Vũ trụ ảo thế giới mới của marketing

QUỐC HUY 06/01/2022 11:21

Facebook đã tuyên bố sẽ tập trung vào phát triển vũ trụ ảo (metaverse), đồng thời đổi tên công ty thành Meta để thể hiện tham vọng này.

>>>Sa-lát cũng có… “thuê bao”

Từ lúc đó, cái tên metaverse bỗng trở nên “hot” trên toàn thế giới, nhưng thực chất, Facebook không phải là đơn vị đầu tiên làm vũ trụ ảo. Trước đó, có nhiều vũ trụ ảo đang hoạt động và hứa hẹn cho các thương hiệu làm marketing ở đây.

Gucci đã hợp tác với Zepeto và Giphy - hai nền tảng mạng xã hội chuyên về hình đại diện- để trình làng các mẫu quần áo và phụ kiện thời.

Gucci đã hợp tác với Zepeto và Giphy - hai nền tảng mạng xã hội chuyên về hình đại diện- để trình làng các mẫu quần áo và phụ kiện thời.

“MỎ VÀNG” DẦN PHÁT LỘ

Một cách đơn giản nhất, có thể hiểu vũ trụ ảo là một dạng “thế giới game online”. Trong đó, mỗi người sẽ có một nhân vật “bản thể” riêng của mình. Nhân vật bản thể đó sống, gặp gỡ các nhân vật bản thể khác, làm việc để tạo ra vật phẩm bên trong vũ trụ ảo và buôn bán, kinh doanh với các bản thể khác. Tóm lại, vũ trụ ảo giống như thế giới thực, chỉ khác là thế giới này dựng lên bằng máy tính và nằm trong máy chủ của một công ty công nghệ nào đó.

Vũ trụ ảo hiện vẫn ở giai đoạn sơ khai, nhưng đã hứa hẹn mang lại nhiều ứng dụng trong kinh doanh. Đến năm 2021, vũ trụ ảo là một trong những kênh phổ biến nhất để thử nghiệm thương hiệu. Những nhà tiếp thị thức thời và tiên phong đang tìm cách tận dụng môi trường cực kì rộng lớn này nhằm mở rộng kinh doanh trước khi nó trở nên chật chội. Tuy chưa thể khẳng định hiệu quả tiếp thị lâu dài nhưng qua thực tế, vũ trụ ảo đã chứng minh được hiệu quả ban đầu với các thương hiệu tập trung quảng cáo qua mạng.

Người dùng có thể tương tác thật hơn trong vũ trụ ảo.

Người dùng có thể tương tác thật hơn trong vũ trụ ảo.

“SÂN NHÀ” CỦA GAME VÀ NFT

Trò chơi điện tử là lĩnh vực có thể dễ dàng ứng dụng vũ trụ ảo. Vì thế, nhiều thương hiệu đã khéo léo lồng ghép dịch vụ và sản phẩm của họ như một phần của trò chơi mà không làm gián đoạn trải nghiệm của người chơi. Animal Crossing: New Horizons và Fortnite chính là hai tựa game điển hình của trào lưu lồng ghép thương hiệu vào trò chơi điện tử.

Một số thương hiệu đã kết hợp với game để tạo ra phiên bản số dựa trên phiên bản thực của mình. Điển hình là tập đoàn chủ quản của công viên giải trí Sentosa ở Singapore. Tập đoàn này đã tái tạo công viên trên game Animal Crossing và mời người chơi dự lớp yoga khi đang cách li xã hội tại nhà. Hay như dịch vụ giao đồ ăn Deliveroo đã gửi một đội giao hàng ảo cho người chơi kèm theo mã giảm giá để áp dụng ngoài đời thực.

  • "Nạn nhân" tiếp theo của TikTok: Spotify?
  • Giữ định vị mùa dịch

Một lĩnh vực khác đang rất phát triển và có thể gia nhập vũ trụ ảo là NFT và đồ sưu tập. NFT vốn là tài sản số được tạo ra dựa trên công nghệ blockchain. Mỗi NFT là độc nhất và những người sở hữu NFT có thể giao dịch chúng với giá rất cao. Đây chính là nền móng cho nền kinh tế vũ trụ ảo trong tương lai.

PHÉP THỬ CHO NHIỀU LĨNH VỰC

Hình đại diện (hình ảnh của nhân vật bản thể) cũng là một lĩnh vực tiềm năng để gia nhập vũ trụ ảo. Hình đại diện đã xuất hiện từ rất lâu với vai trò thay thế người thật trên thế giới ảo.

Vì thế, hầu hết các món hàng bán cho người thật đều có thể bán cho phiên bản ảo. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu thời trang cao cấp. Mới đây, Gucci đã hợp tác với Zepeto và Giphy - hai nền tảng mạng xã hội chuyên về hình đại diện- để trình làng các mẫu quần áo và phụ kiện thời trang đặc biệt trên các nền tảng này.

Ở đó, người dùng có thể cho hình đại diện của họ khoác những bộ cánh thời thượng nhất.

Chiến lược bán trực tiếp cho hình đại diện (D2A) được dự báo sẽ trở thành phương thức bán hàng mới trong bối cảnh thế hệ trẻ ngày nay dành hàng giờ lên mạng để trau chuốt cho phiên bản ảo của họ. Thêm nữa, các nhãn hàng có thể giới thiệu những bộ sưu tập thời trang trên mạng để thăm dò thị hiếu trước khi sản xuất và kinh doanh.

Ngoài ra, các sự kiện trực tiếp có nhiều người tham gia, như như hòa nhạc, lễ hội hay trình diễn thời trang… cũng có thể thành công trong vũ trụ ảo.

Trong lĩnh vực âm nhạc, rapper Travis Scott đã trình diễn trực tiếp trên game Fortnite trước 12,3 triệu game thủ. Buổi diễn này sau đó giành giải Grand Prix hạng mục Tác phẩm Số xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2021.

CƠ HỘI CHO AI?

Vũ trụ ảo là một nền tảng hoạt động dựa trên cộng đồng rất lớn nên những lĩnh vực thu hút nhiều người đam mê thương hiệu sẽ có tiềm năng tỏa sáng. Có thể thấy, các thương hiệu thời trang và đồ xa xỉ sẽ có lợi thế hơn khi vũ trụ ảo trở nên phổ biến. Còn một số sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ khó tiếp thị hơn trên nền tảng này.

Dưới góc độ cơ hội, những nhãn hàng tiên phong tiếp thị trên vũ trụ ảo sẽ có nhiều thời gian hơn để sáng tạo, thử nghiệm và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo của mình. Sự kết hợp của vũ trụ ảo với các nền tảng quảng cáo khác sẽ cung cấp thêm thông tin cho các nhãn hàng thay đổi chiến lược và làm mới thương hiệu trong mắt người dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vũ trụ ảo thế giới mới của marketing
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO