Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Cốt lõi vẫn là chất lượng

NGỌC THÁI 19/08/2021 11:04

Gạo “Made in Viet Nam” đang ngày càng tạo chỗ đứng trên thị trường quốc tế không chỉ bởi số lượng mà chất lượng cũng đang được người tiêu dùng thế giới chú ý.

fd

Ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì câu chuyện xây dựng, giữ thương hiệu gạo Việt với đối tác quốc tế rất quan trọng.

Vậy nhưng, để tạo thương hiệu cho gạo Việt thì câu chuyện về chất lượng cũng như xây dựng chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm theo một quy trình “từ gốc tới ngọn” đang diễn ra rời rạc, rất dễ bị nhầm lẫn với chủng loại của các nước khác.

Báo động từ thương vụ gạo giá rẻ Ấn Độ ồ ạt nhập về

Những tháng đầu năm 2021, khi lượng gạo Ấn Độ giá rẻ hơn gạo trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã đua nhau nhập khẩu vào khiến thị trường loại mặt hàng này nhiều phen đảo chiều. Nông dân lo lắng trước thảm cảnh thua lỗ, doanh nghiệp sản xuất chế biến trong nước như “ngồi trên đống lửa” vì những biến động hiếm gặp từ động thái nói trên.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD. Con số này tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với 76 tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Động thái Việt Nam nhập khẩu số lượng gạo Ấn Độ về tăng đột biến so với các năm trước một phần hưởng lợi từ chính sách Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Thông qua AIFTA, Việt Nam cũng cam kết xoá bỏ 80% số dòng thuế vào năm cuối lộ trình là năm 2021, đặc biệt các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%.

Thực trạng các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt gạo giá rẻ từ Ấn Độ về đã từng bị Bộ Công thương

Thực trạng các doanh nghiệp nhập khẩu ồ ạt gạo giá rẻ từ Ấn Độ về đã từng bị Bộ Công thương "tuýt còi" để kiểm tra.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ cơ chế AIFTA đối với gạo khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Cơ chế “win-win” được thể hiện rất rõ trong quá trình giao thương, trao đổi hàng hoá qua lại với nhau khi Việt Nam chính thức là thành viên của AIFTA.

Đáng quan tâm là trong khi nguồn cung của gạo Việt Nam ra thị trường đang dư thừa nên việc ồ ạt nhập khẩu gạo Ấn Độ về khiến nhiều doanh nghiệp nghi vấn đặt câu hỏi: Có hay không việc tạm nhập, tái xuất để gắn mác “Made in Viet Nam” trên bao bì sản phẩm?

Trước động thái vì sao gạo Ấn Độ giá rẻ lại được nhập ồ ạt vào Việt Nam, cuối tháng 6/2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với một số doanh nghiệp gạo như: Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Long; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến...

Cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc là trước đó, hải quan Việt Nam đã phát hiện tình trạng một số lô gạo từ Ấn Độ nhập về khai báo một đường, bao bì một nẻo…theo kiểu “râu ông này, cắm cằm bà kia”. Tình trạng này cũng khiến không ít doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường các nước nằm trong khối AIFTA “nóng mặt” vì chẳng hiểu nổi, gạo Việt đang đủ nguồn cung về số lượng lẫn chất lượng đảm bảo?

Không chỉ vậy, nếu vụ việc này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ thương hiệu gạo Việt Nam sẽ dần “vắng bóng” trên thị trường các nước và chẳng bao lâu xa sẽ bị đối tác từ chối vì cách làm “ăn xổi”, gian lận trong thương mại…

Làm sao để giữ thương hiệu gạo Việt?

Việt Nam vốn dĩ từ mấy chục năm nay được xem là “vựa gạo” của cả thế giới khi có mặt ở 150 quốc gia và vùng lĩnh thổ kể từ năm 1989 đến nay. Sản lượng xuất khẩu liên tục tăng, chất lượng cạnh tranh không thua kém gì các nước có chung nền văn minh lúa nước.

Gần đây, đỉnh cao là gạo ST25 của Anh hùng lao động – kỹ sư Hồ Quang Cua đã khẳng định được vị thế gắn liền với thương hiệu “Made in Viet Nam” khi được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019 được tổ chức tại Philippines. Đây là sự kiện đánh dấu cho thành tựu nghiên cứu, thử nghiệm hàng chục năm của kỹ sư Hồ Quang Cua tại những cánh đồng ở tỉnh Sóc Trăng trước khi đưa ra thị trường. Và, thành công ngoài mong đợi khi gạo ST25 xuất sắc vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức.

Thương hiệu gạo ST25 “Made in Viet Nam” được thị trường thế giới đón nhận và cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đàm phán, bắt tay hợp tác xuất khẩu với bạn hàng nước ngoài. Giá trị gạo ST25 với quy trình trồng trọt, chăm sóc đảm bảo đầy đủ các tiêu chí dinh dưỡng, chất lượng là yếu tố cần để Việt Nam xây dựng thượng hiệu gạo của mình đối với thị trường thế giới.

Gạo ST25, Jasmine VILACONIC đang được phát cho người tiêu dùng Autralia ăn thử trong suốt thời gian qua để tạo dựng thương hiệu gạo Việt tại thị trường này

Gạo ST25, Jasmine VILACONIC đang được phát cho người tiêu dùng Australia ăn thử trong suốt thời gian qua để tạo dựng thương hiệu gạo Việt tại thị trường này

Còn trước thông tin về việc gạo ST25 bị xếp về nhì ở cuộc thi World's Best Rice tại Mỹ năm 2020, gạo Hom Mali của Thái Lan đạt giải nhất, kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của loại gạo này cho rằng, chuyện đó không quan trọng bằng việc không ngừng củng cố chất lượng giống, với mong muốn nâng tầm thương hiệu gạo Việt Nam trên bảng phong thần gạo thế giới.

Bởi để xây dựng và tạo chỗ đứng trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã phải dày công “tích tụ” hàng chục năm, thậm chí là suốt cả cuộc đời lăn lộn trên thương trường cũng chỉ nhận về mình một chút thương hiệu, vị thế đối với khách hàng, đối tác.

Và, chỉ có những người nói thật, làm thật, sáng tạo thật thì tầm thương hiệu của mình mới được nâng niu, gìn giữ mà không có giá nào có thể đánh đổi, mua-bán được.

Từ ngày 18/8 đến 27/9, Bộ Công thương tổ chức chương trình “Xúc tiến thương hiệu gạo Việt Nam” do Thương vụ Việt Nam tại Australia phối hợp với công ty M-Import, hệ thống siêu thị MCQ và công ty AusViet.

Đáng quan tâm là với hoạt động mời hơn 10.000 người tiêu dùng Australia dùng thử gạo Việt Nam của Ban Mai Cung Đình và ST25, Jasmile VINACONIC đã đánh dấu cho thương hiệu gạo “Made in Viet Nam” tại quốc gia Châu Đại Dương này gắn với sự kiện “Viet Nam, Land of World’s Best Rice” (Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới).

Tuy nhiên, không hẳn vì thế mà chúng ta được phép “ngủ quên trong chiến thắng” bởi xây dựng được thương hiệu là cả một quá trình phải chấp nhận đánh đổi nhiều công sức. Và, để giữ được thương hiệu lại càng phải luôn trau chuốt, không thể lãng quên để công sức bao nhiêu năm “đổ sông, đổ biển” được.

Nói như vậy là vì ngoài công sức của các kỹ sư, nhà khoa học ngày đêm mày mò, sáng tạo để xây dựng nên một thương hiệu gạo “Made in Viet Nam” thì đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để gìn giữ, nâng tầm hạt gạo Việt lên vị thế mới.

Ông Hoàng Văn Ngoạn – Tổng giám đốc Công ty CP VILACONIC là đơn vị đưa gạo ST25 và gạo thơm Jasmile tham dự sự kiện “Viet Nam, Land of World’s Best Rice” cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì câu chuyện xây dựng, giữ thương hiệu gạo Việt với đối tác quốc tế rất quan trọng.

Mặt khác, để tránh tình trạng “râu ông này, cắm cằm bà kia” như dấu hiệu tình trạng gạo Ấn Độ ồ ạt nhập vào Việt Nam với giá rẻ từ hồi tháng 6 vừa qua thì khâu sản xuất, cung ứng sản phẩm cũng cần được duy trì, tránh tình trạng đội lốt thương hiệu, gây “nhiễu” chất lượng gạo Việt ở thị trường các nước.

“Nếu chúng ta chỉ chăm chú vào thương hiệu mà không chú trọng uy tín chất lượng gạo khi mang đi xuất khẩu thì đơn hàng bền vững sẽ không có chỗ đứng. Ở góc độ này, không chỉ là câu chuyện “mua danh 3 vạn” về danh hiệu, uy tín nữa mà còn phải đi đôi với chất lượng sản phẩm gạo, nông sản Việt Nam với người tiêu dùng thế giới. Trước đó, chúng tôi cũng đã triển khai phát gạo ST25 do đơn vị phân phối cho người dân Australia ăn thử và duy trì cách làm này để người tiêu dùng thực sự tin, cảm nhận chất lượng gạo ngon của Việt Nam” – ông Hoàng Văn Ngoạn cho biết.

Còn theo các chuyên gia thương mại thì ngoài vấn đề xúc tiến thương mại thì vấn đề làm sao để doanh nghiệp Việt khẳng định được vị thế của mình bằng cách trực tiếp bao tiêu cho đến phân phối chính thức tại các nước cũng cần có động thái triển khai thực hiện.

Nghĩa là, chúng ta đưa gạo Việt đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cùng trực tiếp bán buôn, cạnh tranh với các đơn vị nhập khẩu mặt hàng này tại nước sở tại. Có như vậy thì việc giữ gìn thương hiệu gạo Việt.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chờ “luồng xanh”

    Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chờ “luồng xanh”

    11:35, 14/08/2021

  • Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2021 sụt giảm

    Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2021 sụt giảm

    09:30, 14/07/2021

  • Cẩn trọng vấn đề suy giảm xuất khẩu gạo Việt Nam

    Cẩn trọng vấn đề suy giảm xuất khẩu gạo Việt Nam

    04:00, 17/06/2021

  • Hai vấn đề pháp lý “vụ gạo ST25”

    Hai vấn đề pháp lý “vụ gạo ST25”

    04:30, 06/06/2021

  • Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 và bài học cho các Start-up Việt Nam

    Câu chuyện thương hiệu gạo ST25 và bài học cho các Start-up Việt Nam

    05:12, 20/05/2021

  • Từ vụ gạo ST25, những thương hiệu Việt nào từng dính đến tranh chấp sở hữu?

    Từ vụ gạo ST25, những thương hiệu Việt nào từng dính đến tranh chấp sở hữu?

    15:09, 03/05/2021

  • 18/8-27/9: Xúc tiến thương mại thương hiệu gạo Việt Nam

    18/8-27/9: Xúc tiến thương mại thương hiệu gạo Việt Nam

    18:07, 17/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Cốt lõi vẫn là chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO