Bài toán lớn nhất đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước phát triển hùng cường hiện nay là phải có giải pháp để vốn hóa đất đai phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
>>> Tăng cường kiểm soát quyền lực quản lý đất đai
>>> Đấu giá đất và bài học trong quản lý đất đai
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, vốn hóa đất đai một cách hiệu quả là công tác khó khăn cả lý luận và thực tiễn, thế giới đã chỉ ra nhiều bài học.
- Thế giới đã tiếp cận và giải quyết ra sao vấn đề biến đất thành tiền, thưa Giáo sư?
Trước hết phải nói về mặt lý luận, chúng ta cũng biết rằng trường phái kinh tế học cổ điển, với hai đại diện lớn là Adam Smith và David Ricardo cũng đã nói đến việc một đất nước muốn thịnh vượng được thì phải làm rất tốt việc vốn hóa đất đai, tức là đất đai thì được tính ngang bằng tiền thông qua việc đưa đất công vào thị trường. Nói cách khác là chuyển đất công cho tư nhân sử dụng và tư nhân phải trả tiền cho nhà nước.
Bên cạnh đó, việc đánh thuế vào đất ở mức độ phù hợp cũng là nguồn thu chính cho ngân sách địa phương và nhà nước. Tại các nước phát triển, ngân sách địa phương có tới 50% - 90% là tiền thu từ đất. Đơn cử như ở Vương Quốc Anh là 90% thu ngân sách là từ đất.
Gần đây, vào năm 2000, GS. Hernando De Soto, nhà kinh tế học người Peru đã tiếp tục đưa ra một điều rất quan trọng mà cũng là phát triển lý thuyết kinh tế học cổ điển về vấn đề này. Cụ thể, ông cho rằng hiện nay việc quản lý đất đai tại các nước đang phát triển rất yếu kém, không làm được việc chuyển đất thành tiền, chính vì vậy mà họ không thể phát triển được.
Lý thuyết này đã được nhóm các nền kinh tế mới như Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan... áp dụng khá hiệu quả thời gian qua.
Cả hai lý thuyết kinh tế học nói trên thực ra không khác nhiều so với ý tưởng "tấc đất - tấc vàng" của các cụ nhà ta. Cái khác là các học giả phương Tây biết đưa ra cách làm cho đất vốn được coi là "vàng thường" trở thành "vàng mười". Họ biết cách thu từ đất ngày càng nhiều để nhân vốn đó lên thông qua phát triển công nghiệp và dịch vụ.
- Theo ông, công tác vốn hóa đất đai tại Việt Nam hiện nay được thực hiện ra sao?
Nhìn chung công tác vốn hóa đất đai tại Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải xem xét và giải quyết, tuy nhiên có một điển hình thành công là trường hợp của TP. Đà Nẵng.
Là một thành phố từ chỗ khá lụp xụp, Đà Nẵng hiện đã trở thành một đô thị hấp dẫn, hiện đại được gọi là thành phố đáng sống. Đây là một đô thị được tổ chức khá tốt và tiền để xây dựng TP Đà Nẵng từ chính đất đai tại đó.
Có thể bạn quan tâm |
Đà Nẵng đã sử dụng tiền thu từ đất để phát triển được một TP. Đà Nẵng như ngày nay. Chiến lược là bỏ qua trung tâm cũ ở bên này sông Hàn, chọn đất hoang hóa ở bên kia sông Hàn làm trung tâm mới.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, đến nay, công tác vốn hóa đất đai là một vấn đề đã có lý luận cũng như thực tế tại các nước phát triển và ngay cả tại Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng được hành lang pháp lý để điều tiết hiệu quả công tác này.
- Như vậy, vấn đề vốn hóa đất đai sẽ đóng góp vào chiến lược đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, thưa ông?
Trong thời kỳ bao cấp, tất cả đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nhà máy, công trình... đều là của nhà nước. Khi nhà nước có một chính sách hợp lý thì từ đất đai, công sản đó có thể tạo nên nguồn lực tài chính vô cùng lớn cho đất nước. Chính sách không đúng sẽ làm cho nguồn lực tài chính này chuyển phần lớn vào túi tư nhân.
Chính vì vậy mà số lượng tỷ phú chính thức và không chính thức ở các nền kinh tế chuyển đổi tăng nhanh hơn nhiều so với các nước công nghiệp phát triển.
Đất công từ thời bao cấp như các cửa hàng, kho lương thực, nhà máy, công sở... "giá trị cao hơn vàng" dù hiện diện ở hầu hết các nơi, nhưng nay đã biến hóa, mất mát đi rất nhiều.
Vốn hóa đất đai, nói đơn giản là chuyển đất thành tiền sao cho đảm bảo lợi ích giữa người sử dụng đất, người có vốn đầu tư vào đất và nhà nước, phải đảm bảo tính công bằng giữa các bên tham gia vào việc chuyển dịch đất đai.
Đây là vấn đề cần đặt trọng tâm và xem xét thật sự thấu đáo, có tầm nhìn trong lần sửa đổi Luật Đất đai 2013 sắp tới.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường kiểm soát quyền lực quản lý đất đai
06:00, 01/02/2022
Đồng Nai: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai
17:31, 29/12/2021
Đấu giá đất và bài học trong quản lý đất đai
01:05, 23/12/2021
Quản lý đất đai liên quan đến an ninh quốc phòng: Đề xuất 6 giải pháp
16:00, 18/11/2021
Quản lý đất đai liên quan đến an ninh quốc phòng: Chặn kẽ hở từ M&A
15:00, 17/11/2021