Nhìn thẳng - Nói thật

Vòng xoáy doanh nghiệp "ma": Kỳ cuối: Chặn đứng “cỗ máy rửa tiền” đội lốt doanh nghiệp

Nguyễn Giang 13/04/2025 03:30

Hóa đơn “khống”, doanh nghiệp “ma” không chỉ gây thất thu thuế mà còn là công cụ rửa tiền, hợp thức hóa sai phạm trong các dự án công, gây nhức nhối xã hội…

Sau hai kỳ báo phản ánh thực trạng doanh nghiệp “ma” và hậu quả nghiêm trọng của việc mua bán hóa đơn “khống” vẫn đang khiến dư luận xã hội nhức nhối. Ở kỳ này, Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục đi sâu vào mấu chốt của vấn đề: đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn “cỗ máy rửa tiền” đang len lỏi khắp nền kinh tế?

ky-3-1.png
Một giám đốc doanh nghiệp bị khởi tố vì mua bán trái phép hóa đơn. Ảnh: Công an cung cấp

“Mảnh đất màu mỡ” từ kẽ hở thể chế

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La đã thẳng thắn chỉ ra một nghịch lý: “Chỉ mất vài giờ để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng có khi vài năm mới bị phát hiện là doanh nghiệp “ma”. Dường như, quá trình hậu kiểm gần như bị buông lỏng, hoặc chỉ làm hình thức”.

Luật sư Biên cho rằng, chính sự dễ dãi trong cấp mã số thuế, thiếu giám sát thực địa, và việc tách rời quản lý giữa các cơ quan như thuế, công an, ngân hàng… đã khiến các đối tượng có thể lập hàng loạt pháp nhân giả để lẩn trốn trách nhiệm, bán hóa đơn, rút ruột ngân sách nhà nước.

“Cơ chế cho phép thành lập doanh nghiệp gần như vô điều kiện nhưng lại không có chế tài mạnh khi doanh nghiệp không hoạt động thực tế, đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho hành vi lách luật”, luật sư Nguyễn Đức Biên nói.

ky-3-2.jpg
Việc triệt tiêu doanh nghiệp “ma” không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành thuế hay công an, mà cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị. Ảnh: Công an cung cấp

Hóa đơn “khống” – công cụ rửa tiền và “lách” chi ngân sách

Trong khi đó, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law nhấn mạnh với Diễn đàn Doanh nghiệp, hóa đơn “khống” không chỉ là hành vi trốn thuế đơn thuần mà đã chuyển sang giai đoạn trở thành công cụ phạm tội tài chính tinh vi.

Theo phân tích của luật sư Tạ Anh Tuấn, “có rất nhiều khoản chi bất hợp pháp, như tiền lại quả, bôi trơn, rút ruột dự án… được hợp thức hóa bằng hóa đơn “khống”. Trong khi đó, doanh nghiệp “ma” đóng vai trò trung gian để rửa dòng tiền bất minh, làm biến dạng dữ liệu kế toán và ngân sách”.

Do đó, vị luật sư nhấn mạnh cần coi việc thành lập doanh nghiệp giả để mua bán hóa đơn là hành vi phạm tội có tổ chức, có dấu hiệu cấu thành tội “rửa tiền”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế” với khung hình phạt nghiêm khắc hơn.

Cần định danh tội danh mới trong Bộ luật Hình sự

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, cả hai luật sư đều kiến nghị cần xem xét bổ sung tội danh mới: “Thành lập pháp nhân giả để trốn thuế, hợp thức hóa dòng tiền phi pháp” vào Bộ luật Hình sự. Điều này sẽ khép kín khoảng trống pháp lý, tạo cơ sở xử lý hình sự không chỉ người đứng tên mà cả đối tượng chủ mưu đứng sau.

Hiện tại, hành vi bán hóa đơn bất hợp pháp chỉ bị xử lý theo tội “In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn chứng từ” (Điều 203 Bộ luật Hình sự) hoặc “Trốn thuế” (Điều 200). Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý người trực tiếp xuất hóa đơn, còn các doanh nghiệp mua để gian lận ngân sách lại thoát trách nhiệm, thì sẽ khó tạo hiệu ứng răn đe.

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, một số ý kiến cũng đề xuất với Diễn đàn Doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống kiểm soát liên thông giữa thuế – công an – ngân hàng – kho bạc, theo thời gian thực. Mỗi hóa đơn xuất ra cần được gắn mã định danh và kiểm soát dòng tiền qua tài khoản, tránh việc xuất “khống” không có hàng hóa, dịch vụ đi kèm.

Các ý kiến cho rằng nên triển khai công nghệ để quản lý hóa đơn điện tử, đảm bảo tính xác thực và truy xuất nguồn gốc, tương tự các hệ thống ERP hiện đại trong khu vực tư nhân.

Song song đó, cần quy định bắt buộc doanh nghiệp nộp báo cáo hoạt động thực tế trong 6 tháng đầu sau thành lập, có xác nhận địa phương hoặc hình ảnh GPS cơ sở, kết hợp kiểm tra định kỳ theo đánh giá rủi ro.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia pháp lý cũng nhận định rằng, muốn chặn đứng vòng xoáy doanh nghiệp “ma”, không thể chỉ trông chờ vào một vài biện pháp rời rạc. Vấn đề này đòi hỏi một sự đồng bộ từ thể chế đến khâu thực thi, trong đó mỗi mắt xích đều phải được siết chặt.

Về mặt pháp luật, cần rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến điều kiện thành lập doanh nghiệp, siết lại khâu hậu kiểm và tăng trách nhiệm của người đứng tên pháp nhân. Việc bổ sung các tội danh hình sự mới như “thành lập pháp nhân giả để trốn thuế hoặc hợp thức hóa dòng tiền bất hợp pháp” là rất cần thiết để khép kín những khoảng trống pháp lý hiện nay.

Song song với đó, ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là hóa đơn điện tử, cần được đẩy mạnh, không chỉ để chống gian lận, mà còn giúp cơ quan chức năng sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế, công an, ngân hàng, kho bạc… cũng cần được kết nối thông suốt để phân tích rủi ro theo thời gian thực.

Quan trọng hơn cả là sự phối hợp chặt chẽ, liên ngành, giữa các lực lượng thực thi, để không còn tình trạng mạnh ai nấy làm, tạo kẽ hở cho các đường dây doanh nghiệp “ma” luồn lách. Và khi hệ thống vận hành hiệu quả, truyền thông và báo chí sẽ là cánh tay nối dài để giám sát xã hội, cảnh báo cộng đồng, và thúc đẩy một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Suy cho cùng, vấn nạn doanh nghiệp “ma” không chỉ gây thiệt hại ngân sách mà còn bào mòn lòng tin vào thể chế, làm méo mó môi trường cạnh tranh, tiếp tay cho tham nhũng và làm giàu bất chính. Nếu không xử lý triệt để, nguy cơ lan rộng sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng bất bình đẳng và bất ổn lâu dài.

Thẳng thắn nhìn nhận để đánh giá, thực tế đang rất cần một cuộc “đại phẫu”, không chỉ bằng giải pháp kỹ thuật mà còn bằng sự quyết liệt của các cấp quản lý và sự liêm chính trong hành vi doanh nghiệp. Chỉ khi đó, những “vòng xoáy” của doanh nghiệp “ma” mới thực sự bị bóc gỡ tận gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vòng xoáy doanh nghiệp "ma": Kỳ cuối: Chặn đứng “cỗ máy rửa tiền” đội lốt doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO