Mô hình liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và trường đại học chưa thực sự phát huy cao nhất hiệu quả nên cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhằm huy động các nguồn lực.
Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích hai phía, mối liên kết này mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số trường đại học đang tự phát triển những vườn ươm riêng và dành quỹ đất cho việc ươm mầm, đó là một tín hiệu tốt. Tuy vậy, tư duy tự làm khiến các trường đại học đảm nhiệm tất cả các nội dung trong việc ươm mầm các dự án khởi nghiệp tiềm năng mà thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các đơn vị chuyên nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp và những mối liên hệ của trường đại học với các chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là với cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn rất mờ nhạt.
Hợp tác, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp còn hạn chế, mang tính hình thức, các hoạt động chủ yếu là trao học bổng, giới thiệu việc làm. Các hoạt động chuyển giao kiến thức, công nghệ còn chưa được quan tâm thích đáng. Chính vì vậy, sự hợp tác chưa có chiều sâu, hiệu quả hợp tác thấp.
Việc tăng cường liên kết giữa cộng dồng doanh nghiệp và các trường đại học để góp phần tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữ vai trò quan trọng, cần có sự nỗ lực từ 2 phía.
Cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ hơn về ích lợi cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết nhà trường - doanh nghiệp, từ đó hoạch định cơ chế phối hợp cụ thể với các trường đại học. Các doanh nghiệp nên có chiến lược “nuôi dưỡng”, “ươm mầm” tài năng tại các trường đại học bằng hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; đặt hàng cơ sở đào tạo giải quyết những vấn đề cần thiết mà doanh nghiệp đang và sẽ có nhu cầu…
Về phía các trường đại học cần thực hiện vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm cung cấp cho xã hội những nhân tố được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng, giải quyết bài toán cụ thể cho thị trường, mang lại giá trị cho xã hội.
Tiếp đó, cần phải thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo, trong đó phải tăng cường các môn học về khởi nghiệp và khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, từ đó giúp lựa chọn các dự án có tính khả thi, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, cho ra đời các sản phẩm dịch vụ có tính ĐMST...
(trích Kỷ yếu Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2024)