Theo các chuyên gia, việc một số doanh nghiệp FDI đang có những động thái rút vốn khỏi Việt Nam dù là thiểu số nhưng cũng là chỉ báo đáng quan tâm trong việc “dọn tổ đón đại bàng”.
Vốn FDI giải ngân giảm
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong 9 tháng đầu năm, theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng trở lại. Cụ thể, trong 9 tháng, Việt Nam thu hút được 22,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy, trong khi vốn đăng ký mới và tăng thêm thì phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, trong 9 tháng có 2.830 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 45,3%), với tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,2 tỷ USD (giảm 43,8% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, một điểm đáng quan tâm cũng được Cục đầu tư nước ngoài chỉ ra là vốn FDI giải ngân ghi nhận giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 13,28 tỷ USD do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.
Trong bối cảnh đó, một tín hiệu khác cũng tương đối quan ngại là đang có một số doanh nghiệp FDI có những động thái dừng hoạt động đầu tư và rút vốn khỏi Việt Nam như chia sẻ của ông Nguyễn Thành An - CEO OHDEAR VIETNAM JSC tại Hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế do Diễn đàn Doanh nghiệptổ chức mới đây.
Cụ thể, theo ông An, vừa qua có thời điểm chỉ trong vòng 1 tuần, một văn phòng Luật tại TP.HCM nhận được 5 email từ các doanh nghiệp FDI thì có đến 3 email đặt vấn đề tư vấn về thủ tục dừng thuê đất, dừng đầu tư và rút vốn.
Nhận định về tín hiệu trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng có thể đến từ việc trong các tháng đầu năm 2021 tình hình kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4. Tuy nhiên, ông Hiếu bày tỏ lạc quan khi dịch bệnh được kiểm soát thì các khó khăn của doanh nghiệp FDI sẽ phần nào được giải quyết và Việt Nam sẽ là lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Dù sở hữu nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn FDI và được nhận định là “vũng trũng” đón nhận xu hướng dịch chuyển đầu tư Trung Quốc do tác động của thương chiến Mỹ - Trung nhưng theo các chuyên gia để thực sự trở thành “tổ” cho các “đại bàng” thì Việt Nam cần thu hút đầu tư một cách thực chất và sẵn sàng hơn nữa.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng để giữ chân và thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư thì công nghiệp Việt Nam cần cải thiện nhiều mặt, đặc biệt, những tác động của đại dịch đã làm lộ rõ những bất cập trong chính sách, cũng như hệ thống quy hoạch, xây dựng, phát triển của công nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến các yếu tố bảo vệ môi trường, năng suất nguồn lao động và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. “Từ trước nay, Việt Nam luôn tự hào về nguồn lao động trẻ dồi dào, giá rẻ nhưng nay cần phải nâng cao chất lượng, cải thiện năng suất lao động. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu” - ông Hiếu này tỏ.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, một thực trạng cần sớm giải quyết khác là việc đa phần các khu công nghiệp Việt Nam chưa đảm bảo được chốn an sinh cho người lao động, chuyên gia. Cụ thể, ở nhiều khu công nghiệp hiện nay, công nhân đang phải sinh sống trong những phòng trọ với không gian chật hẹp, thiếu hụt tiện ích, khoảng cách gữa chỗ ở của người lao động với khu công nghiệp cũng rất xa khiến công nhân phải di chuyển hàng trăm km từ chỗ ở đến nơi làm việc. "Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho hoạt động sản xuất của nhiều khu công nghiệp bị ngưng trệ trong đại dịch" - ông Hiếu nhận định.
Về giải pháp cho vấn đề này, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp cần hướng đến một hệ sinh thái đầy đủ, trong đó, liền kề khu công nghiệp là những khu đô thị phụ trợ với đầy đủ tiện ích đảm bảo an sinh cho người lao động, chuyên gia làm việc.
Chia sẻ quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng để có thể biến tiềm năng thành dòng vốn đầu tư thật thì Việt Nam cần có nhiều sự cởi mở hơn nữa trong chính sách thu hút đầu tư.
Theo ông Thiên, các biện pháp cần tổng thể, từ việc cần sửa đổi luật, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến việc Chính phủ cần phân quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương để chủ động hơn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư FDI trọng điểm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Thiên, rút kinh nghiệm từ bài học “cạnh tranh cùng cuống đáy” trước đây khi các địa phương đua nhau thu hút FDI bằng mọi giá thì hiện nay dù cần sự cởi mở nhưng chính sách cũng cần được nhất quán từ trung ương đến địa phương.
“Việc thu hút đầu tư FDI đã đến lúc cần hướng đến sự “đẳng cấp” hơn, cần ưu tiên mời gọi các lĩnh vực công nghiệp sạch, năng lượng sạch, khoa học công nghệ… mạnh tay loại bỏ những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường”, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thiện khung pháp lý về KCN, KKT
10:25, 22/09/2021
Bài phát biểu của ông Hoàng Quang Phòng tại Tọa đàm trực tuyến góp ý với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT
19:40, 21/09/2021
TNI Holdings Việt Nam góp ý với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT
19:30, 21/09/2021
Nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT là hết sức cần thiết
02:21, 23/09/2021