“Vun đắp” nền tảng quan hệ Việt - Trung

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 16/12/2023 02:00

Chuyến thăm vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần “vun đắp” thêm nền tảng quan hệ Việt – Trung.

Sau 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Trung Quốc tăng lên 8 lần.

p/Thương mại hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2013 - 11T/2023. Nguồn: Bộ Công Thương

Thương mại hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2013 - 11T/2023. Nguồn: Bộ Công Thương

>> Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc

Không gian thương mại rộng mở

Năm 2008, kim ngạch thương mại song phương Việt - Trung chỉ là 20,8 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã tăng vọt lên 175,5 tỷ USD. Con số này cho thấy thương mại là nền tảng trong quan hệ ngoại giao hai nước, là điển hình của “đôi bên cùng có lợi”.
Liên tiếp 2 thập kỷ qua, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Đây là lợi thế rõ ràng được mang lại bởi yếu tố địa lý, văn hóa, thị hiếu tiêu dùng và đặc điểm thị trường.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài gần 400km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Với 9 cặp cửa khẩu chính thức và 12 cặp cửa khẩu dự kiến dọc biên giới đã tạo ra không gian kinh tế vô cùng lớn giữa hai nước. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 10 loại trái cây, trên 120 loại thủy sản và nhiều sản phẩm nông lâm sản khác nhau được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có nhiều sản phẩm có giá trị cao.

Xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc giúp giảm tối đa chi phí logictics. Hơn nữa, phân khúc khách hàng bình dân tại đại lục chiếm đa số nên rất phù hợp với hàng hóa nông sản Việt Nam. Trong đó, yếu tố văn hóa tiêu dùng, buôn bán khá tương đồng cũng là điều kiện rất cởi mở để doanh nghiệp Việt Nam có thể phân phối một cách thuận tiện.

Đổi lại, Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu công nghiệp lớn nhất thế giới. Điều này cho phép những nhà sản xuất tại Việt Nam tiếp cận nhanh nhất với chi phí cạnh tranh hơn so với đối thủ trong khu vực. Nhờ đặc điểm này, nhiều trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng mọc lên ở nước ta, phục vụ thị trường châu Âu, Mỹ.

>> Trung Quốc – thị trường tiềm năng lớn của nông sản Việt

Ví dụ, với ngành dệt may, da giày, Trung Quốc là đối tác cung cấp nguyên phụ liệu lớn nhất cho Việt Nam, luôn ở mức trên 50% tổng nhu cầu. Nhờ đặc điểm rẻ, phong phú, dễ tiếp cận,… nên hàng da giày và may mặc, cũng như ngành hàng điện tử Việt Nam đạt được tỷ trọng xuất khẩu lớn, mang về hàng tỷ USD mỗi năm.

p/FDI Trung Quốc vào Việt Nam từ 2019 tới T11/2023

FDI Trung Quốc vào Việt Nam từ 2019 tới T11/2023

Nhiều cơ hội bứt phá

Trung Quốc là nền kinh tế đồ sộ, đóng góp 30% cho tăng trưởng toàn cầu, trong khi Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, năng động, giàu sức hút, độ mở lớn. Đây là cơ sở để rút ra nhận xét: Quy mô, dung lượng, chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc hoàn toàn có thể bứt phá đạt nhiều cột mốc mới.

Trước hết, mức độ tin cậy chính trị lớn giữa hai quốc gia là điều kiện cần cho nền tảng vững bền, và việc thực thi những cam kết như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); khung khổ chiến lược toàn diện song phương,… sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để phát huy lợi thế bù trừ cho nhau.

RCEP tạo cơ hội giúp chuỗi cung ứng Việt Nam với Trung Quốc rộng lớn hơn, trong đó chúng ta có thể tham gia sản xuất, chế tạo cấu thành giá trị sản phẩm và tận dụng hệ thống logictics của Trung Quốc để vươn tới các thị trường xa hơn.
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đầu tư gần 2 tỷ USD vào Việt Nam, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, xếp thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đầu tư của Trung Quốc hiện diện trong nhiều lĩnh vực, như dệt may, chế tạo máy, điện tử và năng lượng mới.

Trên thực tế, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Trung Quốc rất dồi dào, đi kèm với khả năng hoạch định dự án; sở hữu tiềm năng công nghệ tân tiến. Nếu Việt Nam “nâng cấp” khả năng triển khai, sử dụng và quản lý dự án đầu tư từ Trung Quốc thì hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.

Điều giá trị nhất ở Trung Quốc là kinh nghiệm 45 năm cải cách mở cửa, vượt qua khó khăn trì trệ trở thành nền kinh tế hùng mạnh. Cách nước này sử dụng đòn bẩy vốn, nhân lực nội tại, tận dụng ngoại lực là bài học quý giá cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở đó, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam sẽ góp phần khẳng định và củng cố quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai quốc gia, mở ra nhiều mối quan hệ hợp tác mới trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định thư về kiểm dịch

    Nghị định thư về kiểm dịch "mở đường" xuất khẩu chính ngạch dưa hấu sang Trung Quốc

    15:38, 13/12/2023

  • Việt Nam, Trung Quốc ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác

    Việt Nam, Trung Quốc ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác

    00:00, 13/12/2023

  • Việt Nam - Trung Quốc nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai

    Việt Nam - Trung Quốc nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai

    21:44, 12/12/2023

  • "Đòn bẩy" giao thương Việt Nam - Trung Quốc

    04:30, 12/12/2023

  • Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc

    Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhà đầu tư Trung Quốc

    00:06, 12/12/2023

  • Tầm vóc mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

    Tầm vóc mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

    04:30, 11/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vun đắp” nền tảng quan hệ Việt - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO