Tình trạng quá tải của HoSE được cải thiện, đi kèm với đó là việc các CTCK đã cho phép nhà đầu tư được hủy/sửa lệnh trở lại đã khiến sắc xanh trở lại phiên giao dịch hôm nay.
Mở lại tính năng hủy/sửa lệnh
Trước việc HoSE nghẽn lệnh, cùng với đó là hiện tượng nhận lệnh và trả lệnh của các CTCK bị chậm trong tuần giao dịch này, đã khiến một số CTCK đã đưa ra thông báo yêu cầu nhà đầu tư không được được hủy/sửa lệnh.
Việc không áp dụng hủy/sửa lệnh mà sử dụng lệnh thị trường (MP) được cho gây tác động tới mức giá của nhiều cổ phiếu giảm mạnh hơn. Nhà đầu tư được đặt yêu cầu có trách nhiệm hơn với hệ thống đặc biệt với lệnh đặt của mình, để không ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Tuy nhiên kết hợp với bối cảnh HoSE "đơ toàn tập" như ở phiên hôm qua 8/6, dẫn tới bảng điện tử không nhả, lệnh trả về bị, nhà đầu tư phải giao dịch trong thái “sương mù” thì nhiều nhà đầu tư muốn "có trách nhiệm với đặt lệnh" lại quá khó khăn. Nhà đầu tư đã hoảng loạn và phẫn nộ.
HoSE mới đây đã lên tiếng về tình trạng đáng lưu ý của phiên 8/6: “Hệ thống quá tải nên tính năng thiết kế là ưu tiên trả thông tin giá khớp trước, các thông tin tính toán toàn thị trường trả sau khi hệ thống có thể đáp ứng. Đây cũng là lý do tại sao lệnh MP được nhiều nhà đầu tư sử dụng hơn trong hai phiên vừa qua, cho dù mức giá mua/bán có thể không được như mong muốn”.
Trước thông tin cho rằng, tại một số công ty chứng khoán có hiện tượng “tự doanh thì sửa/hủy lệnh được, còn nhà đầu tư thì không”, lãnh đạo HoSE cho rằng, cơ quan quản lý và HoSE đã quán triệt và không cho phép các công ty chứng khoán thành viên làm điều này. Có hay không hiện tượng vẫn là câu chuyện của chính các CTCK, chỉ biết phiên hôm qua 8/6, trong khi nhà đầu tư cá nhân nỗ lực bán ròng, khối tự doanh mua ròng gần gấp 10 lần giá trị của khối cá nhân.
Đến đầu giờ chiều ngày 9/6 hôm nay, một loạt các CTCK đã kích hoạt lại tính năng hủy/sửa lệnh trên HoSE.
Thị trường hồi phục
Chính nhờ động thái trở lại cho phép hủy, sửa lệnh, cùng với việc bảng giá hiển thị bình thường trở lại, giao dịch của nhà đầu tư dễ dàng hơn. Các chỉ số đảo chiều tăng điểm mạnh, VN-Index có lúc tăng hơn 19 điểm, nhóm cổ phiếu giảm mạnh như ngân hàng, chứng khoán xuất hiện các mã tăng trần.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 13,02 điểm lên 1.332,9 điểm. Toàn sàn có 222 mã tăng, 170 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index tăng 10,48 điểm lên 316,87 điểm. Toàn sàn có 116 mã tăng, 77 mã giảm và 73 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,85 điểm lên 87,25 điểm.
Thanh khoản giảm so với phiên trước đó, tổng khối lượng giao dịch đạt 1,06 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 31.200 tỷ đồng, riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 29.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng 640 tỷ đồng trên HoSE. Dòng tiền tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VCB, VHM, CTG, VNM,…
Trong nhóm VN-30, SSI và NVL là những cổ phiếu dẫn đầu khi cùng tiến hơn 6%, STB, HDB, MBB và CTG cùng tăng hơn 3%, TCB, TPB và VCB vượt trên 2%. Trong khi đó, VJC, PLX và BVH là những mã giảm trên 1%.
Nhóm chứng khoán tăng trưởng ấn tương ngất trong phiên giao dịch hôm nay khi tăng hơn 5%. Sắc tím xuất hiện ở nhiều mã của ngành này như APS, WSS, BSI, HBS, VND, VIG. Đà tăng tích cực cũng hiện ở hầu hết các mã của ngành, riêng VIX đi ngược với sắc đỏ trên 1%.
Nhận định xu hướng thị trường, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đường trung bình 20 ngày (tức là quanh mức 1.300 điểm). Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho thấy dòng tiền có khả năng sẽ phân hóa ở những phiên giao dịch tới, nhưng rủi ro đã có dấu hiệu gia tăng cho nên thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi phục rất ngắn và nhanh chóng quay trở lại đà giảm ngắn hạn.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung đã bị hạ từ mức tăng xuống giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng và không nên mua vào giai đoạn hiện tại”, Yuanta Việt Nam khuyến nghị.
Đáng chú ý, HoSE hôm nay cũng đã phát đi thông báo kế hoạch thử nghiệm hệ thống KRX cho các CTCK thành viên. Trước đó hồi đầu năm 2021, HOSE cho biết sẽ triển khai kiểm tra, chạy thử với các công ty chứng khoán từ sau Tết Nguyên đán. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng bày tỏ tin tưởng, hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) sẽ hoàn thành cuối năm 2021. "Không thể chắc chắn việc test hệ thống có xảy ra lỗi hay không, nếu có thì mất bao nhiêu thời gian để khắc phục. Tuy nhiên, ước tính cuối năm nay của chúng tôi đã bao gồm cả dự phòng cho những rủi ro này" – Chủ tịch UBCKNN nói.
Sau khi hệ thống mới hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thể triển khai giao dịch trong ngày, T+0, đối tác thanh toán bù trừ (CCP- cơ sở để có thể triển khai nhà đầu tư chỉ cần có 20-30% tiền có thể mua chứng khoán thay vì phải có 100% tiền như hiện tại). Theo kịch bản và kế hoạch thử nghiệm trên, trong ngắn hạn, chưa thể chắc chắn rủi ro của hệ thống từ HoSE đến các CTCK có còn lặp lại hay không.
Có thể bạn quan tâm