Muốn nâng cao vị thế xã hội, đội ngũ doanh nhân ở nước ta không chỉ phải tuân thủ pháp luật mà còn phải coi trọng cả những giá trị đạo đức và chính trị, văn hóa và văn minh trong sản xuất, kinh doanh.
>>Khởi đầu mới của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới
Vị thế xã hội không chỉ đề cập đến chỗ đứng của cá nhân, nhóm, tầng lớp, giai cấp trong cấu trúc tổ chức, cộng đồng, hay trên quy mô toàn xã hội, mà còn phản ánh mức độ thừa nhận từ phía xã hội đối với những người đang được xếp ở vị thế nào đó theo trật tự cao, thấp. Cấu trúc xã hội phân chia theo tiêu chí nghề nghiệp phản ánh trình độ phát triển của mỗi nền kinh tế-xã hội. Theo đó, nền kinh tế-xã hội càng phát triển thì cấu trúc giai cấp, tầng lớp càng đa dạng.
Việt Nam vốn là một nền kinh tế nông nghiệp, lực lượng lao động chủ yếu là “nông dân”. Hoạt động kinh doanh, thương mại kém phát triển khiến cho số lượng những người được coi là “doanh nhân” còn ít.
Công cuộc khai phá thuộc địa của thực dân Pháp cũng thúc đẩy sự hình thành lực lượng doanh nhân người Việt. Tuy nhiên, thân phận xứ thuộc địa đã định hình vị thế phụ thuộc của các doanh nhân Việt Nam. Những doanh nhân có ý thức dân tộc thì cũng khó lớn mạnh bởi sự chèn ép từ phía các doanh nhân đến từ chính quốc, cũng như chính quyền thuộc địa. Ba thập kỷ chiến tranh (1945-1975) và chủ trương xây dựng nền kinh tế XHCN theo mô hình cổ điển sau khi đất nước thống nhất (1975-1985) đã khiến các yếu tố kinh tế thị trường không thể phát triển, kèm với đó là sự vắng bóng của các “doanh nhân”.
Sau gần bốn thập kỷ đổi mới, dù đã gia nhập nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, với nền kinh tế đang trong quá trình công nghiệp hóa. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế đã gia tăng nhưng, do sự áp đảo của các doanh nghiệp FDI.
>>Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp
Cho đến thập niên đầu thế kỷ 21, doanh nhân người Việt cũng chưa có được vị thế xã hội tương xứng. Năm 2011, Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã nhận định: đội ngũ doanh nhân nước ta “mới hình thành và phát triển, chưa có tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh”.
Tiến trình đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng ngày càng khẳng định tầm quan trọng của lực lượng doanh nhân trong nước. Để từng bước thay đổi nhận thức về doanh nhân, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Nghị quyết số 09-NQ/TW (năm 2011) cũng khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, sự phát triển của lực lượng doanh nhân Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng. Theo thống kê, nước ta hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp (chủ yếu quy mô vừa và nhỏ), gần 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Dự kiến đến năm 2025 cả nước sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp. Cũng có nghĩa, nếu chỉ tính những người có quyền sở hữu doanh nghiệp thì số lượng doanh nhân thực sự ở nước ta chỉ khoảng 2 triệu người, chiểm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu dân số.
Thực trạng lực lượng doanh nhân chưa như mong đợi, vị thế doanh nhân chưa cao bắt nguồn từ nhiều yếu tố: lịch sử phát triển kinh tế thị trường, trình độ và năng lực nội tại của nền kinh tế, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, và cả nhận thức của xã hội. Từ phía hệ thống chính trị, Nghị quyết số 09-NQ/TW (năm 2011) đã chỉ ra “Ở một số nơi, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đối với doanh nhân còn hạn chế, chưa có được sự thống nhất nhận thức về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Vị thế của cá nhân hay nhóm trong xã hội hàm ý mức độ thừa nhận từ phía xã hội đối với những giá trị, hay những đóng góp của cá nhân/nhóm cho xã hội. Điều này có nghĩa, muốn nâng cao vị thế xã hội, đội ngũ doanh nhân ở nước ta không chỉ phải tuân thủ pháp luật, mà còn phải coi trọng cả những giá trị đạo đức và chính trị, văn hóa và văn minh trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể hơn thì đó là ý thức về trách nhiệm, bổn phận của doanh nhân đối với xã hội, với quốc gia và dân tộc.
Theo quy luật phát triển kinh tế và xã hội trong lịch sử nhân loại, muốn gia tăng số lượng doanh nhân Việt Nam, ngày càng trưởng thành và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, qua đó nâng cao vị thế doanh nhân thì điều kiện then chốt là phải thiết lập được nền kinh tế thị trường hiện đại. Những đặc trưng thị trường hoàn chỉnh cần được coi trọng bao gồm: mở rộng tự do kinh tế, bảo vệ quyền tài sản, cạnh tranh bình đẳng, quản lý Nhà nước công khai, minh bạch.
Để gia tăng số lượng và nâng cao vị thế của doanh nhân người Việt, thì hệ thống chính sách cũng cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi chỉ có doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam mới có thể bảo đảm sự thịnh vượng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
04:57, 12/10/2023
00:30, 12/10/2023
22:50, 11/10/2023
19:40, 11/10/2023
17:02, 11/10/2023
15:33, 11/10/2023