Dính vào cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, tham vọng tỷ USD của “vua tôm” Minh Phú trở nên xa vời.
Trong quý 2/2019, Minh Phú dính vào cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ.
"Vận đen" ập đến
Tháng 6/2019, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin về việc ngày 17.5.2019, nguyên đơn phía Hoa Kỳ yêu cầu cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) điều tra về hành vi lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã khẩn trương kiểm tra thông tin, đánh giá vụ việc và sẽ phối hợp với các bộ/ngành, hiệp hội và doanh nghiệp liên quan làm rõ, xây dựng phương án xử lý, trao đổi và phối hợp với phía Hoa Kỳ để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Từ năm 2016, căn cứ phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá, không tiến hành rà soát hàng năm biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Minh Phú.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, vụ việc mới chỉ ở giai đoạn nguyên đơn gửi yêu cầu. Theo quy định của Hoa Kỳ, trong trường hợp đơn kiện là đầy đủ và hợp lệ, CBP sẽ xem xét có tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc hay không. Nếu khởi xướng điều tra, CBP sẽ có khoảng thời gian là 365 ngày để tiến hành thu thập chứng cứ, phân tích, đánh giá, đưa ra kết luận cuối cùng với vụ việc. .
Trước đó, Công ty Minh Phú bị một nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, đại diện bang Illinois cáo buộc có liên quan đến hoạt động trốn thuế chống bán phá giá với tôm từ Ấn Độ.
Theo đó, vào đầu tháng 6, nghị sỹ Mỹ Darin LaHood gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ tiến hành điều tra Minh Phú về cáo buộc "vua tôm" Việt Nam nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam, gây tổn hại tới các nhà sản xuất tôm của Mỹ và tạo ra mối nguy cho người tiêu dùng tôm tại Mỹ.
Minh Phú sau đó cho biết chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc trên. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của Công ty vẫn diễn ra bình thường.
Về nội dung cáo buộc, Minh Phú không phủ nhận việc nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú.
"Không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản mà trong nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào", phía Minh Phú cho hay.
Thực tế từ năm 2004 MPC đã trải qua hơn 10 năm tham gia điều tra chống bán phá giá của Mỹ.
Tổng sản lượng xuất khẩu tôm năm 2018 của MPC đạt trên 67.000 tấn tương ứng 750 triệu USD, trong đó doanh thu từ thị trường Mỹ chiếm 40%.
"Lao đao" vì kiện
Cáo buộc này đã khiến cho cổ phiếu MPC của vợ chồng "vua tôm" rớt giá thảm, kết quả kinh doanh cũng tụt đi trông thấy.
Theo bản công bố thông tin cập nhật về tình hình hoạt động trong 9 tháng năm 2019, Công ty Cổ phần Minh Phú (Mã: MPC) cho hay, do thiếu nguyên liệu, các nhà máy Minh Phú đang thiếu đầu vào để sản xuất đơn hàng xuất khẩu.
Để đáp ứng các đơn hàng công ty phải mua nguyên liệu với giá cao làm cho giá thành tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng .
Có thể bạn quan tâm
00:00, 18/11/2019
16:21, 14/10/2019
15:43, 09/07/2019
Tình hình thiếu nguyên liệu về nhà máy vẫn không được cải thiện làm hạn chế khả năng xuất hàng nhanh cho khách hàng trong tháng 9 đồng thời hạn chế việc ký thêm đơn hàng mới trong các tháng cuối năm.
Theo đó, tình hình kinh doanh của Minh Phú cũng đã không theo đúng kế hoạch mà ban lãnh đạo công ty đề ra. Doanh thu xuất khẩu trong tháng 9/2019 của Minh Phú chỉ đạt gần 60 triệu USD, giảm 33,85% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu xuất khẩu của công ty đạt 484,6 triệu USD giảm 8,92% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 57% kế hoạch năm 2019.
Sự sụt giảm mạnh nhất đến thị trường Mỹ; trong tháng 9, thị trường dẫn đầu tiêu thụ tôm của Minh Phú giảm đến 58,8% xuống còn 18,7 triệu USD; luỹ kế 9 tháng giảm 14,3% xuống mức 95,8 triệu USD.
Thị trường châu Âu của Minh Phú có mức tăng trưởng mạnh gần 22% so với cùng kỳ, song nhìn chung thị trường này vẫn đang ở quy mô nhỏ hơn, chỉ 7,1 triệu USD trong tháng 9. Trong 9 tháng , Minh Phú xuất khẩu 59,3 triệu USD sang thị trường này, tăng 19,7% so với cùng kỳ.
Thị trường Hàn Quốc cũng giảm 20,64%, Nhật Bản giảm 7,56%, các thị trường khác giảm 14,75%.
Minh Phú cho biết, giá trị hợp đồng đã ký trong tháng 9 chỉ đạt 32,19 triệu USD, giảm 47,8% cùng kỳ năm trước, 9 tháng đạt 590 triệu USD, giảm 15,7%, hoàn thành 69,43% kế hoạch năm.
Tháng 11 vừa qua, Hội đồng quản trị Minh Phú thông qua việc đầu tư thêm 280 tỷ để tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Minh Phú - Lộc An lên 720 tỷ đồng, nhằm thực hiện chiến lược nuôi tôm của Tập đoàn.
Việc tăng sản lượng tôm của Minh Phú là điều bức thiết, đặt giữa bối cảnh xuất khẩu tôm của Công ty trong tháng 9/2019 sụt giảm do thiếu nguồn nguyên liệu, nhà máy thiếu nguồn lực để sản xuất.
Trước đó, trong tháng 5, Minh Phú đã phát hành 60 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Nhật Bản Mitsui. Giá chào bán là 50.630 đồng mỗi cổ phần giúp Minh Phú thu về 3.037 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Đối tác Nhật Bản sẽ nâng sở hữu lên 35,1% sau khi hoàn tất giao dịch thông qua mua cổ phần riêng lẻ và cổ phần từ các cổ đông hiện hữu.
Số tiền thu về từ thương vụ này dự kiến giúp Minh Phú mở rộng sản xuất. Công ty dự định tăng công suất chế biến từ mức hiện tại là 76.000 tấn/năm lên 200.000 tấn/năm vào năm 2025. Khoảng 50% nhu cầu vốn sẽ được tài trợ bằng số tiền thu được từ phát hành riêng lẻ cho Mitsui, phần còn lại được tài trợ bằng nợ.
Tuy nhiên, các dự án hiện bị chậm tiến độ. Dự án Minh Quý Cà Mau đã bị hoãn lại để chờ phê duyệt của Hội đồng quản trị mới. Thủ tục hành chính xây dựng Minh Phú Kiên Giang 1 và 2 với chính quyền tỉnh Kiên Giang vẫn chưa hoàn thành dẫn đến việc hoãn thi công hai nhà máy.
Minh Phú vẫn chưa thoát được vòng lẩn quẩn sau những lùm xùm xảy đến từ tháng 6. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tỏ ra bi quan về khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra. Công ty phân tích đánh giá, nguy cơ bị buộc tội trốn thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ là hiện hữu nhưng kế hoạch dự phòng không rõ ràng.