Các doanh nghiệp muốn khẳng định được vị thế, phát huy chuỗi giá trị và mở rộng tiềm lực thì việc vận động chuyển mình sang mô hình kinh tế “thân thiện” để hội nhập là vấn đề cấp thiết.
>>Cố vấn khởi nghiệp nâng tầm startup Việt vươn xa
Còn các doanh nghiệp khởi nghiệp cần được nâng cao nhận thức ngay từ khi hình thành những ý tưởng kinh doanh.
Khi nói đến mô hình kinh tế tuần hoàn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của doanh nghiệp khởi nghiệp, rất nhiều người nhắc đến mô hình Aquaponics – nuôi thủy sản kết hợp trồng rau thủy canh trong nhà kính của Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA.
Theo anh Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc công ty, tỉnh Đồng Tháp có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ nên mô hình tuần hoàn Aquaponics rất phù hợp ở thời điểm hiện tại bởi hạn chế được những tác động bên ngoài, mang tính chất bền vững lâu dài hơn do không thải ra môi trường. Vì vậy, chỉ sau hơn 1 năm hoàn thiện toàn bộ quy trình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ, anh đã cho thấy mô hình khởi nghiệp mà mình đang lựa chọn phù hợp với xu thế, để hướng tới sản xuất xanh - sạch – bền vững.
Bên cạnh đó, các mô hình kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đồng Tháp trong thời gian gần đây cho thấy hiệu quả kinh tế bước đầu. Điển hình như: Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ đạm cá từ bùn thải không nguy hại trong quá trình chế biến cá tra - Công ty TNHH Mai Thiên Thanh; Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất bichar và phân hữu cơ sinh học biochar phục vụ cho canh tác nông nghiệp an toàn, bền vững” của Công ty TNHH Biochar Mai Anh Đồng Tháp; Nghiên cứu giải pháp tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường từ bùn thải của ao nuôi cá tra (Pangasius spp.) và vùng phụ cận vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu và giá thể trồng hoa kiểng quy mô công nghiệp cho Làng hoa Sa Đéc”...
Là địa phương có nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong phát triển kinh tế, Đồng Tháp khuyến cáo người dân và doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm các mô hình sản xuất gắn với kinh tế tuần hoàn mang tính ứng dụng cao và có triển vọng.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Một số mô hình kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã được hình thành từ những năm 1980, như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) - đây là mô hình kinh tế sinh thái nông nghiệp bền vững, có hiệu quả mà các thành phần trong hệ thống có mối liên hệ mật thiết với nhau”. Cũng theo ông Nguyễn Thành Tài, sự chuyển dịch từ kinh tế truyền thống sang KTTH-KTX là xu thế tất yếu của doanh nghiệp nông nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Từ thực tế của tỉnh Đồng Tháp, cho thấy về lâu dài, kinh tế tuần hoàn là mô hình tỉnh cần phải hướng đến. Tuy nhiên để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai các giải pháp này, các địa phương cần xây dựng chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm