Dự thảo về định mức chi phí tái chế: Nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2%

GIA NGUYỄN 30/07/2023 04:00

Xoay quanh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về định mức chi phí tái chế, trước hàng loạt bất cập, chuyên gia khuyến nghị, nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2% khỏi đề xuất…

>> Không có định mức chi phí tái chế phù hợp sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả

Theo đó, Luật Bảo vệ Môi trường quy định, bắt đầu từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR)... để hiện thực hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Dự thảo).

Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế (Fs) được cho còn nhiều tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ tăng gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế (Fs) được cho còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tăng gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, theo đề xuất tại Dự thảo, Fs = 1.02 * a * [Tp + Cv + Re] (đồng/kg), trong đó: Hệ số điều chỉnh a sẽ có các giá trị lần lượt là 0,2 - 0,4 - 0,6 - 0,8 - 1.0 tương ứng với các mức độ hiệu quả khác nhau của hoạt động tái chế hiện nay, cũng như xem xét tới các mục tiêu về môi trường… chi phí quản lý hành chính tái chế ở mức 2% chi phí thu gom, vận chuyển, tái chế (sau khi đã áp dụng hệ số điều chỉnh).

Theo cơ quan soạn thảo, đây là mức thấp hơn mức trung bình mà một số quỹ tương tự đang áp dụng ở Việt Nam và rất thấp so với thông lệ quốc tế (ví dụ ở Đài Loan là tới 30%, ở Singapore tới 25% tổng chi phí tái chế, hay ở Nam Phi lên tới 20% tổng chi phí tái chế).

Góp ý Dự thảo, mặc dù đồng tình với việc phải tái chế bao bì, sản phẩm để tận dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, thế nhưng, hầu hết các hiệp hội ngành hàng cho rằng, chi phí Fs đang bị tính quá cao, tạo gánh nặng về mặt chi phí…

>> Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế - Cần có lộ trình áp dụng phù hợp

Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị, nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2% khỏi đề xuất tại Dự thảo - Ảnh minh họa: ITN

Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị, nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2% khỏi đề xuất tại Dự thảo - Ảnh minh họa: ITN

Cho ý kiến về vấn đề này, ông James Ollen - Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam TP. Hồ Chí Minh (AmCham Việt Nam) cho rằng, Fs trong Dự thảo cao hơn nhiều mức trung bình Fs của 13 nước Tây Âu theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại hội thảo ngày 28/6/2023 vừa qua. Định mức chi phí tái chế cao sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn như hiện nay.

Theo ông James Ollen, Fs cao bất hợp lý nguyên nhân chính là do chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Trong Báo cáo Nghiên cứu Môi trường ngày 28/10/2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã nêu rõ “Cần thiết kế các chương trình điều chỉnh phí sao cho đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ chi phí hoạt động”, nhưng giá trị Fs trong Dự thảo lại chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

“Với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi được lớn hơn chi phí tái chế như bao bì nhôm, sắt, giấy carton, bao bì nhựa cứng… thực tiễn thu gom và tái chế ở Việt Nam hiện nay cho thấy các nhà tái chế chính thức đều đang có lãi. Các bao bì, sản phẩm này về cơ bản đã được thu hồi vì các nhà tái chế có động cơ cao trong việc thu gom và tái chế, nên chúng hầu như không có nguy cơ tới môi trường. Việc các doanh nghiệp và 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam, vốn đang rất khó khăn, phải đóng góp để hỗ trợ thêm cho nhà tái chế đang có lãi tăng thêm lợi nhuận, theo chúng tôi, là không hợp lý”, ông James Ollen bày tỏ.

Từ đó, ông James Ollen mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ ban hành mức Fs hợp lý cho Việt Nam, cụ thể: Với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi được lớn hơn chi phí tái chế, như bao bì nhôm, sắt, giấy carton, bao bì nhựa cứng, nhà tái chế đã có lãi thì nên để hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 theo khuyến nghị của OECD; Với các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì ni lon, bao bì giấy hỗn hợp, Fs nên điều chỉnh theo kết quả nghiên cứu của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam.

“Đặc biệt, Ban soạn thảo nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2% khỏi đề xuất Fs, vì 2% là số tiền rất lớn, lên tới nhiều trăm tỷ, khiến Fs cũng bị tăng theo. Tiền lãi ngân hàng từ số tiền doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đủ chi cho các hoạt động này”, ông James Ollen nhấn mạnh.

Đồng thời, để triển khai EPR được hiệu quả, vị chuyên gia của AmCham Việt Nam cũng khuyến nghị: Thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024 (tức là nộp vào tháng 4/2025), để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp; Cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế cho 1 loại bao bì/sản phẩm trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức vì Luật và các văn bản hướng dẫn không cấm; Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.

Bên cạnh ý kiến đã nêu, góp ý Dự thảo, trước đó, các Hiệp hội doanh nghiệp cũng đã đề xuất Ban Soạn thảo sẽ xem xét điều chỉnh Fs cho hợp lý, và hoàn thiện các quy định nhằm triển khai chính sách EPR hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Không có định mức chi phí tái chế phù hợp sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả

    Không có định mức chi phí tái chế phù hợp sẽ không thể triển khai EPR hiệu quả

    18:45, 28/07/2023

  • Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế - Cần có lộ trình áp dụng phù hợp

    Dự thảo Quyết định về định mức chi phí tái chế - Cần có lộ trình áp dụng phù hợp

    03:30, 29/06/2023

  • Quan ngại về định mức chi phí tái chế, 14 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị

    Quan ngại về định mức chi phí tái chế, 14 hiệp hội doanh nghiệp cùng kiến nghị

    04:00, 20/05/2023

  • Còn nhiều quan ngại xoay quanh các quy định về Văn phòng EPR

    Còn nhiều quan ngại xoay quanh các quy định về Văn phòng EPR

    04:00, 06/11/2022

  • Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Đề xuất bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR

    Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Đề xuất bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR

    06:00, 17/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo về định mức chi phí tái chế: Nên bỏ chi phí quản lý hành chính 2%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO