đã giúp chỉ số VN30-Index thu hẹp đà giảm đáng kể với mức giảm 0,22% lúc đóng cửa. GAS, BVH, HPG, KDH, PNJ, POW, GVR là các bluechips giảm trên 3%.  Ngược lại, nhóm ngân hàng đi ngược thị trường với HDB (+6,9%), ACB (+2,9%), CTG (+2%), VPB (+2,3%), TCB (+1,6%) giúp nâng đỡ thị trường chung.

Áp lực bán được đẩy mạnh ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ vốn hút tiền trong thời gian qua khi chỉ số VNMID-Index và VNSML-Index giảm lần lượt 1,16% và 2,14%.

CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong các phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.444 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt YSVN đánh giá rủi ro trên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có xu hướng gia tăng mạnh. Ngoài ra, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy dòng tiền có thể xảy ra tình trạng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm dần tỷ trọng cổ phiếu.

Theo đồ thị tuần, chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở tuần giao dịch kế tiếp. Đồng thời, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, YSVN  khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể theo dõi nhịp điều chỉnh ở tuần giao dịch tới để có kế hoạch gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu.

>>>  Nghịch lý nhóm doanh nghiệp nhiệt điện doanh thu giảm, cổ tức cao

Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).

Diễn biến chỉ số VN-Index (Ảnh: KBSV).

Còn theo CTCK KB Việt Nam nhận định, trong phiên giao dịch ngày 19/11, tuy đã lấy lại một phần điểm số về cuối phiên nhưng diễn biến của nhịp lao dốc mạnh trong phiên đi kèm mức thanh khoản tăng cao kỷ lục vẫn cho thấy một phiên phân phối lớn. Việc chỉ số sụt giảm phá vỡ cạnh dưới của mẫu hình nêm hướng lên có thể được xem là nguyên nhân kích hoạt đợt bán tháo này. Mặc dù vậy, mẫu hình nêm hiện tại mới chỉ mang tính ngắn hạn và VN-Index vẫn có cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục trở lại trước khi tiếp tục chịu rủi ro đảo chiều gối đầu sau đó.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), mặc dù tuần qua chứng kiến dòng tiền vẫn ồ ạt ở thị trường nhưng các cổ phiếu bị chốt lãi quyết liệt. Chuyên gia của VDSC khuyến nghị, với sự ổn định chưa trở lại, các nhà đầu tư cần cân nhắc việc giải ngân mới cũng như xem xét dấu hiệu các cổ phiếu mình nắm giữ có những yếu tố suy yếu dòng tiền thì nên hạ dần tỷ trọng để đảm bảo sự an toàn trong đầu tư.

Về kỹ thuật, chỉ báo kỹ thuật MACD và RSI cùng suy yếu. VN-Index tiếp tục bị cản gần ngưỡng 1.483 điểm và sụt giảm. Chỉ số được hỗ trợ tại vùng 1.435 điểm và thu hẹp mức giảm điểm nhưng đang ghi nhận tín hiệu phân phối. Với tín hiệu được hỗ trợ và có bóng nến dưới, có khả năng VN-Index sẽ tạm thời có động thái phục hồi nhẹ để kiểm tra lại cung – cầu.

Nhận định xu hướng thị trường tuần này, CTCK BSC cho rằng thị trường tiếp tục có những phiên tăng giảm điểm xen kẽ dù vậy những phiên giảm điểm đang dần chiếm ưu thế. VN-Index đang đứng trước nguy cơ mất vùng tích lũy 1.460 – 1.480 điểm trước áp lực chốt lãi mạnh và thanh khoản tăng liên tục đạt mốc kỷ lục.

Áp lực tâm lý có phần giảm bớt khi nhóm Ngân hàng đóng vai trò là trụ đỡ thu hẹp đà giảm trước khi chỉ số áp sát ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.423 điểm. Trong tuần qua, thị trường phân hóa mạnh và dòng tiền tục tiếp vận động mạnh vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao trong khi các cổ phiếu lớn suy yếu cho thấy dấu hiệu kém bền vững. Diễn biến thị trường trong ngắn hạn đang chuyển biến xấu và khó lường, dù vậy khi gói hỗ trợ kinh tế chưa được công bố thì đợt điều chỉnh của thị trường dự báo mang tính ngắn hạn và cơ hội canh mua các cổ phiếu cơ bản tốt ở nhịp điều chỉnh vẫn còn phù hợp.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Việt Nam tiếp tục định hướng phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và thanh khoản thị trường, trong đó thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP (điều chỉnh) năm 2025, và 110% GDP năm 2030. Nâng cấp các Sở, Trung tâm lưu ký, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán mục tiêu đưa Việt Nam là một trong 4 thị trường lớn trong khu vực ASEAN và hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE. Trong 2 năm phát triển mạnh mẽ gần đây, các chỉ tiêu quy mô vốn hóa/GDP của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo BSC có thể sớm đạt được; nhưng để nâng hạng thị trường vẫn sẽ cần nhiều thay đổi đáng kể về công nghệ và các sản phẩm hỗ trợ của các cơ quan điều hành trong thời gian tới. 

Có thể bạn quan tâm

  • Dòng tiền sẽ dịch chuyển sang cổ phiếu cơ bản

    17:26, 21/11/2021

  • Cổ phiếu SSB tăng 100%, bức tranh ngành ngân hàng cuối năm cần lưu ý những gì?

    16:48, 21/11/2021

  • Cổ phiếu Alibaba nếm “trái đắng”, đối thủ JD.com hái “quả ngọt”

    04:45, 21/11/2021

  • Nghịch lý nhóm doanh nghiệp nhiệt điện doanh thu giảm, cổ tức cao

    04:45, 20/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VN-Index đối diện với đợt điều chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO