Theo thông lệ quốc tế, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cần phải được thực hiện xếp hạng tín nhiệm (XHTN) nhằm góp phần cải thiện minh bạch thông tin.
Đây cũng là làm cơ sở cho thị trường thứ cấp phát triển.
Đó là chia sẻ của ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Saigon Ratings, một trong 4 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép trên thị trường, với DĐDN.
- Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Ông đánh giá như thế nào về dự thảo này?
XHTN là hoạt động đã có sự phát triển sau khi Nghị định 65/2022 được ban hành. Số lượng các tổ chức phát hành XHTN trong 10 tháng đầu năm 2024 đã có sự gia tăng đáng kể, so với số lượng tương ứng năm 2023. Tuy nhiên, số lượng các tổ chức phát hành đã XHTN vẫn còn nhỏ so với số lượng các tổ chức phát hành có trái phiếu lưu hành trên thị trường, chỉ 37 tổ chức, tương đương với 44% số lượng tổ chức phát hành TPDN trong cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, chúng tôi dự báo chỉ có dưới 50 doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện đánh giá XHTN.
Do quy định pháp luật, hoạt động XHTN chỉ diễn ra đối với tổ chức phát hành TPDN và chưa xuất hiện việc XHTN cho trái phiếu. Xuất phát từ quy định của pháp luật cho phép lựa chọn giữa việc xếp hạng tổ chức phát hành, hoặc trái phiếu dẫn đến việc các tổ chức phát hành chỉ thực hiện XHTN cho tổ chức phát hành mà bỏ qua XHTN cho trái phiếu để tiết kiệm chi phí.
- Vậy thông lệ quốc tế đối với XHTN cho trái phiếu là như thế nào, ông có thể cho biết rõ hơn?
Thực tế cho thấy, kết quả XHTN của trái phiếu có thể hoàn toàn khác biệt đối với kết quả xếp hạng của tổ chức phát hành do mức độ rủi ro của trái phiếu có sự khác biệt với rủi ro của tổ chức phát hành trái phiếu. Khi thực hiện đầu tư, XHTN trái phiếu là cơ sở cho các giao dịch đối với trái phiếu. Tính đến thời điểm cuối tháng 10/2024, trên thị trường trái phiếu Việt Nam hoàn toàn chưa xuất hiện kết quả XHTN cho trái phiếu được công bố. Việc này dẫn tới việc chưa hình thành được tập quán XHTN trái phiếu trên thị trường.
Điều nói trên đang đi ngược lại xu hướng phát triển đã được quan sát trên các thị trường khu vực châu Á và các thị trường phát triển trên thế giới, khi XHTN trái phiếu là hoạt động chính thức thúc đẩy giao dịch trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Chúng tôi thống kê số liệu cho thấy, trong khu vực các nước ASEAN, tỷ lệ trái phiếu được XHTN đạt 51% vào cuối năm 2021. Theo thông lệ quốc tế, các sản phẩm TPDN cần phải được thực hiện XHTN nhằm góp phần cải thiện minh bạch thông tin và làm cơ sở cho thị trường thứ cấp phát triển.
- Việc XHTN trái phiếu lại làm tăng chi phí cho doanh nghiệp như ông đề cập, liệu có “lợi bất cập hại”?
Chúng tôi nhận thấy, hoạt động XHTN hiện nay phần lớn mang tính tuân thủ quy định pháp luật để đáp ứng đủ các điều kiện nhằm phát hành trái phiếu ra thị trường hơn là hoạt động dựa trên tập quán thị trường. Các giao dịch trên thị trường TPDN hiện tại chưa sử dụng kết quả XHTN như một cơ sở cho việc đánh giá rủi ro của tổ chức phát hành và công cụ nợ. Điều này dẫn tới thực tế là phương thức quản lý đầu tư theo quy định pháp luật của nhiều nhóm nhà đầu tư tổ chức chưa được thiết kế dựa trên cơ sở quản trị rủi ro của tài sản đầu tư (trong trường hợp này là TPDN).
Mặt khác, việc thị trường trái phiếu Việt Nam trong thời gian qua, chưa hình thành văn hóa xếp hạng trái phiếu, từ đó đã dẫn đến việc chúng ta chưa thể xây dựng được đường cong lãi suất áp dụng cho việc phát hành sơ cấp và giao dịch thứ cấp TPDN. Điều này dẫn tới việc định giá trái phiếu đang gặp nhiều khó khăn, cho các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân trên thị trường. Điều này bất lợi hơn nhiều so với chi phí XHTN.
- Vậy ông góp ý gì về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP?
Để xây dựng văn hóa XHTN theo thông lệ quốc tế cho thị trường và có nền móng tốt cho giai đoạn phát triển mới của thị trường TPDN, cần có các sửa đổi dưới đây ở cấp độ luật và văn bản hướng dẫn luật:
Thứ nhất, quy định XHTN bắt buộc đối với tất cả các tổ chức phát hành trái phiếu ra thị trường.
Thứ hai, quy định XHTN bắt buộc đối với tất cả các trái phiếu phát hành ra công chúng.
Thứ ba, có chính sách khuyến khích đối với các tổ chức phát hành tự nguyện thực hiện XHTN đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Thứ tư, rà soát và thay đổi quy định tại các luật và văn bản dưới luật có liên quan về hạn chế đầu tư vào TPDN đang áp dụng với các nhóm nhà đầu tư tổ chức (công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác, v.v.) nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư tổ chức cho TPDN theo như chủ trương của Chính phủ hiện nay.
Để hạn chế rủi ro tín dụng, thì quy định có thể xem xét đưa tham chiếu đến mức độ XHTN, thông qua quy định rõ việc cho phép các nhóm nhà đầu tư nêu trên được phép đầu tư vào các TPDN có mức xếp hạng nằm trong nhóm có thể đầu tư (xếp hạng từ mức BBB hoặc cao hơn theo thang xếp hạng của các tổ chức xếp hạng nội địa). Bên cạnh đó, cho phép áp dụng phương pháp quản lý đầu tư dựa trên mức độ rủi ro của trái phiếu đầu tư. Ngoài ra, các cơ quan quản lý thị trường TPDN và cơ quan quản lý hạ tầng giao dịch cho thị trường TPDN phối hợp đưa ra lộ trình thời gian rõ ràng cho việc xây dựng đường cong lãi suất TPDN trong tương quan với rủi ro của trái phiếu.
Thứ năm, rà soát và sửa đổi bổ sung Nghị định số 88/2014 của Chính phủ quy định về cung cấp dịch vụ XHTN theo hướng mở rộng hoạt động của các tổ chức XHTN sang các lĩnh vực đánh giá ESG, đánh giá trái phiếu xanh,… và có các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh XHTN trên thị trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Tính đến tháng 10/2024, trên thị trường trái phiếu Việt Nam chưa công bố kết quả XHTN cho trái phiếu. Điều này dẫn tới việc chưa hình thành tập quán XHTN trái phiếu trên thị trường.