Xung quanh “đơn đề nghị giúp đỡ khẩn” của Công ty LYAN liên quan tới Quyết định ấn định thuế và Quyết định xử phạt hành chính mới đây, Cục Hải quan TP Hải phòng đã có phản hồi chính thức…
Như đã thông tin, trong lá đơn “đề nghị giúp đỡ khẩn” tới Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Thế Khởi – Giám đốc Công ty TNHH LYAN Việt Nam (viết tắt là Công ty LYAN, địa chỉ tại cầu vượt Quán Gỏi, đường Nguyễn Văn Linh, phường Minh Đức, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cho biết, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Cục Hải quan TP Hải Phòng đã khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay Công ty LYAN đang đứng bên bờ vực phá sản.
Trong đơn thư, ông Khởi cũng cho biết, doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị gửi cơ quan chức năng, thậm chí công ty cũng đã thực hiện các quyền khiếu nại, khiếu kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cũng như mong muốn được giải quyết những vướng mắc, bất cập nhưng cuối cùng chỉ nhận được sự thất vọng.
>>Hải phòng: Doanh nghiệp “kêu cứu” vì “trát phạt” bất ngờ
Phản hồi từ Cục Hải quan
Chiều ngày 25/12/2023, trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh sự việc này, đại diện Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết, vụ việc đã được xử lý dứt điểm, doanh nghiệp đã khởi kiện và ngày 31/10/2022 Tòa án đã có bản án số 90/2022/HC-ST.
“Chúng tôi thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật. Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã xét xử và đã ra bản án thể hiện rất rõ là cơ quan Hải quan thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”, đại diện Cục Hải quan thành phố Hải Phòng nói.
Ngày 27/12/2023, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục nhận được phản hồi của Cục Hải quan TP Hải Phòng về nội dung bài viết “Hải Phòng: Doanh nghiệp “kêu cứu” vì “trát phạt” bất ngờ” đăng trên Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử ngày 26/12/2023.
Trong nội dung phản hồi, Cục Hải quan TP Hải Phòng cho biết, từ năm 2020, Công ty LYAN đăng ký nhập khẩu tại các Chi cục thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng. Mặt hàng nhập khẩu theo khai báo của công ty là lốp xe dùng cho đầu kéo, rơ mooc, sơ mi rơ mooc xuất sứ Trung Quốc, mã HS 4011.90.10, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%. Căn cứ Điều 77, 78, 79 Luật Hải quan, ngày 21/12/2020, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2326/QD-HQHP về việc kiểm tra sau thông quan đối với công ty. Căn cứ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, nội dung xác nhận của đại diện công ty trong quá trình kiểm tra sau thông quan và văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, ý kiến trao đổi với các cơ quan hữu quan, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng xác định mặt hàng lốp xe nhập khẩu của Công ty LYAN phù hợp với mã HS 4011.20.10, mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi 25%.
Theo đó, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết dịnh ấn định thuế đối với mặt hàng nhập khẩu khai sai mã số HS, thuế suất, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thông báo tới công ty theo quy định. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa chấp hành các Quyết định nêu trên.
Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cũng thông tin thêm, Công ty LYAN làm đơn khiếu nại Quyết định nêu trên, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã tiến hành giải quyết khiếu nại đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công ty không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, đã khởi kiện lên Tòa án. Ngày 31/10/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hải phòng đã có bản án số 90/2022/HC-ST bác yêu cầu khởi kiện của công ty LYAN.
Cũng trong văn bản phản hồi gửi Diễn đàn Doanh nghiệp, Cục Hải quan TP Hải phòng cho biết, trong quá trình kiểm tra sau thông quan, giải quyết khiếu nại và khiếu kiện, Cục Hải quan TP Hải Phòng giải quyết khách quan, công khai, minh bạch; trình tự kiểm tra, ban hành các Quyết định ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với công ty của Cục Hải quan đúng theo quy định của pháp luật.
“Cục Hải quan TP Hải phòng luôn nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp theo phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ” và đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của ngành hải quan và sự phát triển kinh tế của địa phương”, nội dung văn bản nêu.
