“Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo

NGUYỄN GIANG 17/03/2023 00:06

Chiêu lừa từ các cuộc gọi với nội dung “con đang cấp cứu tại bệnh viện” nhắm vào phụ huynh học sinh đang nở rộ, dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, song vẫn không ít người “dính” bẫy…

>>SIM rác hoành hành: Vì sao khó xử lý?

hihihihi

Theo phân tích của Công an TP Hà Nội, công cụ để đối tượng lừa đảo gây án chính là những tài khoản ngân hàng “ảo”, số lượng sim điện thoại “rác” hiện tràn lan. Ảnh minh họa

Những ngày qua, sau khi rộ lên tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, thủ đoạn gọi điện lừa đảo các phụ huynh học sinh “con đang cấp cứu tại bệnh viện và cần tiền để phẫu thuật gấp” đã lan ra tới Hà Nội. Trao đổi với báo chí, Trung tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, tới thời điểm này, đơn vị ghi nhận có 3 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo với thủ đoạn trên.

Vụ đầu tiên xảy ra vào chiều 13/3, một phụ huynh ở quận Tây Hồ nhận được điện thoại của số máy lạ gọi đến, thông báo con gái anh bị ngã từ tầng 3, đang cấp cứu tại bệnh viện. Ở đầu dây bên kia, đối tượng yêu cầu phụ huynh này phải chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản để làm thủ tục nhập viện mổ ngay. Trong tâm trạng lo lắng, phụ huynh trên đã làm theo hướng dẫn của đối tượng và sau đó mới biết bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một ngày sau, một nữ phụ huynh trú tại quận Hoàng Mai khi đang ngồi làm việc tại quận Nam Từ Liêm cũng đã nhận được một cuộc điện thoại của người lạ. Với giọng nói gấp gáp, đầy nghiêm trọng, đối tượng bắt đầu “diễn” khi thông báo con gái của chị bị ngã tại trường, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức và yêu cầu phụ huynh này chuyển tổng số tiền 200 triệu đồng để “mổ gấp”.

Sau khi chuyển tiền, phụ huynh này liên lạc với nhà trường mới biết con gái mình vẫn đang vui học tại lớp, số tiền 200 triệu đồng trên đã bị đối tượng lừa đảo. Thêm một phụ huynh nữa cũng bị lừa với phương thức thủ đoạn tương tự với số tiền cũng lên tới hàng trăm triệu đồng...

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh những phương thức thủ đoạn mang tính “truyền thống” như lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, gọi điện giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… “vẽ” ra câu chuyện người dân liên quan đến các vụ án hình sự, ma túy… để yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản khác nhằm chiếm đoạt, thì nay chúng mở rộng giả danh giáo viên, nhân viên y tế, các cơ quan, trường học để gọi điện cho phụ huynh học sinh thông báo học sinh đang cấp cứu tại bệnh viện, yêu cầu nộp tiền gấp để cấp cứu.

Các đối tượng “đánh” trúng tâm lý lo lắng, sợ hãi của các phụ huynh học sinh, và trong vài giây, phút mất bình tĩnh, mất cảnh giác, đứng trước lựa chọn giữa “sự sống và cái chết” của con em mình, có phụ huynh đã gấp rút chuyển tiền để “cấp cứu” cho con mà không nghĩ bị lừa đảo.

Đáng nói, bên cạnh việc “đánh” vào tâm lý của các bậc phụ huynh trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” để lừa đảo, muốn thực hiện được hành vi gây án, các đối tượng cần phải có công cụ, phương tiện gây án. Theo phân tích của Công an TP Hà Nội, công cụ để gây án chính là những tài khoản ngân hàng “ảo”, số lượng sim điện thoại “rác” hiện tràn lan. Việc tung ra các tài khoản sim rác cho người sử dụng mà không có kiểm soát, không kiểm tra đã dẫn tới không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên số từ sim điện thoại mà còn “góp phần” tạo thêm những công cụ cho các đối tượng tội phạm lợi dụng để gây án.

Chỉ cần vài chục, vài trăm nghìn đồng, chúng dễ dàng mua một hay rất nhiều thẻ sim điện thoại, thoải mái kích hoạt để sử dụng mà không phải đăng nhập, trình báo bất cứ thông tin cá nhân nào. Sau khi sử dụng xong, các đối tượng vứt bỏ sim “rác” và tiếp tục mua số sim điện thoại mới để thực hiện hành vi phạm tội.

Không chỉ “thả lỏng” sim điện thoại, hiện nay việc tạo, mở, mua bán tài khoản ngân hàng đang diễn ra khá dễ dàng. Các đối tượng lừa đảo tổ chức mua những sim rác điện thoại chúng đã kích hoạt sẵn, thuê người mở tài khoản ngân hàng bằng số điện thoại trên, có chức năng Internetbanking. Khi lừa đảo được tiền của bị hại chuyển vào tài khoản này, chúng nhanh chóng rút, hoặc chuyển sang tài khoản khác, dẫn đến việc truy vết, thu hồi nguồn tiền của cơ quan Công an gặp rất nhiều khó khăn.

>>"Phải nhập kèm số chứng minh khi nạp thẻ để ngăn chặn sim rác"

hihihihihii

Vì sao suốt chục năm qua, nạn sim rác không bị ngăn chặn mà ngày càng trầm trọng hơn. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), trong gần 3 năm qua, Bộ đã xử lý quyết liệt đối với 22 triệu sim không có đầy đủ thông tin đăng ký. Trong năm 2022, mỗi tháng Bộ TT-TT nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi "rác" hoặc đe dọa, khủng bố tinh thần. Thời gian qua, các đơn vị đã sử dụng công nghệ rất tốt nên tin nhắn "rác" không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, các cuộc gọi "rác" lại đang nổi lên. Thực ra, cuộc gọi “rác” đang xảy ra trên toàn cầu, chứ không riêng nước ta. Gần đây, Bộ TT-TT đã công bố đường dây nóng để người dân phản ánh cuộc gọi "rác", nhưng về lâu dài thì phải dùng công nghệ. Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng nghiên cứu, phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi "rác" và chủ động ngăn chặn. Mỗi tháng, Bộ TT-TT đã cho chặn từ 30.000 - 40.000 cuộc gọi "rác".

Còn nhớ trong một cuộc họp cũng liên quan đến vấn nạn này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long từng nêu câu hỏi: "Khi đối tượng xấu sử dụng các sim này để đi lừa đảo, trách nhiệm nhà mạng ở đâu trong việc này?". Trong năm 2022, Bộ TT-TT đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động đối với 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động và xử phạt hành chính với tổng số tiền xử phạt 1,77 tỷ đồng.

Các nhà mạng dĩ nhiên không thể đứng ngoài cuộc, cũng thật khó tin rằng họ không có giải pháp, nhưng vì sao suốt chục năm qua, nạn sim rác không bị ngăn chặn mà ngày càng trầm trọng hơn, là vấn đề rất cần được đặt ra.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Nghiêm & Chính cho biết, những kẻ lừa đảo đều sử dụng sim "rác" để tránh sự truy tìm của người bị hại lẫn công an. Tuy nhiên, đối với việc tội phạm lừa đảo sử dụng số tài khoản ngân hàng để nhận tiền thì đây là dấu vết rõ ràng và chính xác nhất. Nếu lực lượng công an vào cuộc điều tra thì ngân hàng bắt buộc phải cung cấp thông tin và sẽ phát hiện được ngay kẻ lừa đảo.

"Để giảm nạn lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội… thì biện pháp hiệu quả nhất là phát hiện và xử lý nhanh. Bởi xử lý ngay từ những vụ việc dù người bị hại mất tiền nhỏ nhưng sẽ phòng ngừa hiệu quả hơn là chờ đến khi có việc lớn hay giá trị lớn mới xử lý", LS Bùi Quang Nghiêm chia sẻ.

Được biết, theo quy định mới nhất, thuê bao nào có thông tin không khớp với thông tin trong dữ liệu về dân cư quốc gia thì sẽ bị khoá. Đồng thời, số lượng sim cho mỗi cá nhân cũng sẽ bị giới hạn. Theo 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel, hiện mỗi nhà mạng có từ 1,1 đến 1,4 triệu số điện thoại cần chuẩn hóa thông tin. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuẩn hoá thông tin lần này sẽ đem lại kỳ vọng trong việc xử lý triệt để nạn sim rác, và thực sự là bước đi cần có.

Có thể bạn quan tâm

  • SIM rác hoành hành: Vì sao khó xử lý?

    SIM rác hoành hành: Vì sao khó xử lý?

    03:33, 14/03/2023

  • Vấn nạn sim rác còn đến bao giờ?

    Vấn nạn sim rác còn đến bao giờ?

    11:01, 04/10/2019

  • "Phải nhập kèm số chứng minh khi nạp thẻ để ngăn chặn sim rác"

    00:23, 05/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Xóa” sim rác, “dẹp” lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO