Góp ý Hồ sơ Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, VCCI cho rằng, Dự thảo cần đáp ứng nhiều mục tiêu…
>> Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt và thách thức điều chỉnh tiêu chuẩn của EU
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Hồ sơ Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Dự thảo).
Cụ thể, tại văn bản góp ý, về bảo đảm mức độ tin cậy của dịch vụ đánh giá sự phù hợp, VCCI cho rằng, các dịch vụ đánh giá sự phù hợp (như giám định, chứng nhận…) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Về lý thuyết, dịch vụ này giúp khắc phục một trong những khuyết tật của thị trường là chênh lệch thông tin giữa người mua và người bán, từ đó giúp cho các giao dịch trong nền kinh tế diễn ra thuận lợi hơn.
Chủ trương xã hội hoá, tăng tính cạnh tranh trên thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp trong thời gian qua đã mang lại nhiều tác động tích cực như thời gian phục vụ được rút ngắn, chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng tăng, chi phí giảm… Tuy nhiên, do nhu cầu cạnh tranh để thu hút khách hàng, không ít trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ đã đáp ứng cả nhu cầu của khách hàng về việc có kết quả đánh giá không trung thực.
“Trong thời gian qua, theo phản ánh của một số doanh nghiệp với VCCI thì mức độ tin cậy của một số đơn vị đánh giá sự phù hợp của Việt Nam chưa cao. Tình trạng cố tình “du di” để có kết quả đánh giá tốt hơn theo yêu cầu của khách hàng vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Điều này khiến cho các kết quả giám định, chứng nhận này bị người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nghi ngờ, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như hàng hoá của Việt Nam khó xuất khẩu hơn, các doanh nghiệp trung thực không thể cạnh tranh được với các đối thủ gian dối”, VCCI chia sẻ.
>> Làm sao để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ mà không thao túng tiền tệ?
Do đó, VCCI đề nghị chính sách của Nhà nước đối với dịch vụ này cần đáp ứng hai mục tiêu. Một mặt, Nhà nước nên tiếp tục mở rộng xã hội hoá, tăng cường cạnh tranh trên thị trường bằng cách loại bỏ hoặc hạ thấp các điều kiện gia nhập thị trường, chỉ định nhiều hơn các đơn vị có đủ năng lực cung cấp dịch vụ, không can thiệp vào giá dịch vụ. Mặt khác, Nhà nước cũng cần kiểm soát kỹ tính trung thực, khách quan của các kết quả đánh giá để các kết quả này được xã hội tin tưởng.
“Nói cách khác, cần làm sao để các tổ chức đánh giá sự phù hợp tăng cường cạnh tranh với nhau về giá cả, chất lượng dịch vụ nhưng không được cạnh tranh bằng cách “du di” kết quả đánh giá theo nhu cầu của khách hàng”, VCCI góp ý.
Đồng thời đề nghị, về quản lý dịch vụ này, các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nên được sửa đổi theo hướng: Tiếp tục giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dịch vụ này, như các yêu cầu về máy móc, thiết bị, số lượng, kinh nghiệm của nhân sự; Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ theo hướng doanh nghiệp tự khai báo, tự chịu trách nhiệm khi cung cấp dịch vụ mới, tương tự như đã quy định trong lĩnh vực đo lường;
Bổ sung thêm quy định cấm các cơ quan nhà nước từ chối chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp đủ năng lực; Bổ sung thêm quy định cấm về việc cố tình làm sai lệch kết quả đánh giá sự phù hợp; Bổ sung thêm quy định về hậu kiểm các kết quả đánh giá sự phù hợp. Ví dụ, cơ quan nhà nước sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một số kết quả đánh giá sự phù hợp của các đơn vị cung cấp dịch vụ (có thể áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để xác định tần suất) và tiến hành kiểm tra lại. Nếu kết quả cho thấy có sai sót quá mức cho phép thì tuỳ mức độ có chế tài phù hợp đối với đơn vị đó.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, về chồng chéo giữa dịch vụ đánh giá sự phù hợp và dịch vụ giám định thương mại, VCCI cho biết, hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định, giám định hàng hoá (đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu), họ đang phải cùng lúc xin hai giấy phép cho hoạt động này, một là giấy phép để cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, và hai là giấy phép cung cấp dịch vụ giám định thương mại do Bộ Công Thương quản lý theo Luật Thương mại.
Về lý thuyết, hai thuật ngữ dịch vụ giám định thương mại và dịch vụ đánh giá sự phù hợp có nội hàm khác nhau, nhưng phạm vi trùng lặp rất lớn. Trên thực tế thị trường, hầu như không có trường hợp nào khách hàng đi thuê hai đơn vị khác nhau để thực hiện các công việc này.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Công Thương để thống nhất quản lý nội dung này nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết có thể sửa đổi Luật Thương mại để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
Cùng với những nội dung nêu trên, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số nội dung, vấn đề liên quan đến tính tự nguyện của tiêu chuẩn kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về các chất được kiểm soát
03:20, 01/04/2023
Chuẩn hóa quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
19:20, 12/12/2022
Cân nhắc lại sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cho bến xe hàng
03:30, 09/12/2022
Khắc phục tình trạng hàng hoá thuộc diện kiểm tra nhưng lại chưa có quy chuẩn kỹ thuật
03:40, 04/12/2022
Tinh gọn hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng
18:01, 22/12/2020