Sống nhờ đất, giàu có từ đất nhưng bi kịch cũng từ đất. Đó là câu chuyện về bất động sản thời gian qua.
>>Rà soát hoạt động đấu giá đất gây nhiễu thị trường
Nó “nóng” đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá đất để gây nhiễu loạn thị trường.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện 1767 về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.
Theo công điện, vừa qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế, xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.
Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.
>>Thấy gì từ cuộc đấu giá đất “vô tiền khoáng hậu” tại Thủ Thiêm?
Nói đến thị trường bất động sản, hẳn dư luận chưa hết ngạc nhiên và giới kinh doanh vẫn chưa bớt xôn xao về phiên đấu giá đất thuộc khu chức năng số 3 của khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP.HCM diễn ra ngày 10/12 vừa qua.
Kết quả thật sự nằm ngoài tưởng tượng của đám đông, khi Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt đã chi đến 24.500 tỷ đồng để trúng đấu giá một lô đất chỉ 10.060m2. Nghĩa là một mét vuông có giá 2,4 tỷ đồng.
Con số 2,4 tỷ đồng/m2 không chỉ khiến khu đô thị mới Thủ Thiêm thêm một lần gây sốt ảo đất vàng, mà còn tạo ra dư chấn cho thị trường bất động sản. Con số 2,4 tỷ đồng/m2 đã gián tiếp khẳng định giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm đắt gấp đôi giá đất ở trung tâm TP.HCM và đắt nhất Việt Nam.
Thực tế cho thấy, giá trị của đất phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khả năng sinh lợi và những tiêu chí chung của hệ sinh thái. Trên thị trường địa ốc quốc tế, đã có những vị trí đất vàng được giao dịch công khai, cũng không thể so với con số 2,4 tỷ đồng/ m2.
Ví dụ, với 1 triệu USD (tương đương 23 tỷ đồng Việt Nam) thì mua được 16m2 ở Monaco, hoặc mua được 22m2 ở Hồng Kông, hoặc mua được 25m2 ở New York, hoặc mua được 28m2 ở Luân Đôn, hoặc mua được 41m2 ở Geneve, hoặc mua được 46m2 ở Paris, hoặc mua được 48m2 ở Sydney, hoặc mua được 54m2 ở Thượng Hải, hoặc mua được 58m2 ở Los Angeles, hoặc mua được 66m2 ở Bắc Kinh.
Top 10 giá đất đắt đỏ nhất thế giới kể trên, đã bị kỷ lục mới của Việt Nam xô đổ. Bởi lẽ, với 1 triệu USD chưa đủ để mua được 10m2 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cũng liên quan đến câu chuyện đất đai, gần đây Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình những sai phạm về “đất vàng” của thành phố, trong đó có những sai phạm tài chính lên tới 4.000 tỉ đồng. Vẫn còn nhiều những tranh luận, song người ta thấy lâu nay hàng đống “vàng ròng” chỉ chui vào túi một vài cá nhân, gây thiệt hại lớn cho ngân sách.
Từ câu chuyện “sốt” của đất, cần phải nhìn lại rằng, trong vài năm qua, khá nhiều vụ việc lớn liên quan tham nhũng đất đai đã được xử lý. Nhiều quan chức cấp cao của trung ương, địa phương, kể cả các cán bộ cao cấp thuộc lực lượng vũ trang đã phải đối mặt với lao lý hoặc đã bị kỷ luật ở mức độ nặng.
Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói: “Vừa qua chuyện giàu lên vì đất rất nhiều nhưng tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng vì đất cũng rất nhiều. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai ở các cấp các ngành”.
Bên cạnh đó, sự trầm lắng kéo dài của thị trường bất động sản cũng khiến không ít người rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Giá đất tăng vọt còn dẫn đến hệ lụy khác, nguồn lực tài chính trong cộng đồng thay vì đầu tư sản xuất thì lại chảy vào những phi vụ đầu cơ bất động sản.
Nhưng hơn thế, nó đã lấy đi cả những gì mà nhiều người tích cóp được trong suốt những năm tháng làm ăn chăm chỉ, lương thiện, hay những gì mà cha ông họ đã gửi gắm lại cho con cháu.
Có thể thấy, sự điên loạn của thị trường bất động sản đã nhanh chóng mang lại cho rất nhiều người những số tiền khổng lồ. Nhưng cuối cùng, nó cũng đã lấy đi gần như tất cả. Những người “tay không bắt giặc” chẳng nói làm gì, bởi “của cesar trả lại ceasar”.
Nói cách khác, người ta giàu lên rất nhanh vì đất, nhưng cũng đã nghèo đi rất nhiều cũng vì đất. Tuy nhiên, từ câu chuyện “nhiễu nhương” của thị trường bất động sản hiện nay nó đặt ra một vấn đề ở đây đó là: Đất không sinh ra nên một yêu cầu lớn, lâu dài là phải quản lý có hiệu quả. Xã hội hoá, tư nhân hoá, nhưng cái gì Nhà nước cần phải quản lý, giữ cho mãi mãi những đời sau thì phải quản lý. Không được vô nguyên tắc trong quy hoạch, quản lý đất đai.
Bởi vì như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói thì nước ta "tam sơn, tứ hải, nhất đẳng điền". Diện tích chỉ hơn 300 nghìn km2 nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Chính vì vậy, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đất đai là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 22/12/2021
20:42, 14/12/2021
10:00, 12/12/2021
15:59, 16/12/2021