Vụ việc Mazda CX-5 kéo lê xe máy trên phố không chỉ gây phẫn nộ mà còn cho thấy thực trạng đáng báo động về ý thức và văn hóa ứng xử khi gặp tai nạn.
Khoảng 17h45 ngày 18/2, trên đường Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội), một vụ va chạm giao thông xảy ra giữa ô tô Mazda CX-5 màu đỏ mang biển số 30E-908.xx và một xe máy. Sự việc lẽ ra có thể được giải quyết theo cách thông thường: dừng xe, kiểm tra tình trạng nạn nhân, gọi lực lượng chức năng đến xử lý. Nhưng không, tài xế ô tô đã có lựa chọn khó ai ngờ tới: tiếp tục nhấn ga, “ủn” theo chiếc xe máy mắc kẹt dưới gầm, kéo lê nó suốt đoạn đường dài từ cầu Vĩnh Tuy đến tận phố Minh Khai (Hai Bà Trưng).
Mạng xã hội nhanh chóng lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh tượng này, khiến nhiều người bàng hoàng. Chiếc Mazda đỏ lao vun vút trên đường, trong khi bên dưới gầm xe, chiếc xe máy bị kéo lê tóe lửa. Phải mất một quãng đường dài, tài xế mới dừng lại. Hai nạn nhân bị thương nhẹ, nhưng điều đọng lại sau vụ việc không chỉ là những vết xước trên mặt đường, mà là câu hỏi về ý thức của người cầm lái.
Bỏ chạy sau va chạm không còn là chuyện hiếm, thậm chí với nhiều tài xế, đây dường như là phản xạ đầu tiên. Có người lo sợ trách nhiệm, có người muốn tránh rắc rối, nhưng họ quên mất một điều: không có ai chạy thoát mãi mãi. Một vụ tai nạn có thể được giải quyết trong vài giờ nếu tài xế hợp tác, nhưng khi bỏ chạy, hậu quả có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời với các tình tiết tăng nặng: gây nguy hiểm trên đường, cố tình bỏ mặc nạn nhân, chống đối lực lượng chức năng.
Tài xế chiếc Mazda trên cũng vậy. Sau khi hình ảnh lan truyền, tài xế không thể tiếp tục lẩn tránh mà buộc phải trình diện vào ngày 19/2. Nếu ngay từ đầu dừng lại, sự việc có thể chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính. Nhưng với hành động kéo lê xe máy trên đường như một màn trình diễn nguy hiểm, tài xế đối diện với mức xử lý nghiêm khắc hơn, chưa kể những chỉ trích từ dư luận.
Bên cạnh bỏ chạy, thời gian gần đây còn nổi cộm những tình huống mà một số tài xế thay vì nhận lỗi và giải quyết ôn hòa, họ quay sang dùng nắm đấm để “phân định” đúng sai. Khi bình tĩnh đã mất, lý lẽ cũng chẳng còn. Một cú va chạm nhỏ có thể nhanh chóng biến thành xô xát, để rồi thay vì chỉ mất vài triệu đồng đền bù, tài xế có thể đối diện với án tù hoặc án phạt nặng hơn gấp nhiều lần. Có lẽ, điều đáng sợ nhất không phải là va chạm, mà là cách con người đối diện với nó trong những giây phút nóng nảy.
Không ai mong muốn tai nạn xảy ra, nhưng khi nó đã xảy ra, cách hành xử sẽ quyết định tất cả. Một tài xế có thể không giỏi đánh lái, nhưng ít nhất nên biết cách chịu trách nhiệm. Nếu sợ bị xử lý, hãy nhớ rằng bỏ chạy hay bạo lực chỉ khiến mọi thứ tệ hơn.
Chiếc ô tô Mazda màu đỏ có thể tiếp tục lăn bánh, nhưng hình ảnh của người tài xế đã bị lưu lại theo cách chẳng ai mong muốn. Trong khi đó, đoạn clip kéo lê xe máy tiếp tục lan truyền, như một lời nhắc nhở: văn hóa giao thông không chỉ nằm ở việc tuân thủ luật, mà còn thể hiện qua cách con người ứng xử với nhau trên đường.