Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Bên cạnh những vướng mắc về mặt chính sách, đặc biệt là câu chuyện thời hạn visa, theo chuyên gia, để thu hút khách quốc tế, Việt Nam cần phải có các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn…
>> Vực dậy ngành du lịch - Cần hành động quyết liệt
Theo ước tính của ngành du lịch, năm 2022, cả nước chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Như vậy, Việt Nam không hoàn thành mục tiêu đón 5 triệu lượt du khách đề ra hồi đầu năm dù được đánh giá là điểm đến cởi mở nhất thế giới khi mở cửa từ ngày 15/3/2022, và nếu so với 18 triệu lượt khách trong năm 2019 trước thời điểm đại dịch COVID-19 tàn phá thì kết quả này là hết sức khiêm tốn.
Chưa kể, nhìn qua Thái Lan, một trong những điểm đến thường được so sánh với du lịch Việt Nam vì có nhiều nét tương đồng, đến đầu tháng 12/2022, nước này đã chính thức đón 10 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu lên tới 14 tỷ USD, bỏ xa kế hoạch cả năm dù mở cửa chậm hơn Việt Nam.
Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần thay đổi quan điểm, lượng khách chỉ nên là con số để tham khảo, quan trọng là doanh thu của ngành du lịch. Thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách đến Việt Nam như lâu nay, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn.
Thực tế, một thống kê gần đây cho thấy, trong khi Thái Lan trung bình 70% khách quốc tế sẽ quay lại, tại Việt Nam tỉ lệ này mới là 25 - 30%. Và cùng lưu trú khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng trung bình một khách đến Thái tiêu 2.500 USD, còn tại Việt Nam chỉ 1.200 USD.
Đặc biệt, trong khi nước bạn đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn khác. Khách đến Việt Nam vẫn đi ngủ sớm, không có nhiều dịch vụ để tiêu tiền. “Bỏ quên” kinh tế ban đêm đang là rào cản khiến du lịch Việt Nam đi sau nhiều nước. Đáng nói, các điểm đến hiện nay vẫn chưa thể hiện được bản sắc, ẩm thực, đồ mỹ nghệ na ná nhau, không có sản phẩm mang dấu ấn bản địa, trong khi các gian hàng có vẻ tạm bợ, bán nhiều mặt hàng rẻ tiền và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc này khó thu hút khách quay lại.
>> Đừng để chính sách về visa “kìm” đà phát triển của ngành du lịch
Thông tin với báo chí, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, song song việc thúc đẩy khai thác các thị trường truyền thống khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Đông Nam Á và một số thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng yếu tố chất lượng khách, với các giải pháp chuyên biệt hóa theo từng thị trường hay khu vực.
“Ngành du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm mới theo xu hướng mới của thị trường, đặc biệt là sản phẩm đáp ứng tiêu chí du lịch bền vững, gia tăng tính trải nghiệm - khám phá, chăm sóc sức khỏe, thể thao… mang đến cho du khách những khám phá mới, tăng tính tương tác, trải nghiệm văn hóa bản địa”, ông Võ Anh Tài bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, ông Nguyễn Ngọc Bích - Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Mekong Rustic cũng cho rằng, toàn ngành cần tập trung phát triển đa dạng hóa sản phẩm, làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch. Tại các điểm du lịch lớn như Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long… hiện nay chỉ tập trung xây khách sạn mà chưa có nhiều sản phẩm du lịch.
“Nếu đi Nha Trang 1 tuần, chỉ tắm biển, đi tour ra đảo, vào khu vui chơi giải trí… ngoài ra chúng ta có gì? Nhiều khách quốc tế hỏi đến Việt Nam thì làm gì, chơi gì, ăn gì? Sản phẩm của chúng ta là gì? Hay chỉ xoay quanh việc tắm biển, đi du thuyền 2 ngày - 1 đêm? Sau COVID-19 chúng ta có thêm sản phẩm mới nào; nhu cầu của khách du lịch đã thay đổi, vậy sản phẩm du lịch hiện tại có đáp ứng được nhu cầu của khách không?”, ông Nguyễn Ngọc Bích bày tỏ.
Thực tế, nếu lấy Thái Lan - quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam có thể thấy, thị trường du lịch đã được họ triển khai nhiều chính sách táo bạo, quyết liệt. Trong đó, Bộ Du lịch và Thể thao nước này đã lên kế hoạch trình nội các phê duyệt trong tháng 11 một khoản ngân sách trị giá 8,7 tỉ baht (khoảng 240 triệu USD) để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu thu hút từ 18-20 triệu lượt du khách tới Thái Lan trong năm 2023. Ngoài chính sách visa thông thoáng, Bộ Du lịch và Thể thao nước này cũng đang lên kế hoạch xin sự chấp thuận của nội các để miễn thị thực cho tất cả du khách châu Âu.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển du lịch bền vững, hiệu quả cao thì phải theo hướng tạo sự khác biệt và đặc sắc, Việt Nam có nhiều cái hay, nhưng ta phải làm cho hay hơn. Đặc biệt, cần phải vượt lên về chất, về sự hấp dẫn, khác biệt, lấy lợi ích kinh tế cụ thể làm thước đo, tạo đẳng cấp, chứ không chỉ đơn thuần chạy theo số lượng.
Có thể bạn quan tâm