Việt Nam đang hướng đến loại hình đầu tư cân bằng giữa tính kinh tế (lợi nhuận về kinh tế) và tác động (lợi ích về xã hội, môi trường) nhằm tạo ra một hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động.
>>Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia – mối “lương duyên” của các startup Quảng Nam
Theo số liệu của UNDP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022 đã công bố, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội trên tổng số 638.000 doanh nghiệp và có xu hướng tăng liên tục. Trong số này có đến 77% doanh nghiệp tác động gặp phải khó khăn do thiếu vốn, tiếp đến là thiếu đầu ra và thông tin hỗ trợ tài chính.
ThinkZone là một quỹ đầu tư được thành lập tại Việt Nam có quy mô 60 triệu USD. Đây là Quỹ có sự góp vốn của nhiều thế hệ doanh nhân đi trước với mong muốn tạo ra những thế hệ doanh nhân mới tạo ra những ảnh hưởng tích cực. Ông Bùi Thành Đô - CEO/Founder của ThinkZone cho biết: “Chúng tôi mong các startup Việt Nam không chỉ tạo tác động trong nước mà còn ở những nơi khác trên thế giới bởi những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh không chỉ mang lại phát triển bền vững, giải quyết nhiều vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu”.
Nếu so sánh với 20 năm trước, khi quỹ đầu tiên bắt đầu vào Việt Nam để khai thác đầu tư cho các startup, đến bây giờ, nhà đầu tư chọn lựa rót vốn cho các dự án đã có những thay đổi. Họ lựa chọn dự án không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế mà còn nhìn ra được mô hình kinh doanh đó có ảnh hưởng tác động tích cực hay tiêu cực.
>>Startup Stringee nhận đầu từ từ Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM III
Cũng theo ông Bùi Thành Đô, đầu tư khởi nghiệp tác động không chỉ đơn giản liên quan đến những vấn đề xã hội như bình đẳng giới, tăng lương, mà còn ở việc xử lý môi trường. Những khách hàng có tăng trưởng mạnh đã được đầu tư nhưng còn những đối tượng thu nhập thấp cũng cần có thể chế tài chính tối ưu giúp đỡ họ. Vì vậy, đầu tư tác động hướng đến những đối tượng có thu nhập thấp ở Việt Nam, có giải pháp giúp cuộc sống họ bền vững hơn.
Nhật Bản cũng là đất nước có nhiều kinh nghiệm về đầu tư tác động. Tổng vốn đầu tư tác động của nước này được ghi nhận có sự gia tăng khá nhanh từ 33,7 tỷ Yên (năm 2016) lên 1.320,4 tỷ Yên (năm 2021). Bởi vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác với đất nước Nhật Bản mà Jetro đang cố gắng thắt chặt và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ này. Sự hỗ trợ cho startup, nhất là đầu tư tác động là một nội dung mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
>>Nhân viên startup tìm lối thoát trước làn sóng sa thải
Ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội cho biết: Việt Nam chưa có nhiều đầu tư tác động. Đặc biệt, nếu so sánh với Nhật Bản – đất nước có nhiều doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp này cũng góp phần phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME, gần đây có thêm startup. Từ những năm 70, chúng tôi đã hỗ trợ những doanh nghiệp như vậy. Trong khi, Việt Nam phải làm nhiều việc cùng một lúc, vừa quan tâm tới doanh nghiệp lớn, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp SME, startup nên tất cả các hoạt động đó cùng phải làm đồng thời – đây là một khó khăn cho Việt Nam.
“Ở góc độ đầu tư tác động, nhà đầu tư sẽ đánh giá và đưa ra kế hoạch dài hạn nhưng với các doanh nghiệp khởi nghiệp, họ sẽ cung cấp mô hình kinh doanh, thậm chí họ cần có vòng quay ngắn hơn để đầu tư và thu hồi vốn. Các startup nếu không được đào tạo giáo dục xã hội từ bé thì chắc chắn họ không quan tâm về tạo tác động xã hội. Vì vậy họ cần có ý thức và quan tâm tới những vấn đề xã hội chúng ta đang đối mặt để có những suy nghĩ tích cực và tìm ra các giải pháp phù hợp. Bước tiếp theo mới đến thành lập doanh nghiệp, thu hút vốn để vận hành”, ông Nakajima Takeo nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm