"Vùng động lực mới" cho phát triển du lịch Việt

Thy Hằng 09/12/2018 14:59

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, DĐDN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng.

Thủ tướng

Thủ tướng vừa phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”

Theo Đề án, Việt Nam phấn đấu là quốc gia có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á với tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD năm 2025. 

- Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nhấn nổi bật tại Đề án tái cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025?

Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” lần này liên quan tới việc cơ cấu nhiều lĩnh vực của ngành bao gồm những điểm chính là hệ thống quan điểm về phát triển ngành du lịch đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP. Tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%. Đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Như vậy, mặc dù bao trùm nhiều lĩnh vực với mục tiêu phát triển chiều rộng, tuy nhiên vấn đề nâng cao chất lượng và phát triển chiều sâu đã được đặt lên hàng đầu.

Đề án sẽ tập trung vào những yêu cầu cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sản phẩm du lịch và ứng dụng công nghệ mà đặc biệt là những giải pháp đáp ứng nguồn nhân lực cho du lịch trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, theo Đề án, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao.

- Tuy nhiên, sự thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành vẫn được đánh giá là còn khá hạn chế, vậy giải pháp mới tạo đột phá trong thu hút doanh nghiệp ở Đề án lần này là gì, thưa Thứ trưởng?

Năm 2018 đã đánh dấu việc chúng ta vượt mốc 15 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đây là con số lớn. Để đạt được mức tăng trưởng này là nhờ sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp ngành du lịch. Chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp lớn đã có định hướng hình thành các khu du lịch trọng điểm, tạo đột phá về du lịch.

Tuy nhiên, thu hút các doanh nghiệp vào ngành du lịch còn hạn chế bởi nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm hạn chế, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường... Do đó, ngay trong quá trình xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành lần này, chúng tôi đã tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta cùng nhau để xây dựng chiến lược ngành du lịch.

Trong đó, giải pháp mới được đưa ra là chúng tôi xác định xây dựng “vùng động lực mới” cho phát triển du lịch. Đồng thời, củng cố hơn nữa các hạ tầng du lịch, cho doanh nghiệp thấy lợi ích đầu tư vào ngành. Chú trọng cơ cấu lại thị trường khách quốc tế, gia tăng giá trị gia tăng cho đầu tư của doanh nghiệp, tạo hiệu quả đầu tư và nâng cao chất lượng, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp vào ngành.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch cần hàng không để “cất cánh”!

    Du lịch cần hàng không để “cất cánh”!

    05:00, 09/12/2018

  • Làm sao thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch Việt?

    Làm sao thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du lịch Việt?

    16:03, 06/12/2018

  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành du lịch nhận vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành du lịch nhận vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế

    12:50, 06/12/2018

  • Việt Nam cần chi “mạnh tay” hơn cho xây dựng thương hiệu du lịch

    Việt Nam cần chi “mạnh tay” hơn cho xây dựng thương hiệu du lịch

    10:45, 06/12/2018

- Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể “vùng động lực mới” ở đây là gì?

Như chúng ta đã biết, hiện ở mỗi vùng kinh tế đều có các địa phương nằm trong vùng như vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam bộ, Tây Nam bộ… Tại mỗi vùng này, chúng  tôi sẽ lựa chọn một số địa phương có lợi thế về sân bay, tài nguyên du lịch điển hình của vùng và có nguồn nhân lực đảm bảo để hình thành trung tâm phát triển du lịch mới, tạo thành các “vùng động lực mới”.

Tại đây, các sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực động lực phát triển của du lịch Việt Nam sẽ được hình thành. Đó là các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như các sản phẩm du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng…Chúng ta hi vọng những sản phẩm mới hướng tới các thị trường khách có giá trị gia tăng cao sẽ thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào ngành du lịch trong giai đoạn mới.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Vùng động lực mới" cho phát triển du lịch Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO