Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Theo thống kê, khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp tới 30% GDP, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế, nhưng khu vực này chỉ có một địa vị pháp lý rất bấp bênh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó có đề xuất mới về khung khổ chính sách cho các hộ kinh doanh. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết cách tiếp cận là không xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không bắt buộc họ phải đăng ký doanh nghiệp, mà điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn, xóa bỏ các hạn chế với họ.
Một điểm cũng đáng lưu ý khác là sẽ gọi tên chính xác các đối tượng này là cá nhân kinh doanh, thay vì khái niệm “hộ kinh doanh” vốn không rõ ràng như lâu nay. Hiện nay, từ khái niệm cho tới địa vị, trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh đều không rõ ràng, thậm chí có thể nói là rất bấp bênh.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, dù vẫn còn những ý kiến rất khác nhau khi đi vào các quy định chi tiết hay kỹ thuật. Các chuyên gia cho rằng, tên gọi “hộ kinh doanh cá thể” là tên gọi do lịch sử, thực chất họ là những cá nhân kinh doanh (đăng ký hay không đăng ký kinh doanh). Do đó, nếu cần thiết thì chỉ đổi tên gọi này thành cá nhân kinh doanh, vị trí pháp lý sẽ giống như các nước khác. Một cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn không đăng ký kinh doanh (nhưng phải đăng ký thuế); hoặc đăng ký kinh doanh; hoặc có thể đăng ký là doanh nghiệp tư nhân.
Tôn trọng quyền kinh doanh của cá nhân
Theo chuyên gia Lê Duy Bình, việc chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh không nhất thiết là chuyển đổi thành công ty hay doanh nghiệp.
Ông Bình cho rằng, hiện nay phương pháp tiếp cận duy nhất của chúng ta đối với việc chính thức hóa là chuyển đổi các hộ kinh doanh kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp hay công ty. Nhưng cũng cần thừa nhận rằng trên thực tế có nhiều cá nhân không có nhu cầu thành lập công ty. Tại nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Các cá nhân kinh doanh này cũng đều được đăng ký, có mã số thuế và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định.
Ví dụ như tại Úc, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 đô la Úc sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh (ABN), song sẽ tiến hành nộp thuế thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Do đó, các nỗ lực nhằm chính thức hóa hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam cần khai thác thêm các hướng đi này nhằm tạo thêm sự lựa chọn nữa cho các hộ kinh doanh cá thể, thay vì chỉ có một con đường duy nhất là chuyển đổi thành công ty hoặc doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.
Ông Lê Duy Bình lấy ví dụ, Singapore mất nhiều thập niên với các chính sách kiên trì khác nhau, kết hợp cả bắt buộc, hỗ trợ và khuyến khích, để chính thức hóa các cá nhân và hộ kinh doanh bán hàng rong tại quốc đảo và đã đạt được những thành công đáng học tập. Điều quan trọng là các biện pháp này luôn phù hợp với các nguyên tắc thị trường, hài hòa giữa lợi ích của người kinh doanh và lợi ích xã hội, và có một lộ trình phù hợp để phù hợp với điều kiện thực tiễn của các hộ kinh doanh và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Góp ý về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hưng Quang lấy ví dụ, kinh doanh online hay kiếm tiền online là một xu hướng kinh doanh khá nổi bật tại Việt Nam trong khoảng 5-7 năm trở lại đây. YouTuber, freelancer và developer (lập trình viên) là những cá nhân kinh doanh mà phần lớn thu nhập của họ đến từ nước ngoài.
Trên thực tế, các cá nhân kinh doanh này phần lớn đều không thành lập hộ kinh doanh hay doanh nghiệp do nghi ngại về chi phí tuân thủ, phiền toái từ thủ tục hành chính và không có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện nay, một bộ phận trong số các cá nhân kinh doanh này đang tiến hành nộp thuế dưới hình thức cá nhân kinh doanh.
Tuy nhiên, việc nộp thuế dưới hình thức cá nhân kinh doanh với số tiền thuế được tính theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu khiến cho các cá nhân này không được khấu trừ chi phí đầu vào (chi phí sản xuất phần mềm/chạy quảng cáo...).
Từ các câu chuyện thực tiễn, ông Nguyễn Hưng Quang đề xuất một số quan điểm tiếp cận với hộ kinh doanh. Đó là, hãy để thị trường tự lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh thích hợp. Tôn trọng tính đa dạng của thị trường và thúc đẩy tính sáng tạo trong kinh doanh. Giảm thiểu chi phí tuân thủ cho mọi thành phần kinh doanh. Điện tử hóa hoạt động quản lý, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa và phù hợp với từng mô hình kinh doanh.
Nhiều quy định không công bằng
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trước đây, hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân, vì trong quá khứ, pháp luật không khuyến khích, chậm chí tìm mọi cách ngăn cản kinh tế tư nhân, cá nhân không có quyền kinh doanh.
Tuy nhiên, từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh, đặc biệt là khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân.
Mặt khác, theo phân tích của ông Trương Thanh Đức, dù chung nhau bản chất nhưng quy định pháp luật giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ rất khác nhau. Chẳng hạn như hộ kinh doanh không giới hạn số thành viên còn doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ tối đa 50 thành viên; hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại 1 địa điểm trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ không giới hạn.
Về lệ phí môn bài, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm được miễn lệ phí; chỉ nộp 300 nghìn - 1 triệu đồng tùy doanh thu, trong khi đó doanh nghiệp phải nộp 1 - 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư.
Thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh chỉ từ 1 - 2 - 5% doanh thu, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chịu thuế suất 0 - 5 - 10% (có được khấu trừ thuế). Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp suất phổ thông 20% trong khi hộ kinh doanh chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân từ 0,5 - 2 - 5% doanh thu.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng việc duy trì các quy định khác nhau như trên đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp.
"Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng/năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hoá đơn chứng từ kế toán doanh nghiệp. Nhưng một hộ kinh doanh bán buôn, doanh thu có thể tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hoá đơn kiểu như muốn vẽ gì thì vẽ", vị luật sư bình luận.
Mở rộng khái niệm doanh nghiệp: Nên hay không?
Hiện nay có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Từ thực tế trên, ông Đức cho rằng cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.
“Cần có quy định theo lộ trình tăng dần, yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trước mắt một vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm đang được miễn thuế. Kế toán trước mắt gần như cũ, đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành”, ông Đức đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
03:05, 15/04/2019
16:30, 07/04/2019
19:30, 04/04/2019
Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, ông Đức cho rằng Chính phủ không cần đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp, vì quy mô nhỏ và vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh.
“Tức về cơ bản, cần bảo đảm cho hộ kinh doanh vẫn thực hiện nghĩa vụ như hiện nay, ngoại trừ những gì tốt hơn, gia tăng quyền lợi hơn, chẳng hạn như không giới hạn ở 1 địa điểm kinh doanh và chỉ được thuê dưới 10 lao động. Điều mấu chốt là “không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải sống và khó sống như doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh”, ông Đức nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm cần sửa đổi và làm rõ hơn về khái niệm doanh nghiệp, Luật sư Lê Văn Hà, đại diện Công ty Luật Pathlaw cho rằng, luật hiện hành không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp. Quan niệm “doanh nghiệp” không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp.
Theo ông Hà, cần phải hiểu rằng bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan. Trong khi đó, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Thậm chí, cả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.
Luật sư này đề xuất, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh. Đồng thời, bỏ quy định có tính cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp khi sử dụng thường xuyên trên 10 lao động...
Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình lại có quan điểm khác. Ông cho rằng, nâng cao tính chính thức của hộ kinh doanh cá thể và chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp do vậy cần phải có lộ trình hợp lý và các bước đi phù hợp. Việc quy định hộ kinh doanh cá thể là một loại hình doanh nghiệp nhằm đảm bảo địa vị pháp lý của loại hình kinh doanh này và nhằm ngay lập tức chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh không phải là phương thức phù hợp và hiệu quả.
Hình thức pháp lý được thiết kế thay thế cho hộ kinh doanh cá thể đã được thiết kế và đã tồn tại cho hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hiện tại. Nhưng rất nhiều người kinh doanh đã không lựa chọn hình thức pháp lý này mà đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể vì những lý do khác.