Phân tích - Bình luận

Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư khi FED giảm lãi suất

Đặng Trường thực hiện 15/09/2024 04:02

Sự đảo ngược chính sách lãi suất của FED không chỉ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ, mà cả kinh tế toàn cầu.

Ralph Khoury
Ralph Khoury

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Ralph Khoury, Giám đốc tài chính của Nissan United khu vực Châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ, Châu Âu, và Châu Đại Dương (AMIEO), xung quanh vấn đề này.

- Với khả năng cao FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này, các thị trường mới nổi mong đợi gì từ dòng vốn quốc tế, thưa ông?

Chúng tôi dự đoán trong ngắn và trung hạn, FED sẽ dần nới lỏng chính sách tiền tệ một cách ổn định. Theo đó, nhiều ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp bước FED, đặc biệt là những quốc gia neo hoặc quản lý tỷ giá của họ so với đồng USD.

Khi đó, dòng vốn quốc tế có thể sẽ dịch chuyển đến những thị trường duy trì lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc mức chênh lệch lãi suất đó với rủi ro của thị trường cụ thể.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thị trường mới nổi, nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các thị trường phát triển, nhưng vẫn dễ chịu rủi ro cao hơn do phụ thuộc vào giá hàng hóa, tình hình bất ổn khu vực hoặc các khung pháp lý và tài khóa chưa rõ ràng hoặc vẫn đang phát triển.

Điều này đặc biệt liên quan đến các thị trường ở Đông Nam Á và Trung Đông (chủ yếu là khu vực Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh gồm 6 quốc gia ở khu vực vịnh Ba Tư). Nhiều thị trường kiểu này đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và phục hồi tương đối nhanh sau COVID-19. Thách thức của họ là duy trì sự tăng trưởng này và tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài khi chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn giảm lãi suất mới.

chung khoan
Dữ liệu lịch sử cho thấy, trong 17 lần liên tiếp FED cắt giảm lãi suất thì có tới 16 lần thị trường chứng khoán sẽ tăng trong 1 năm sau. Ảnh: Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ.


- Ông có thể cho biết những yếu tố nào sẽ quyết định quy mô của dòng vốn quốc tế chảy vào các thị trường mới nổi?

Tôi đã đề cập đến tầm quan trọng của rủi ro tổng thể mà các thị trường đang phát triển đại diện. Việc tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao môi trường đầu tư là rất quan trọng. Các rào cản thương mại cần được giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Về cơ bản, điều này có nghĩa các thị trường này cần sự rõ ràng về ổn định khung pháp lý đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư sẽ xem xét những yếu tố như sự rõ ràng và ổn định của hệ thống pháp lý, các chính sách thuế, các khoản trợ cấp và ưu đãi đầu tư, hạn chế về trần dòng vốn ra, sự ổn định xã hội và vị thế, uy tín của nền kinh tế.

Tốc độ dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ phụ thuộc vào việc thị trường mới nổi đã giải quyết hoặc kiểm soát tốt những khía cạnh này như thế nào.

- Theo ông, những lĩnh vực nào hứa hẹn nhất trong thu hút vốn đầu tư quốc tế trong giai đoạn hiện nay?

Khi nói đến các thị trường đang phát triển và mới nổi, tôi cho rằng các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu là hứa hẹn nhất, vì đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy nền kinh tế tiến tới trạng thái của một thị trường phát triển. Cơ sở hạ tầng không chỉ có nghĩa là đường xá, cầu cống và năng lượng, mà còn là khả năng tiếp cận dữ liệu tốc độ cao trên toàn quốc bằng các công nghệ tiên tiến nhất.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ cung cấp một tiềm năng tăng trưởng khác. Nhiều thị trường mới nổi có lực lượng lao động lành nghề cao, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các thị trường phát triển. Tận dụng lợi thế cạnh tranh này có thể giúp các thị trường đang phát triển trở thành điểm đến quan trọng cho các dịch vụ gia công phần mềm, phát triển phần mềm, trung tâm cuộc gọi và hỗ trợ văn phòng. Việc sử dụng và áp dụng trí tuệ nhân tạo và học máy trong các lĩnh vực này sẽ khiến chúng trở nên hứa hẹn hơn trong việc thu hút vốn quốc tế.

Ngoài ra, du lịch là một nguồn thu nhập ổn định từ vốn quốc tế. Để phát triển, ngành du lịch của các thị trường này cần được hỗ trợ và quảng bá đến mức ngang tầm với các thị trường phát triển, để có thể được coi là điểm đến tiềm năng cho du khách. Việc tiếp cận hàng không từ các trung tâm dân cư lớn, các tiêu chuẩn khách sạn khác nhau và các chương trình du lịch trong nước được tổ chức bài bản là những trụ cột quan trọng ở đây.

- Các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á hay Trung Đông nên lưu ý điều gì về cơ hội và thách thức trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Các nền kinh tế mới nổi cần chú ý đến việc tạo ra và duy trì các điều kiện môi trường thuận lợi cho đầu tư. Về cơ bản, điều này có nghĩa là áp dụng môi trường pháp lý thuận lợi, chính sách thuế ưu đãi, duy trì tính linh hoạt của thị trường lao động và thúc đẩy các ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, một số thị trường đang phát triển, như Trung Đông, nằm gần các khu vực xung đột hiện tại. Do đó, họ cần hạn chế tác động của các cuộc xung đột đối với nền kinh tế và vị thế toàn cầu của họ nhằm tăng cường thu hút dòng vốn đâu tư quốc tế trong ngắn và trung hạn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư khi FED giảm lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO