Lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12% là quá cao, không phù hợp với chính sách phát triển nhà ở xã hội.
>>Mong mỏi nhà ở xã hội
Thực trạng trên được ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, một đơn vị chuyên phát triển nhà ở xã hội chia sẻ.
Ông Nghĩa cho hay, câu chuyện về vốn, tín dụng, lãi suất ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội đã được thảo luận nhiều, thế nhưng thực tế tiếp cận để vay được rất khó khăn. "Tôi nghe nhiều lắm về gói vay ưu đãi này, ưu đãi kia nhưng toàn nghe trên báo, trên tivi chứ chưa thấy thực tế được vay dễ dàng" - ông Nghĩa chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra thực tế rằng nhiều người chưa tiếp cận xin trả lại nhà vì không chịu nổi với lãi suất thương mại.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho biết, ngân hàng này cho 5 nhóm đối tượng mua, thuê mua và xây mới, cải tạo nhà ở xã hội. Cho đến nay, dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đạt 10.729 tỷ đồng với 29.577 khách hàng còn nợ.
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam được giao 15.000 tỷ đồng để cho vay chương trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trong 2 năm 2022 - 2023. Tuy nhiên, đến nay gần hết quý I/2023, số vốn còn lại để cho vay trong năm 2023 là khoảng 11.000 tỷ đồng. Theo danh sách các địa phương gửi về thì nhu cầu vốn chỉ hơn 4.300 tỷ đồng, còn dư hơn 7.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Ngân hàng Chính sách xã hội đưa ra do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch đăng ký, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn. Thậm chí, chủ đầu tư một số dự án nhà ở xã hội đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thương mại thực hiện dự án, khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm, không đáp ứng được điều kiện về bảo đảm tiền vay để được giải ngân.
>>Thay đổi phương thức thực hiện nhà ở xã hội
Câu chuyện về nhà ở xã hội thực sự không còn mới, những vướng mắc thời gian qua đã được nhận diện, các giải pháp đã được đưa ra. Thế nhưng từ con số thống kê và chia sẻ đến từ doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cho thấy, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng thực tế trên đòi hỏi phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận.
Theo ông Lực, phải coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội, vì thế cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản. Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất, cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nhà ở xã hội, ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trương Anh Tuấn cũng cho rằng, công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9-10%, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà. Ngân hàng cho vay lãi suất 4,8-5%, công nhân, người lao động mới mua được nhà.
Theo ông Tuấn, Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần có tiếng nói mạnh hơn như gói vay lãi suất 4,8% cho công nhân.
Ở cương vị đơn vị trực tiếp cho vay nhà ở xã hội, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, tạo nguồn cung.
Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở, quy hoạch, phát triển quỹ đất, phát triển nhà ở theo dự án, phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Có thể bạn quan tâm