Vướng mắc về định mức chi phí tái chế - Đâu là bản chất của vấn đề?

GIA NGUYỄN 26/08/2023 04:00

Xoay quanh vướng mắc về định mức chi phí tái chế, trước những phản hồi của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, đang có nhầm lẫn cả về kinh tế học và thực tiễn…

>> 14 Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị “gỡ vướng” về định mức chi phí tái chế

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngày 18/8 vừa qua,14 Hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam (gồm: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội sữa Việt Nam, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam,…) tiếp tục có kiến nghị gửi tới lãnh đạo nhiều bộ ngành và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất “gỡ vướng” về định mức chi phí tái chế (Fs).

Định mức chi phí tái chế được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Dự thảo định mức chi phí tái chế Fs).

Đại diện Bộ TN&MT cho rằng, kiến nghị của 14 Hiệp hội về định mức chi phí tái chế “ý kiến này không có cơ sở” và “rất khó để so sánh” - Ảnh minh họa: ITN

Đại diện Bộ TN&MT cho rằng, kiến nghị của 14 Hiệp hội về định mức chi phí tái chế “không có cơ sở” và “rất khó để so sánh” - Ảnh minh họa: ITN

Đại diện cơ quan soạn thảo... "lên tiếng"

Theo đó, sau những kiến nghị của các Hiệp hội, ngày 24/8, thông tin với báo chí, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Giám đốc Văn phòng EPR quốc gia cho biết, sẽ ghi nhận các kiến nghị của 14 Hiệp hội doanh nghiệp nhưng cho rằng một số “đang có nhầm lẫn”.

Ông Hùng cho rằng, “ý kiến này không có cơ sở” và “rất khó để so sánh”, bởi, mức phí tái chế ở các nước khác nhau là do khác biệt về cách tiếp cận, cơ cấu phí, công nghệ, giá, chi phí nhân công cũng như yêu cầu về tỷ lệ tái chế bắt buộc.

Ngay tại EU, mức phí tái chế cho bao bì giữa các nước thành viên cũng có thể chênh lệch rất nhiều lần, đồng thời lấy ví dụ với bao bì nhôm, phí tái chế ở Áo là 8.584 đồng một kg, ở Bỉ là 579 đồng, ở Thụy Điển lại lên tới 13.013 đồng.

Theo ông Hùng, Fs đang đề xuất sát và phù hợp với thực tế Việt Nam. Bộ TN&MT đã tổ chức nhóm tư vấn điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại 70 cơ sở lớn trên toàn quốc cùng với sự tham gia của Viện Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội trước khi đưa ra. Đơn vị soạn thảo cũng tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế tương tự Đài Loan, Singapore. Ngoài ra, mức phí cũng giảm còn 10-15% so với chi phí thực tế được khảo sát, bất chấp mức này có thể không thể hiện được chi phí tái chế thực tế.

“Bộ TN&MT cũng đang đề xuất áp dụng hệ số điều chỉnh để giảm định mức chi phí tái chế nhằm phản ánh khả năng thu gom và hiệu quả tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì và mức độ khuyến khích phát triển công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm.

Chính sách này một mặt khuyến khích sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế. Mặt khác, hệ số cao để khuyến khích việc đầu tư tái chế đối với các sản phẩm, bao bì đang chưa được tái chế chính thức hoặc ít được tái chế do chi phí tái chế cao, lợi nhuận thấp. Do đó, với các loại sản phẩm, bao bì dễ tái chế, mức phí có thể giảm tới 80% so với so với mức các cơ sở tái chế ở Việt Nam đang thực hiện”, ông Hùng chia sẻ.

>> Dự thảo về định mức chi phí tái chế: Nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2%

Theo Theo ông Hùng, Fs đang đề xuất sát và phù hợp với thực tế Việt Nam - Ảnh minh họa: ITN

Theo đại diện Bộ TN&MT, Fs đang đề xuất sát và phù hợp với thực tế Việt Nam - Ảnh minh họa: ITN

Về kiến nghị chính sách mới làm tăng giá hàng hóa, gây khó cho doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng cho hay, cần phân biệt rõ giữa chi phí tuân thủ quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) với Fs. Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có chi phí tuân thủ, theo quy định, họ có nhiều lựa chọn để thực hiện EPR, một trong số đó là đóng tiền trên cơ sở Fs. Có nghĩa là, Fs không bắt buộc, là một trong các lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện EPR…

14 Hiệp hội doanh nghiệp phản hồi

Trước những phản hồi của đại diện cơ quan soạn thảo, các Hiệp hội đã đưa ra những quan điểm phản biện.

Theo các Hiệp hội, nhận định “Về kiến nghị cho rằng, Fs của Việt Nam cao hơn Tây Âu: là ý kiến không có cơ sở; mức phí tái chế ở các nước khác nhau là do khác biệt về cách tiếp cận, cơ cấu phí, công nghệ, giá, chi phí nhân công và cách tính các chi phí liên quan cũng như yêu cầu về tỷ lệ tái chế bắt buộc nên rất khó và không phù hợp để so sánh”, đang có nhầm lẫn cả về kinh tế học và thực tiễn.

Cụ thể, về kinh tế học, tái chế là một loại sản xuất hàng hóa, chi phí tái chế cũng là một loại chi phí sản xuất, đã so sánh được chi phí sản xuất thì cũng so sánh được chi phí tái chế, nên việc Bộ cho rằng “rất khó và không phù hợp để so sánh” là thiếu cơ sở.

“Mặc dù chi phí sản xuất cùng 1 loại hàng hóa là khác nhau ở mỗi nước, thậm chí khác nhau ở mỗi nhà sản xuất, do đặc thù riêng của từng nước, từng nhà sản xuất, nhưng chi phí trung bình sản xuất hàng hóa thông thường ở Việt nam rẻ hơn chi phí trung bình sản xuất cùng hàng hóa đó ở các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật, Hàn, do chi phí nhân công ở Việt nam rẻ hơn, trong khi chi phí nguyên vật liệu và công nghệ hầu như không khác biệt nhiều do theo mặt bằng thị trường thế giới.

Các Hiệp hội không so sánh định mức chi phí tái chế với từng nước đơn lẻ, vì mỗi nước đều có những điều kiện đặc thù, mà các Hiệp hội so sánh chi phí này với mức trung bình của nhiều nước để có cái nhìn tổng quát và chính xác hơn, cụ thể là so với 14 nước Tây Âu và 10 nước Đông Âu. Ví dụ, một số định mức chi phí tái chế Fs của dự thảo cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ, như Fs dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần,… là rất bất hợp lý”, các Hiệp hội bày tỏ.

Tuy nhiên, theo các Hiệp hội doanh nghiệp, những phản hồi của đại diện cơ quan soạn thảo

Tuy nhiên, theo các Hiệp hội doanh nghiệp, những phản hồi của đại diện cơ quan soạn thảo đang có nhầm lẫn cả về kinh tế học và thực tiễn - Ảnh minh họa: ITN

Cũng theo các Hiệp hội, Bộ TN&MT lại chỉ so sánh mức phí của Việt nam với từng nước đơn lẻ. Việc so sánh đơn lẻ dễ dẫn đến cách nhìn phiến diện và sai lệch. Hơn nữa, các nước mà Bộ TN&MT đem so sánh với Việt nam đều là các nước phát triển (Áo, Bỉ, Thụy Điển, Đài Loan, Hàn quốc, Singapore, thu nhập bình quân của nước thấp nhất là Đài Loan cũng cao gấp 9 lần Việt nam), và đưa ra kết luận mức phí của Việt nam tương đương mức phí của các nước phát triển, mà không đưa ra so sánh với mức phí của các nước đang phát triển có cùng điều kiện kinh tế - xã hội như Việt nam. So sánh như thế là không chính xác.    

Về thực tiễn, các Hiệp hội cho rằng, các nước tiên tiến đã và đang đầu tư nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa ở Việt nam để xuất sang nước họ và các nước khác. Nếu chi phí sản xuất ở Việt nam mà cũng tương đương hoặc cao hơn ở nước họ thì họ đầu tư sang Việt nam làm gì? Việc áp mức phí tái chế cao bất hợp lý không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống, mà còn làm mất lợi thế cạnh tranh của Việt nam trong việc thu hút vốn FDI.

“Lương tối thiểu ở Pháp là 1539 EUR (khoảng 40 triệu đồng/tháng), cao gấp 10 lần lương tối thiểu ở Việt nam (khoảng 4 triệu/tháng), nghĩa là chi phí nhân công ở Pháp cao gấp 10 Việt Nam với lao động đơn giản.

Giả sử giá thành sản phẩm ở Việt Nam là 10 đ, với chi phí nhân công chiếm 20% là 2 đồng, chi phí vật tư, thiết bị 8 đồng. Cùng sản phẩm đó nếu sản xuất ở Pháp: chi phí nhân công sẽ là 20 đồng, chi phí vật tư, thiết bị vẫn là 8 đồng. Như vậy, giá thành sản phẩm ở Pháp là 28 đồng, tức cao hơn 2,8 lần so với sản xuất ở Việt nam. Chi phí nhân công trong hoạt động tái chế bao bì nhựa, giấy, kim loại trong thuyết trình Dự thảo Fs cũng nằm trong khoảng 20% tổng chi phí, vì vậy, định mức tái chế Fs của Việt nam = Fs của Tây Âu : 2,8 mới là hợp lý”, các Hiệp hội phân tích.

Cùng với các phản biện đã nêu, liên quan đến các phản hồi từ đại diện Bộ TN&MT, các Hiệp hội cũng đưa ra nhiều viện dẫn chứng minh và cho rằng, khảo sát của Bộ TN&MT có nhiều điểm thiếu tin cậy về khoa học và chưa sát thực tế.

Có thể bạn quan tâm

  • 14 Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị “gỡ vướng” về định mức chi phí tái chế

    14 Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị “gỡ vướng” về định mức chi phí tái chế

    03:58, 22/08/2023

  • Dự thảo về định mức chi phí tái chế: Nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2%

    Dự thảo về định mức chi phí tái chế: Nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2%

    04:00, 30/07/2023

  • Không có định mức chi phí tái chế phù hợp sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả

    Không có định mức chi phí tái chế phù hợp sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả

    18:45, 28/07/2023

  • Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế - Cần có lộ trình áp dụng phù hợp

    Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế - Cần có lộ trình áp dụng phù hợp

    03:30, 29/06/2023

  • Quan ngại về định mức chi phí tái chế, 14 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị

    Quan ngại về định mức chi phí tái chế, 14 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị

    04:00, 20/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vướng mắc về định mức chi phí tái chế - Đâu là bản chất của vấn đề?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO