VN-Index đã cho thấy sự hồi phục ấn tượng sau phiên giảm điểm mạnh đầu tuần, nhưng các chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư nên thận trọng trước một đợt rung lắc nữa của thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 20/7, chỉ số VN-Index tăng 29,78 điểm lên 1.273,29 điểm. Toàn sàn có 281 mã tăng, 94 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 9,04 điểm lên 301,11 điểm. Toàn sàn có 137 mã tăng, 56 mã giảm và 175 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,1 điểm lên 83,69 điểm.
Thanh khoản giảm so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 19.400 tỷ đồng, giảm 16,8%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE là 16.700 tỷ đồng, giảm 16,9%. Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 300 tỷ đồng trên HoSE.
HPG tăng mạnh 6,8%, là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index bên cạnh VCB, VHM, GVR, BID, TCB, CTG, ACB, GAS, MSN, MWG, MBB, SSB, HDB, SSI.
Chỉ số VN30 đóng cửa tăng 36,87 điểm, lên 1.411,02 điểm, cũng ở mức cao nhất trong ngày nhờ 28 mã trong rổ tăng điểm. Có thể thấy việc các cổ phiếu đầu ngành tăng trở lại có tác động tích cực đến sự khởi sắc cho các cổ phiếu còn lại trong nhóm.
Cụ thể, HSG dư mua trần vào cuối phiên và NKG tăng 4,1% trong nhóm Thép-Tôn mạ. Các cổ phiếu Ngân hàng trên HOSE và SHB hầu hết tăng trên 2%. Ở nhóm Chứng khoán, VND tăng 9,5% bên cạnh SSI tăng trần cùng với các mã SHS, MBS, CTS, HCM, VCI đều tăng từ 4% đến hơn 8%.
Tương tự với nhóm Bất động sản, VHM tăng điểm đã giúp lan tỏa sắc xanh đến các cổ phiếu trong nhóm như DIG, NLG, DXG, LDG… Các cổ phiếu trong nhóm Bất động sản Khu công nghiệp tăng mạnh mẽ hơn khi NTC, KBC, IDC, SZC cùng tăng từ 4% trở lên.
Nhận định về xu hướng thị trường, các chuyên gia phân tích của CTCK SSI cho rằng, thị trường đã hồi phục với mức tăng 2,39% của chỉ số VN-Index sau phiên giảm điểm mạnh trước đó. Nhóm vốn hoá lớn dẫn đầu đợt hồi phục này, trong đó chỉ số VN30 tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 2,68% và dòng tiền cũng lan toả đều khiến 2 chỉ số VNMidcap và VNSmallcap đi lên khá đồng đều quanh 2%. Trong khi đó, khối lượng giao dịch (KLGD) khớp lệnh sụt giảm khoảng 20% so với phiên trước cho thấy cầu thận trọng ở vùng giá cao. Chỉ số VN-Index đã hồi phục trở lại từ trên vùng hỗ trợ 1.200 - 1.171 điểm và đóng cửa trên mốc 1.261 điểm vào cuối phiên và cho thấy chỉ số này vẫn còn khả năng đi lên hướng đến vùng giá mục tiêu tại 1.300 - 1.340 điểm.
Mặc dù vậy, yếu tố thanh khoản giảm sẽ cản trở đà hồi phục của các chỉ số. Để thực sự quay trở lại xu hướng tăng, chỉ số VN-Index cần vượt qua kháng cự 1.340 điểm đi kèm KLGD tăng lên vượt đường trung bình 50 ngày của khối lượng. Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index không phá được mức kháng cự nói trên thì chỉ số này vẫn có khả năng xuất hiện một đợt giảm mạnh nữa trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh.
Còn theo các chuyên gia phân tích của CTCK KBSV, với việc VN-Index lấy lại trạng thái cân bằng sau nhịp điều chỉnh tại vùng hỗ trợ mạnh, chỉ số đang có cơ hội bước vào nhịp hồi phục với vùng cản gần tại quanh 1.280 điểm và xa hơn là 1.300 điểm. Vùng hỗ trợ 1.220 (+-10) vẫn đang tạo điểm đỡ trong ngắn hạn tuy nhiên vẫn có khả năng sẽ xuất hiện thêm nhịp rung lắc trong phiên 21/7. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn tại vùng hỗ trợ.
CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục nhẹ và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng kháng cự gần nhất 1.276 – 1.300 điểm (đây là vùng khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên 19/07/2021).
Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật và nếu chỉ số VN-Index vượt được vùng kháng cự 1.276 – 1.300 điểm với khối lượng giao dịch trên mức trung bình 620 triệu cổ phiếu thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm mạnh và thị trường có thể nhanh chóng tìm điểm cân bằng.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục quan sát thị trường và chưa nên có hành động mua/bán để đánh giá rủi ro ngắn hạn trong phiên tới. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư có tỷ trọng đòn bẩy cao thì nên hạ lượng đòn bẩy về mức thấp ở các nhịp hồi.
Có thể bạn quan tâm