Liên minh châu Âu (EU) đang siết chặt quy định về an toàn thực phẩm nhập khẩu, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này gặp khó khăn hơn.
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ không còn nhiều thời gian để chuẩn bị đáp ứng quy định nói trên.
Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020 đến nay, Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường này đạt 200 tỷ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng từ 12-15% và luôn đạt được thặng dư thương mại. Vì vậy, EU là thị trường có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam.
EU là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Năm 2024, dự báo kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của khối này khoảng 323,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,44%. EU cũng là 1 trong 4 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
“Hàng rào kỹ thuật” đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU vốn đã khắt khe, từ tháng 2/2025 sẽ còn được nâng cấp, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất được phép tồn dư trong rau củ quả, động vật,…
Đầu tiên, EU nâng cấp Luật Bảo vệ thực vật và Kiểm dịch thực vật, chủ động hơn trong việc ngăn chặn sự xâm nhập hoặc lây lan của dịch bệnh và sinh vật gây hại cho cây trồng. Do vậy, việc xuất khẩu tất cả động thực vật sống vào EU phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phù hợp với quy định của khối này.
EU sẽ tăng cường tần suất kiểm tra dày đặc hơn so với trước đây. Đối với hóa chất bảo vệ thực vật, mức dư lượng tối đa 0,01 mg/kg đối với các chất trong danh mục được phép sử dụng. Đối với một số hóa chất còn được định lượng cụ thể, sẽ theo hướng cắt giảm.
Đơn cử, Zoxamide trong rau diếp, xà lách, cải bó xôi được đề xuất giảm từ 30ppm xuống còn 0,01ppm; các hoạt chất Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid có trong gạo, hạt tiêu, cà phê, mật ong sẽ điều chỉnh giảm. Cụ thể, theo Văn phòng SPS Việt Nam, với hoạt chất Fenbuconazole và Penconazole, nhóm quả có múi và nhóm hạt như hạt điều, hạt mắc ca, gạo, đậu bắp... sẽ bị áp dụng nồng độ ở mức rất thấp, chỉ 0,01 ppm. Còn cà phê, hạt tiêu và mật ong cùng mức 0,05 ppm.
Với hoạt chấ́t Acetamiprid, sản phẩm chuối theo quy định cũ nồng độ 0,4ppm thì quy định mới là 0,01ppm; sản phẩm ớt chuông, ớt ngọt từ 0,3 ppm giảm xuống còn 0,09 ppm; cà chua từ 0,5 ppm còn 0,06 ppm...
Để trụ vững tại thị trường nông sản tiềm năng EU, các nhà sản xuất, chế biến tại Việt Nam không còn cách nào khác phải thay đổi để thích ứng. Đối với một số phân khúc mặt hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải thay toàn bộ chuỗi cung ứng; quy trình trồng trọt, thu hoạch, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Đồng thời, cần những giải pháp đồng bộ, triệt để thay đổi ý thức và trách nhiệm.
Thứ nhất, hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam có hơn 4.300 tên thương phẩm, trong đó thuốc hóa học có khoảng 3.500, thuốc sinh học có hơn 800 tên thương phẩm.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nền nông nghiệp Việt Nam là vấn đề rất nhức nhối. Quản lý nguồn lỏng lẻo, nhiều người lạm dụng, sai kỹ thuật,… gây ô nhiễm đất, nguồn nước. Vì vậy, cần thay đổi tư duy tùy tiện với hóa chất bảo vệ thực vật.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khuyến nghị: “Tình trạng vi phạm quy định là vấn đề đáng báo động của nông sản xuất khẩu, đòi hỏi cần có những giải pháp hiệu quả từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và nhà sản xuất”.
Thứ hai, để nông sản đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào EU, các doanh nghiệp nên xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, bắt đầu từ vùng trồng nguyên liệu tập trung. Bởi vì, khi sản xuất tập trung, các doanh nghiệp mới có thể áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật, kiểm soát quá trình sinh trưởng phát triển của vật nuôi cây trồng. Với tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ này không quá sức.
Thứ ba, đối với những vùng trồng cung cấp nguyên liệu chế biến hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến hơn và nguồn nhân lực chất lượng hơn để kiểm soát liều lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Tại các nông trại hiện đại trên thế giới, liều lượng hóa chất được sử dụng, hoặc thức ăn cho gia súc, gia cầm được tính toán bằng phần mềm máy tính. Chẳng hạn như ở Mỹ, ứng dụng công nghệ diệt cỏ bằng tia laser…