>>Vụ doanh nghiệp “kêu cứu” vì “trát phạt” tại Hải Phòng: Văn bản của Tổng cục Hải quan có đúng luật?
Luật sư nói gì?
Trao đổi với phóng viên sau khi phân tích vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc Cục Hải quan đưa ra Thông báo kết quả kiểm tra sau thông quan đối với Công ty LYAN sau thời gian 10 tháng đã là sai quy định.
Hơn nữa, Quyết định ấn định thuế và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Hải quan Hải Phòng đối với Công ty LYAN là hoàn toàn trái luật. Cụ thể, theo phân tích của luật sư, một trong những căn cứ quan trọng để Cục Hải quan Hải phòng ban hành Quyết định ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty LYAN là căn cứ vào Văn bản số 4389/TCHQ-TXNK ngày 13/09/2021 của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, vị Luật sư cho rằng, văn bản này của Tổng cục Hải quan được ban hành trái quy định của pháp luật.
Theo phân tích của luật sư Tuấn, Văn bản số 4389 được ban hành dưới hình thức Công văn là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần cho nhiều đối tượng bị điều chỉnh theo quy định tại Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020 như: đối tượng bị điều chỉnh là các doanh nghiệp nhập khẩu lốp ô tô chưa qua sử dụng, trong đó có Công ty LYAN.
“Do đó, việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020)”, vị luật sư phân tích. Mặt khác, về nội dung của Văn bản số 4389 Tổng cục Hải quan viện dẫn Chú giải chi tiết HS 2017 nhóm 4011 “Lốp loại bơm hơi bằng cao su, chưa qua sử dụng” có sự nhầm lẫn với phân nhóm chi tiết mã hàng 4011.90 “Loại khác” được chú giải “Các loại lốp này có thể dùng trong bất cứ loại xe cộ hoặc máy bay nào, trong đồ chơi có bánh, máy móc có bánh, vũ khí pháo binh có bánh ….Chúng có thể cần hoặc không cần có săm bên trong”.
Việc áp dụng phân loại hàng hóa trong văn bản này trái với Điều 26 Luật Hải quan, Thông tư số 14/2015/TT-BTC và Thông tư số 65/2017/TT_BTC và QCVN 34: 2017/BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô.
Cũng theo luật sư Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản số 4389 trái thẩm quyền. Cụ thể, theo Quyết định số 2320/QĐ-TCHQ ngày 20/10/2011 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan v/v quy định thẩm quyền ký văn bản tại cơ quan Tổng cục Hải quan đang có hiệu lực thi hành tại điểm c, khoản 2 Điều 4 mục II quy định về thẩm quyền của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan được ký các văn bản sau: “Văn bản quy định các chế độ, chính sách chung trên các lĩnh vực nghiệp vụ quản lý nhà nước về hải quan mà không thuộc danh mục văn bản quy phạm pháp luật theo quy định”.
“Dẫn chiếu quy định này rõ ràng Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hanh văn bản số 4839 để hướng dẫn phân loại mặt hàng lốp dùng cho ô tô chở hàng, ô tô đầu kéo, sơ mi rơ mooc có chứa đựng quy phạm pháp luật nên không thuộc thẩm quyền ký ban hành của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan”, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết.
Đáng chú ý, vị luật sư này cũng cho rằng, Văn bản số 4389 ngày 13/9/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được ban hành sau khi hoạt động nhập khẩu lốp ô tô của của Công ty LYAN được thực hiện (năm 2020) và ban hành sau khi có Thông báo về việc kiểm tra sau thông quan đối với công ty LYAN ngày 14/01/2021. Hơn nữa, Văn bản 4389 không có hiệu lực hồi tố để xử phạt đối với công ty LYAN vi phạm khoản 4 Điều 6 Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015.
“Do đó, có thể thấy, Cục Hải quan TP Hải phòng đã có sai lầm trong việc áp dụng Văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan để ban hành Quyết định xử phạt và Quyết định ấn định thuế đối với Công ty LYAN”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm