“Vốn mỏng” - Lợi nhuận dày, đẩy rủi ro cho xã hội

NGUYỄN LONG ( thực hiện) 11/03/2021 15:00

Với việc áp dụng Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo quy tắc của OECD sẽ giúp hạn chế doanh nghiệp vốn mỏng và nâng cao trách nhiệm của họ khi vay vốn.

Đó là khẳng định của ông Phan Lê Thành Long – Giám đốc Viện Nghiên cứu Kế toán Úc (CMA) khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa ông, ông có thể lý giải thực trạng vốn mỏng của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào?

Vốn mỏng tức là các doanh nghiệp hoạt động vốn chủ sở hữu rất thấp, chủ yếu là dựa trên vốn vay. Tại sao? Chi phí lãi vay được trừ cho mục đích thuế. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu không có chi phí trừ vào thuế.

Chi phí đó nguyên tắc sẽ làm lợi cho doanh nghiệp về phần thuế suất là 20%, nhà nước ngày trước phải bù chi phí vốn cho doanh nghiệp là 20% theo thuế suất.

Như vậy, vốn chủ thì chi phí vốn không được trừ nhưng vốn vay thì chi phí vốn được trừ. Đấy là lý do vì sao các doanh nghiệp đẩy phần vốn vay lên, để được lợi từ “lá chắn thuế”.

Hiện nay đang có hiện trạng rất nhiều doanh nghiệp lập ra các dự án, mỗi dự án tạo ra 1 công ty con. Giả dụ nếu phần vốn công ty con cần là 100 tỷ đồng, cổ đông hoặc công ty mẹ góp toàn bộ vốn chủ, chưa tính vốn vay ngân hàng và các tổ chức bên ngoài, thì họ để vốn chủ sở hữu là 20 tỷ đồng. Còn lại 80 tỷ đồng là công ty mẹ cho công ty con vay và tính lãi.

Trên công ty mẹ phát sinh lãi là sẽ phát sinh thu nhập, hoặc công ty con phát sinh chi phí lãi vay thì chi phí lãi vay đó được trừ. Các công ty sẽ tính xem thuế suất, thuế và các tình trạng chi phí và lợi nhuận của công ty mẹ và công ty con như thế nào để cân đối phần vốn. Và thường vốn của công ty con rất là mỏng.

Xu hướng này được gọi là vốn mỏng. Các doanh nghiệp hiện tại, kể cả FDI và doanh nghiệp Việt, có rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quan hệ mẹ con với doanh nghiệp trong tập đoàn hay lợi dụng vốn mỏng như thế này.

Tình trạng này mang lại rủi ro cho các doanh nghiệp. Khi các công ty con phá sản, phần vốn thấp khó có thể gánh các khoản nợ phải trả.

- Thực tế hiện nay đang xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sử dụng vốn vay thay vì vốn chủ sở hữu (tình trạng vốn mỏng) trong sản xuất, kinh doanh. Việc này gây nên tình trạng thiếu lành mạnh trong kinh doanh cũng như "tiếp tay" cho hoạt động chuyển giá. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Vốn mỏng là do doanh nghiệp cố tình chứ không phải do chỉ sử dụng vốn vay, dẫn đến hoạt động chuyển giá.

Doanh nghiệp FDI để vốn thấp sẽ rủi ro cho các bên đối tác. VD: khi doanh nghiệp FDI phá sản, theo luật phá sản, các đối tác sẽ phải xếp hàng để được thanh toán. Khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thấp sẽ không có đủ để thanh toán.

Khi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam hoạt động, có 2 loại chuyển giá đầu vào và đầu ra. Đầu vào kích chi phí lên rất cao bằng cách đẩy giá thiết bị máy móc khi nhập về, hoặc mua nguyên liệu… Chuyển giá đầu ra bằng cách bán cho công ty mẹ với giá rất thấp, để đảm bảo một lượng tiền tối thiểu cho công ty con ở Việt Nam hoạt động, gọi là chi phí biên phát sinh.

Khi công ty mẹ chuyển tiền về hoạt động bằng cách chuyển tiền vốn hoặc chuyển tiền hoạt động, thì công ty con sẽ rơi vào tình trạng thiếu tiền. Sau 1 thời gian, khi chuyển giá đầu ra và chi phí đầu vào cao, công ty con sẽ lỗ âm vốn nhiều lần.

Ta đặt câu hỏi vì sao có nhiều công ty lỗ âm vốn nhiều lần nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh? Vì mở rộng sản xuất kinh doanh bằng cách cấp vốn vay. Công ty mẹ cấp tiền về nhưng dưới dạng hợp đồng vay chứ không phải tăng vốn.

Lưu ý, công ty TNHH chỉ chịu trách nhiệm phần vốn của mình. Mà khi họ để vốn thấp sẽ gây rủi ro trên toàn hệ thống. Cái này cũng khuyến khích phá sản. Ví dụ như doanh nghiệp hoạt động thực sự có vốn chủ theo đúng nhu cầu, thì lâm vào tình trạng khó khăn sẽ cố gắng khắc phục để hoạt động. Nhưng khi vốn mỏng, khi rơi vào tình trạng khó khăn sẽ cho phá sản.

- Thông lệ và quy định quốc tế đã có cách xử lý để chống vốn mỏng ra sao? Việt Nam có thể áp dụng cách thức nào, thưa ông?

Quy định của OECD chỉnh là để chống vốn mỏng. Việt Nam trước đây có Nghị định 20/2017/NĐ-CP và bây giờ là Nghị định 132/2020 áp dụng theo quy chuẩn BEPS của OECD. Người ta hay nói hai nghị định này để chống chuyển giá, nhưng thực tế nó có hai mục tiêu rất rõ ràng: thứ nhất là chống chuyển giá, thứ hai là chống vốn mỏng. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu trước Quốc hội rất rõ ràng.

Vốn mỏng và chuyển giá đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

- Thưa ông, Nghị định 132/2020 được chuyên gia đánh giá sẽ giúp chống chuyển giá và hạn chế những doanh nghiệp vốn mỏng, vậy cụ thể Nghị định này sẽ giúp hạn chế những doanh nghiệp vốn mỏng?

Cụ thể hơn, khi doanh nghiệp dựa vào vốn vay, đẩy vốn chủ xuống thấp, các doanh nghiệp hoạt động có lãi sẽ được lợi về thuế, tạo ra lá chắn thuế trên chi phí lãi vay. Chính phủ sẽ phải hoàn trả chi phí vốn vay cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp sử dụng vốn vay quá mức, tương ứng với phần thuế suất. Quy định của BEPS OECD là phải khống chế mức lãi vay từ 10-30% EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần).

Việt Nam sau nhiều hội thảo áp dụng mức giữa là dưới 20% với Nghị định 20, nhưng vẫn bị phản ứng từ các doanh nghiệp và tập đoàn. Nghị định 132 đã nâng mức khống chế lên 30% và cho phép bù trừ giữa lãi đi vay và lãi cho vay để loại bỏ ảnh hưởng của các hoạt động như tập đoàn có năng lực, quy mô lớn đi vay và cấp vốn vay cho công ty con.

Công ty mẹ cấp vốn chủ chuyển thành vốn vay thì gọi là vốn mỏng và cần chống lại hoạt động này. Nhưng khi công ty con không vay được do chỉ là dự án, và tập đoàn vay ngân hàng và cho công ty con vay thực hiện dự án là hoạt động bình thường, thì bây giờ cho bù trừ chi phí đi vay và chi phí cho vay. Đấy là quy định của Nghị định 132.

Mục tiêu của khống chế vốn mỏng để tránh việc đi vay vô tội vạ và đầu tư vào các dự án siêu rủi ro. Nghị định này góp phần hạn chế bớt những doanh nghiệp đi vay tỷ lệ lớn nhưng đầu tư vào dự án siêu rủi ro, từ đó nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi đi vay.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI: Chống

    VCCI: Chống "vốn mỏng" không phải là mục tiêu khi ban hành Nghị định 20

    05:20, 03/02/2020

  • Cần tiếp tục sửa đổi “Nghị định 20 sửa đổi”

    Cần tiếp tục sửa đổi “Nghị định 20 sửa đổi”

    11:50, 18/11/2020

  • Nghị định 20 sau sửa đổi lại đưa doanh nghiệp vào “thế khó” khác

    Nghị định 20 sau sửa đổi lại đưa doanh nghiệp vào “thế khó” khác

    06:08, 09/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vốn mỏng” - Lợi nhuận dày, đẩy rủi ro cho xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO