Liên quan đến Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị, cần xem xét lại ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh.
Tại Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã có Báo cáo số 1035/BC-UBTVQH15 ngày 28/10/2024 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo). Một vấn đề còn ý kiến khác nhau là mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo đó, Dự thảo sau tiếp thu, chỉnh lý đã quy định mức ngưỡng 200 triệu đồng/năm, tăng 100 triệu đồng so với hiện hành. Ngoài việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của các cá nhân và hộ kinh doanh, Dự thảo cũng nêu trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như Dự thảo đã trình tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024). Theo đó, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế, để bảo đảm kịp thời điều hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi. Chính phủ cho rằng, việc nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế là đi ngược chủ trương khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội không đề nghị giao Chính phủ quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT. Có ý kiến đề nghị nâng mức ngưỡng doanh thu này lên trên 200 triệu.
Góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, với mức doanh thu hàng năm 200 triệu đồng thì doanh thu mỗi tháng chỉ 16-17 triệu đồng. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận bán hàng ở mức thấp là 6%, thu nhập hộ, cá nhân kinh doanh nhận được trong mỗi tháng chỉ khoảng 1 triệu đồng.
“Do đó, cần nghiên cứu nâng mức doanh thu chịu thuế lên 360 triệu đồng, tức 30 triệu đồng/tháng, vừa giảm chi phí quản lý thuế, giảm chi phí xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh”, chuyên gia này đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An băn khoăn, theo tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và CPI bình quân đầu người hiện nay thì mức quy định như Dự thảo là chưa thật sự phù hợp. Do vậy, đại biểu đề nghị nâng mức này lên hơn 200 triệu đồng cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế cao cấp cho rằng, nếu áp dụng quy định khi CPI biến động 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngưỡng này như tại Dự thảo thì sẽ "giẫm vào vết xe đổ" của mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% tức là người nộp thuế phải đợi đến 6-7 năm ngưỡng doanh thu mới được điều chỉnh.
"Không nên quy định cứng vào trong luật một mức cụ thể và quá cao như vậy, vì nó sẽ gây bất lợi cho người nộp thuế. Bất cập trong quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân về mức giảm trừ gia cảnh đã thấy rõ. Thay vào đó, nên căn cứ vào CPI biến động hằng năm để nâng ngưỡng doanh thu này nhằm đảm bảo công bằng và sòng phẳng với người nộp thuế", ông Tú khuyến nghị.
Về vấn đề nêu trên, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, phương án của Chính phủ là chưa phù hợp vì Hiến pháp đã quy định “các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do luật định”.
Mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế. Trường hợp này là những cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập thấp trong xã hội - tương đương doanh thu 8,3 triệu đồng/tháng theo mức hiện hành là 100 triệu đồng/năm. Nội dung này cần được quy định trong Luật như hiện hành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, việc tăng lên mức 200 triệu đồng/năm như Dự thảo (tương đương 16,6 triệu đồng/tháng) là mức rất thấp. Các hộ có mức doanh thu dưới ngưỡng này khó có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
“Tại cuộc họp của Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách và cơ quan soạn thảo ngày 11/11, cơ quan soạn thảo thống nhất với mức ngưỡng 200 triệu một năm và bỏ quy định điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Phần lớn ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất với phương án xử lý này. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nói cần xin lại ý kiến lãnh đạo Chính phủ để có thể đạt được sự thống nhất”, ông Lê Quang Mạnh chia sẻ.
Theo chương trình, dự kiến Dự thảo này sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 (ngày 26/11).