Về vấn đề lỗ sau thuế tăng lên 705 tỷ đồng so với con số lỗ sau thuế 63 tỷ đồng vua cá tra Hùng Vương đã có những lý giải về vấn đề này.
Kiểm toán báo lỗ đậm
Mới đây, báo cáo kiểm toán hợp nhất cho năm tài chính 2016-2017 của Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (Mã CK: HVG) vừa công bố cho thấy, thay vì chỉ lỗ 63 tỷ đồng như báo cáo tự lập, công ty lỗ tăng lên 705 tỷ đồng.
Doanh thu năm 2017 đạt 15.514 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2016. Giá vốn bỏ ra hơn 14.435 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn gần 1.079 tỷ đồng. Trong số đó, riêng doanh thu xuất khẩu đối với hoạt động chế biến, nuôi trồng thủy sản đạt gần 7.311 tỷ đồng, chiếm 47% tổng doanh thu.
Tổng doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm gần 100 tỷ đồng, tăng 11 tỷ đồng so với năm trước đó. Trong khi đó, chi phí bán hàng hơn 478 tỷ đồng, giảm 35 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong năm công ty chi hơn 756 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, đây là mức tăng đột biến gấp 2,8 lần số tiền chi ra trong năm 2016. Nguyên nhân do doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỷ đồng, trong khi năm 2016 chỉ hơn 70 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2017, tổng nợ phải trả là 11.378 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn 10.678 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn (9.868 tỷ đồng). Cũng chính vì các chỉ số tài chính kém hiệu quả, lỗ cơ bản trên cổ phiếm âm 3.140 đồng. Do đó, công ty kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động của đại gia thuỷ sản này.
Vua cá tra nói gì?
Trước chênh lệch lớn này, HVG vừa qua đã công bố giải trình.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán giảm 580,8 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán, chủ yếu do các điều chỉnh lợi nhuận gộp giảm, và chi phí doanh nghiệp tăng mạnh.
Trong đó, lợi nhuận gộp sau kiểm toán giảm 63,6 tỷ đồng do doanh thu và giá vốn trên BCTC của CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF) bị điều chỉnh giảm lần lượt 178,5 tỷ đồng và 68,5 tỷ đồng sau kiểm toán. Hiện Hùng Vương là công ty mẹ sở hữu gần 80% vốn cổ phần của Agifish.
Đồng thời, giá vốn tăng do trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên BCTC riêng công ty mẹ với số tiền hơn 11,68 tỷ đồng.
Vấn đề doanh thu hoạt động tài chính tăng 8,6 tỷ đồng là do công ty cấn trừ doanh thu và chi phí tài chính trên BCTC hợp nhất tự lập lớn hơn so với số sau kiểm toán là 12,13 tỷ đồng. Mặt khác, kiểm toán cũng điều chỉnh giảm do cấn trừ chênh lệch tỷ chưa thực hiện khi trình bày trên BCTC đã kiểm toán tại CTCP Thực phẩm Sao ta với số tiền hơn 3,38 tỷ đồng. Thực phẩm Sao Ta từng là công ty con - là "con gà đẻ trứng vàng" của Hùng Vương, tuy nhiên giai đoạn cuối năm 2017 Hùng Vương đã hoàn tất thủ tục bán hết vốn tại FMC.
Mặt khác, chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng 544,75 tỷ đồng do ảnh hưởng tăng dự phòng của công ty mẹ với số tiền hơn 162,89 tỷ đồng và ảnh hưởng của điều chỉnh dự phòng tại CTCP XNK thủy sản An Giang số tiền hơn 80,67 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí tăng cũng do ảnh hưởng điều chỉnh tăng dự phòng tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) số tiền hơn 302 tỷ đồng. Hùng Vương hiện cũng là công ty mẹ sở hữu 90,38% vốn cổ phần của Chăn nuôi Việt Thắng.
Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết giảm hơn 9,84 tỷ đồng do điều chỉnh tăng dự phòng các khoản phải thu.