Còn nhiều quan ngại xoay quanh các quy định về Văn phòng EPR

Diendandoanhnghiep.vn Không chỉ mâu thuẫn với Luật, Nghị định, các quy định về Văn phòng EPR còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp chưa đảm bảo đúng mục đích…

>> Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: Đề xuất bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR

Phản ánh đến Diễn đàn Doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cho biết, “Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải” còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn, đặc biệt là các quy định về Văn phòng EPR còn mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành; ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khi việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp của các doanh nghiệp vào bảo vệ môi trường chưa thật sự đảm bảo đúng mục đích.

các quy định về Văn phòng EPR còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại - Ảnh minh họa: TNMT

Các quy định về Văn phòng EPR còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại - Ảnh minh họa: TNMT

Thực tế, trước đó, góp ý Dự thảo các Hiệp hội gồm: Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội sữa Việt Nam, Hiệp hội nhựa Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó, chỉ rõ những điểm mâu thuẫn và quan ngại.

Theo các Hiệp hội, các quy định về Văn phòng EPR có nhiều điểm mâu thuẫn với Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành; gây phát sinh thêm biên chế; các khoản tài chính đóng góp của các doanh nghiệp được sử dụng vào các mục đích không liên quan trực tiếp đến tái chế, xử lý chất thải.

Cụ thể, Điều 23 Dự thảo quy định Chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR Việt Nam bao gồm 11 loại chi phí, trong đó chỉ có 1 loại chi phí (tại khoản 1) là được dùng vào việc hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, còn lại 10 loại chi phí khác (từ khoản 2 đến khoản 11), như mua sắm tài sản, truyền thông, giao dịch, đối ngoại, hội thảo, hội nghị, chi hỗ trợ cho đảng bộ, đoàn thể…, đều sử dụng từ khoản đóng góp của doanh nghiệp cho tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải.

>> Quy định phí tái chế EPR vẫn thiếu… minh bạch

Các quy định tại Dự thảo Thông tư được cho còn bất hợp lý, mâu thuẫn với Luật và Nghị định - Ảnh minh họa: TNMT

Các quy định tại Dự thảo Thông tư được cho còn bất hợp lý, mâu thuẫn với Luật và Nghị định - Ảnh minh họa: TNMT

Trong khi, Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ rằng: “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì” (tại điểm b, khoản 4, Điều 54) và “việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định” (tại điểm c, khoản 4, Điều 54), điều này có nghĩa là khoản đóng góp tài chính này được Luật quy định chỉ sử dụng cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và không sử dụng vào các mục đích khác.

“Do đó, việc Dự thảo cho phép sử dụng các khoản đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì vào các mục đích khác như trên là hoàn toàn trái nguyên tắc, đi ngược lại và không thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường”, các Hiệp hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Điều 24 của Dự thảo cũng quy định, “Văn phòng EPR quốc gia” “là đơn vị sự nghiệp công, tự chủ về biên chế và tài chính”, lương thưởng như cán bộ trong biên chế.

Theo các Hiệp hội, quy định như vậy hoàn toàn đi ngược lại và không nhất quán với các quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Nghị định 204/2004/NĐ-CP, bởi theo khoản 2, Điều 88, Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì “văn phòng giúp việc cho Hội đồng EPR… làm việc theo chế độ kiêm nhiệm” và theo khoản 2, Điều 6, Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì mức phụ cấp kiêm nhiệm “bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có)”.

các quy định về Văn phòng EPR còn khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại

Các quy định về Văn phòng EPR trước đó cũng nhận được nhiều ý kiến từ cơ quan thẩm định, chuyên gia và doanh nghiệp - Ảnh minh họa: TNMT

Chưa kể, theo Dự thảo, quyền hạn Văn phòng EPR rất lớn và không phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nhưng chưa có quy định trách nhiệm, chưa có cơ cấu tổ chức rõ ràng.

Cụ thể, Điều 4,9, 12, 15, 17, 18, 21, 27 quy định Văn phòng EPR có rất nhiều quyền hạn như: quyết định về phương án tiền gửi, ký kết hợp đồng, quyết định việc giải ngân, ban hành quy trình nghiệp vụ và các biểu mẫu,… trong khi đó, chưa có quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức, nhưng lại nêu tên rất nhiều vị trí: Giám đốc, bộ máy kế toán, kiểm soát viên… không có quy định trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ vẫn được thưởng “tối đa 2 tháng lương”: Điểm 1b Điều 26 “Trích quỹ khen thưởng… Trường hợp không hoàn thành kế hoạch hoạt động năm… được trích tối đa… 02 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập khác bình quân”.

Theo các Hiệp hội, quy định như vậy, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của 1 “Văn phòng giúp việc”, vì vậy, cần sửa lại Dự thảo cho đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất và không phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích. Cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR.

Ngoài những nội dung đã nêu, thì Dự thảo cũng còn để lại nhiều quan ngại như: Chưa có quy định về Hội đồng EPR sẽ dẫn đến khó thực hiện việc giám sát sử dụng khoản đóng góp được minh bạch, đúng mục đích; Quản lý và sử dụng khoản đóng góp của doanh nghiệp theo cơ chế xin - cho với nhiều bất cập, nguồn kinh phí quản lý hành chính trái với Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Các Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cân nhắc, xem xét các góp ý đã nêu để hoàn thiện Dự thảo, giúp quản lý và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả khoản đóng góp của các doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Được biết, những bất cập, quan ngại xoay quanh các quy định về Văn phòng EPR không phải mới được đề cập mà trước đó, ngay trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và cơ quan thẩm định.

Tại Báo cáo thẩm định Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường số 154/BCTĐ-BTP, Bộ Tư pháp cũng từng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của quy định thành lập Văn phòng EPR… bởi quy định này làm tăng thêm tổ chức và biên chế, không đúng với chủ trương sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan Nhà nước… Kinh phí hoạt động của văn phòng EPR Việt Nam từ số tiền do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp… quy định này chưa hoàn toàn phù hợp với mục đích của số tiền đóng góp, nộp vào quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Nguyên nhân vì đâu các quy định về Văn phòng EPR vẫn luôn là nỗi “ám ảnh” mỗi khi đưa vào các chính sách, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có một câu trả lời thỏa đáng và cân nhắc, xem xét sửa đổi, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Còn nhiều quan ngại xoay quanh các quy định về Văn phòng EPR tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711614279 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711614279 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10