Theo chuyên gia, thị trường TPDN nên được tiếp tục hoàn thiện khung chính sách với những điều kiện phù hợp. Đặc biệt là đặt ra các yêu cầu công khai, minh bạch, chính xác và được giám sát chặt chẽ.
>>Hệ quả từ việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp "sân sau"
Theo báo cáo vừa phát hành của CTCK VNDIRECT trong tháng 9/2023, hoạt động phát hành và hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trước hạn có sự chững lại.
Cụ thể, số liệu được công bố đến ngày 26/9, trong tháng 9/2023 có 8 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 9.465 tỷ đồng, giảm 68,9% so với tháng trước.
Theo các chuyên gia, thị trường TPDN Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, ít nhất trong ngắn hạn nhờ những động thái từ Chính phủ. Nhưng các giải pháp hiện chỉ mang tính ngắn hạn, chưa thể lập tức hỗ trợ thị trường khôi phục. Vì vậy, thị trường TPDN nên được tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, với các điều kiện được thiết kế phù hợp.
LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI cho rằng, chúng ta thiết kế những điều trong Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp về việc phát hành trái phiếu nói chung và trái phiếu riêng lẻ nói riêng là quá chặt, không phù hợp với thực tế. Trên lý thuyết, yêu cầu phải đảm bảo tất cả các tiêu chí phải rất an toàn thì mới được phát hành. Tuy nhiên đối với trái phiếu là phải chấp nhận lãi suất cao thì an toàn thấp và ngược lại.
“Một số người đề nghị phát hành TPDN tuyệt đối an toàn thì đó không còn là trái phiếu. Chúng ta cần xác định lại mục tiêu bắt buộc phải phát hành TPDN, đó là kênh vô cùng thiết yếu và quan trọng cho doanh nghiệp. Vì vậy cần sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, các Nghị định liên quan để phù hợp và thị trường chấp nhận nhiều trạng thái khác nhau, độ rủi ro khác nhau, đặc biệt là đặt ra các yêu cầu công khai, minh bạch, chính xác và giám sát chặt chẽ. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm để đạt tới mục tiêu quan trọng nhất là mọi thứ đều thật, khi thật rồi thì rủi ro bao nhiêu cũng chấp nhận”, LS. Trương Thanh Đức nói.
>>Mừng - lo trái phiếu doanh nghiệp
Xét trên kinh nghiệm quốc tế, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, khi nghiên cứu về thị trường trái phiếu của các quốc gia trên thế giới, có hai bộ phận: Một là thị trường trái phiếu của những doanh nghiệp niêm yết và họ phải đăng ký phát hành, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường, khi đó cơ quan quản lý sẽ quy định các tiêu chuẩn giống như thị trường niêm yết của chúng ta hiện nay. Thị trường đó tương đối an toàn nhưng lãi suất thấp.
Hai là thị trường trái phiếu OTC, thị trường này rất khác nhau ở các quốc gia. Ví dụ tại Nhật Bản, doanh nghiệp nào muốn phát hành TPDN đều có thể tiến hành mà không cần chứng minh báo cáo tài chính, cũng như bất kỳ điều kiện nào; lãi suất sẽ quyết định rủi ro có tương xứng không và lượng người mua sẽ quyết định đợt phát hành đó thành công hay không. Ở đây trái phiếu hoàn toàn là sự đánh đổi giữa rủi ro và lãi suất mà tự nhà đầu tư phải là người xem xét, thậm chí họ không quy định người mua phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Hay tại Singapore, việc phát hành trái phiếu OTC cũng không đòi hỏi phải có xếp hạng tín nhiệm, mà chỉ khuyến khích và nếu doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm thì lập tức được Chính phủ hỗ trợ một số chi phí.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để hoàn thiện chính sách đối với thị trường TPDN, chúng ta cần quy định những điều kiện cụ thể để doanh nghiệp có thể phát hành và không nên chặt chẽ như Nghị định 65/2022 vừa qua, hay Nghị định 08/2023 cũng chỉ sửa đổi mang tính chất tạm thời và vẫn dựa trên tiêu chuẩn của Nghị định 65 là chính. Đây là điều cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành.
Trong đó, Nghị định 08 cho phép từ nay đến hết 31/12/2023 thì doanh nghiệp không phải xếp hạng tín nhiệm. Nhưng với số lượng doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam hiện nay và các doanh nghiệp trên thị trường, thì đến bao giờ các doanh nghiệp mới có thể phát hành? Vì thế không chỉ hết năm 2023, thậm chí đến hết năm 2025 cũng rất ít doanh nghiệp có được xếp hạng tín nhiệm để phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, chúng ta đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo, thực tế như vậy là đang co hẹp quyền doanh nghiệp đi vay và lòng tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Đặc biệt là quy định về mua bán đối với trái phiếu hiện nay phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có vốn đầu tư thường xuyên 2 tỷ đồng và phải giữ trong vòng 6 tháng liên tục, đây là một tiêu chuẩn rất khó khăn.
Một điểm nữa đó là cần quy định cụ thể mức độ phát hành TPDN chỉ được chiếm tỷ trọng bao nhiêu trên vốn chủ sở hữu, thì khi đó hiệu quả sử dụng vốn phát hành sẽ đảm bảo an toàn hơn. Các chính sách đưa ra làm sao để người mua - người bán có thể dễ dàng chấp nhận nhau và gặp được nhau để trao quyền sử dụng vốn”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) cho rằng, để có kiến thức đánh giá một trái phiếu có an toàn hay không thực sự khó với các nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy sẽ có hai vấn đề: Thứ nhất, nếu chúng ta không có đủ kiến thức thì có thể ủy thác thông qua các cố vấn tài chính chuyên nghiệp, hoặc các quỹ đầu tư chuyên nghiệp.
Thứ hai, nếu đã có một lượng kiến thức nhất định thì cần tìm hiểu thông tin đầy đủ, tham khảo các giai đoạn đánh giá tín nhiệm trên thị trường để đưa ra quyết định đầu tư. Không chỉ trong quyết định đầu tư ban đầu, mà phải quản lý xuyên suốt khoản đầu tư và xem các định mức tín nhiệm có thay đổi hay không, từ đó đưa ra hành xử trong danh mục đầu tư của mình.
Có thể bạn quan tâm
16:00, 14/09/2023
05:30, 08/09/2023
05:30, 02/09/2023
04:00, 25/08/2023