Trong hành trình 10 năm đi tìm công lý của giám đốc Công ty Hưng Sơn tại TP Bắc Giang, hàng trăm lá đơn kêu oan đẫm nước mắt được gửi khắp các cơ quan, ban, ngành…nhưng vẫn chưa thấu trời xanh.
>>Bắc Giang: Giám đốc một doanh nghiệp 10 năm kêu oan đòi công lý
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong những bài viết trước, ông Thân Văn Hưng - Giám đốc Công ty Hưng Sơn tại TP Bắc Giang bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, cựu giám đốc này đã liên tục kêu oan. Trong hành trình đi tìm công lý suốt hơn 10 năm qua, hàng trăm lá đơn đẫm nước mắt đã được ông Hưng cùng người mẹ già gửi đi khắp các cơ quan, ban, ngành…nhưng tất cả đều chìm trong im lặng.
Đáng chú ý, điều khiến dư luận hết sức khó hiểu trong vụ án này là từ khi vụ án xảy ra, VKSND và TAND tỉnh Bắc Giang đã 5 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, đồng thời cơ quan điều tra cũng đã 3 lần bổ sung kết luận điều tra nhưng vẫn chưa thể xác định được rõ bị can phạm tội gì? Phân tích về vụ án này, nhiều luật sư cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai, cơ quan điều tra đã “cố tình” hình sự hoá một quan hệ dân sự, kinh tế.
05 lần trả hồ sơ, 03 lần bổ sung kết luận
Theo hồ sơ vụ án, Công ty CP Hưng Sơn (Công ty Hưng Sơn) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, được đăng ký thành lập vào ngày 7/7/2009 với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Trường Sơn, giám đốc đại diện theo pháp luật là ông Thân Văn Hưng. Ngày 25/11/2010, Công ty Hưng Sơn nhóm họp thảo luận về phương án vay vốn ngân hàng để kinh doanh và quyết định ủy quyền toàn bộ cho ông Hưng ký kết các hợp đồng và giấy tờ khác liên quan đến vấn đề vay vốn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng– CN Bắc Giang (VP Bank Bắc Giang).
Ngày 8/12/2010, Công ty Hưng Sơn ký hợp đồng tín dụng số: LD1034200086 với ngân hàng VP Bank Bắc Giang vay số tiền 6,5 tỷ đồng để kinh doanh hàng tiêu dùng (nước mắm Nam Ngư các loại của Công ty CP thực phẩm MASAN). Thời hạn vay kể từ ngày thực hiện khoản vay đầu tiên đến ngày 25/3/2011. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là chứng thư bảo lãnh của Chi nhánh ngân hàng phát triển (VDB) khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang. Toàn bộ khoản vay đã được ngân hàng VP Bank Bắc Giang giải ngân và chuyển cho công ty CP thực phẩm MASAN theo đúng các đơn hàng, Công ty Hưng Sơn cũng đã nhận được hàng hóa đầy đủ, đã bán hết số hàng nhập và thu tiền về. Tuy nhiên, số tiền này lại không được dùng để trả hết nợ cho ngân hàng VP Bank – CN Bắc Giang.
Đáng chú ý, trước khi ông Thân Văn Hưng bị bắt tạm giam, Công ty Hưng Sơn đã trả khoản tiền 2,4 tỷ đồng nợ gốc và 300 triệu đồng tiền lãi, số tiền còn lại hơn 4 tỷ nợ gốc và hơn 2 tỷ tiền lãi tính đến ngày 25/4/2014 (số tiền này nằm trong khoản vay 6,5 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng đã ký) do làm ăn thua lỗ cùng những “lý do nội bộ” nên mất khả năng thanh toán. Do vậy Ngân hàng VP Bank Bắc Giang tố cáo ông Hưng và ông Sơn có hành vi chiếm đoạt tiền, ngày 19/12/2011, cơ quan CSĐT – CA tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hưng về tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật Hình sự.
>>Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
Kết luận điều tra cũng như Cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố ông Hưng ra trước Tòa án tỉnh Bắc Giang về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho rằng ông Hưng có hành vi gian dối trong việc thiết lập hồ sơ báo cáo tình hình hoạt động của Công ty Hưng Sơn với nội dung, số liệu không đúng thực tế, phản ánh công ty hoạt động bình thường, kinh doanh có lãi bằng cách nâng khống vốn chủ sở hữu, và các chi phí, lợi nhuận sau thuế… Để được Ngân hàng phát triển Bắc Giang bảo lãnh khoản vay 6,5 tỷ đồng tại Ngân hàng VP Bank Bắc Giang, rồi chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay.
Điều đáng nói trong vụ án này, VKSND và TAND tỉnh Bắc Giang đã 05 (năm lần) lần trả hồ sơ điều tra bổ sung cho cơ quan điều tra để làm rõ: ý thức chủ quan; mục đích chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng hay 6,5 tỷ; làm rõ trách nhiệm của từng thành viên HĐQT công ty và xác định tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng. Tuy nhiên quá trình điều tra do không có căn cứ buộc tội ông Hưng phạm tội lừa đảo nên Cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 05/PC46 ngày 3/2/2016 và khẳng định ông Hưng không phạm tội lừa đảo, nhưng có căn cứ phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo Điều 142 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009, Quyết định này được Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang ký phê chuẩn.
Bất thường “đổi tội danh” rồi “tạm đình chỉ”
Trao đổi về vụ án này với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, mặc dù, cơ quan CSĐT, VKSND tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc khởi tố, truy tố ông Hưng về tội danh “Sử dụng trái phép tài sản” theo điều 142 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009 là có căn cứ, đúng pháp luật, nhưng quá trình điều tra cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được ai là bị hại trong vụ án này (nguyên đơn dân sự - PV).
“Vấn đề đặt ra ông Hưng sử dụng trái phép tài sản của Ngân hàng VPBank Bắc Giang hay Chi nhánh ngân hàng phát triển (VDB) khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang, nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ. Vậy mà cơ quan tiến hành tố tụng vẫn khẳng định việc khởi tố ông Hưng về tội sử dụng trái phép tài sản là có căn cứ”, luật sư Tạ Anh Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, luật sư Tuấn còn cho biết, cũng chính vì chưa xác định được bị hại trong vụ án này, do vậy cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra số 25/PC46 ngày 6/2/2016 do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang ký với lý do: “Do tranh chấp giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam – Thịnh Vượng – chi nhánh Bắc Giang và chi nhánh Ngân hàng phát triển khu vực Bắc Ninh – Bắc Giang về Hợp đồng bảo lãnh nên cần phải xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự bằng một bản án dân sự của Tòa án”.
Thay vì, ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, cơ quan tiến hành tố tụng ở Bắc Giang lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án để chờ giải quyết tranh chấp dân sự.
“Việc tạm đình chỉ này là trái quy định của pháp luật, làm kéo dài thời gian, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Bắc Giang: Giám đốc một doanh nghiệp 10 năm kêu oan đòi công lý
11:30, 21/04/2022
Vụ một giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế
03:30, 22/04/2022
Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự: Nguy cơ doanh nhân mang thân phận bị cáo… "suốt đời”
04:30, 06/10/2020
DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT TỪ 5-10/10: Hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự: Nguy cơ doanh nhân mang thân phận bị cáo… "suốt đời”
15:00, 11/10/2020