Dù mới niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) tiếp tục lỗ lớn và bị hạn chế giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
>> Cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch khi VNG lỗ triền miên
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế trên có thể sẽ khiến VNZ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong các vòng huy động vốn tiếp theo.
Theo BCTC hợp nhất quý I/2023 do VNZ tự công bố, VNG đạt doanh thu thuần 1.852 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 847 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do áp lực chi phí hoạt động lớn cộng thêm khoản lỗ liên doanh liên kết gần 27,5 tỷ đồng, VNG báo lỗ ròng 90 tỷ đồng.
Trước đó theo báo cáo tự lập năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.801 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VNZ giảm thêm 219 tỷ đồng, tương ứng mức lỗ sau thuế năm 2022 của VNG là 1.534 tỷ đồng.
Theo giải trình, khoản lỗ sau thuế tăng lên là do VNZ ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.
>>“Kỳ lân” VNG liên tục thua lỗ nhưng cổ phiếu vẫn đắt giá nhất sàn
Đáng chú ý, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/05/2023 do Công ty chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin.
- 90 tỷ đồng là khoản lỗ ròng quý I/2023 của VNZ, trong khi VNZ cũng lỗ ròng 109 tỷ đồng ở cùng kỳ 2022.
Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi tăng trần và chạm mức kỷ lục 1.562.000 đồng/cp vào giữa tháng 2/2023, thị giá VNZ hiện chỉ còn 771.900 đồng/cp khi chốt phiên 31/5/2023 với nhiều phiên có thanh khoản bằng 0.
Được biết, nguồn thu chính của VNZ vẫn đến từ trò chơi và quảng cáo trực tuyến, chiếm hơn 90% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Công ty đang tìm kiếm thêm doanh thu ở nước ngoài từ các mảng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Để phục vụ cho kế hoạch mở rộng, năm 2022, VNG giải ngân vốn đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu VNG, Quận 7, TP HCM. Đây là cơ sở cho VNZ có thể đẩy mạnh tăng trưởng các nguồn doanh thu mới từ dữ liệu và điện toán đám mây.
Ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, VNZ cũng đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho mỗi công ty Telio và Funding Societies. Đây là 2 công ty công nghệ có phạm vi hoạt động trong khu vực.
Hiện nay, VNZ đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để có thể khai thác thêm các nguồn thu toàn cầu trong tương lai. Do đó, VNZ cần lượng vốn lớn để triển khai hoạt động.
Được biết, VNZ đang muốn huy động 100 triệu USD cho các dự án. Theo đó, Công ty đang tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư doanh nghiệp cho vòng gọi vốn mới nhất này. Sau vòng gọi vốn này, VNZ đặt kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vòng gọi vốn của VNZ diễn ra vào thời điểm các công ty internet và công nghệ trên toàn cầu đang đối mặt với những thách thức về huy động vốn khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn, lãi suất tăng và thị trường niêm yết đang đầy biến động.
Hơn nữa, VNZ liên tục thua lỗ trong hơn 2 năm qua cũng sẽ khiến các nhà đầu tư thận trọng với các vòng gọi vốn sắp tới của doanh nghiệp này.
Có thể bạn quan tâm
VNG đẩy mạnh hạ tầng trung tâm dữ liệu cho nền kinh tế số
14:01, 20/04/2023
Bước chuyển mình mạnh mẽ của VNGroup
16:47, 30/08/2022
Trước giờ lên sàn, VNG bị buộc bồi thường hơn 15 tỉ đồng vì vi phạm bản quyền
11:04, 11/12/2022
VNG đạt giải thưởng “Doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xã hội sáng tạo nhất 2023”
12:00, 12/04/2023