Xử lý nghiêm ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm

DIỄM NGỌC 22/02/2023 04:50

Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn là vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phải được nghiêm trị.

>>NHNN mở đường dây nóng nhận phản ánh về phân phối bảo hiểm tại ngân hàng

Tổn hại niềm tin khách hàng

Trong gần 10 năm trở lại đây, các thương vụ ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) diễn ra sôi động. Khi đã ký, ngân hàng phải thực hiện, cứ thế, chỉ tiêu được trên ép xuống dưới, nhân viên ép khách vay... mua bảo hiểm.

Để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm, ngân hàng cũng tích cực phát triển các dịch vụ phụ mà trong đó có việc tham gia bán bảo hiểm

Để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm, ngân hàng cũng tích cực phát triển các dịch vụ phụ mà trong đó có việc tham gia bán bảo hiểm. Ảnh minh họa

Từ năm 2020 đến nay, dư luận đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng các ngân hàng thương mại yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm mới được vay, hay được giải ngân khoản vay sớm. Một số công ty bảo hiểm, tổ chức mạng lưới bán hàng thông qua môi giới tại ngân hàng, có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.

Phản ánh của các hiệp hội, ngành hàng tại TP Hồ Chí Minh cuối năm 2022 tới Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp muốn vay vốn đều phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Điều này làm tăng thêm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, gây khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào đã tăng cao và không đúng với tinh thần cải cách thủ tục hành chính của ngành ngân hàng.

Mới đây, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng cho biết, đơn vị này đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên một ngân hàng. Trong đó, tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Do đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.

Theo ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, các thương vụ độc quyền giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm thường kéo dài 15 năm, giá trị dao động từ 6.000 - 10.000 tỉ đồng. Mỗi năm công ty bảo hiểm có thể thưởng cho ngân hàng, con số này không cố định mà phụ thuộc vào phong độ của ngân hàng dựa trên các tiêu chí như doanh thu phí bảo hiểm từ khách mới, tỉ lệ đóng phí năm tiếp theo của khách cũ...

“Nếu không đạt phong độ như cam kết, ngân hàng sẽ bị cắt thưởng. Việc này tạo áp lực cho đội ngũ kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm, ngân hàng cũng tích cực phát triển các dịch vụ phụ mà trong đó có việc tham gia bán bảo hiểm.

Nếu ngân hàng cứ "cắm mặt" bán bảo hiểm, bất chấp nhu cầu và quyền lợi của khách hàng thì sẽ gây tổn hại niềm tin của khách hàng đến ngân hàng và cả công ty bảo hiểm”, ông Trần Nguyên Đán nhận xét.

>>Bancassurance: Quy định cần phù hợp thực tế hoạt động kinh doanh

Xử lý nghiêm vi phạm

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính thừa nhận, việc phát triển nhanh của hoạt động Bancassurance dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Từ năm 2020 đến nay, dư luận đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng các ngân hàng thương mại yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm mới được vay, hay được giải ngân khoản vay sớm

Từ năm 2020 đến nay, dư luận đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng các ngân hàng thương mại yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm mới được vay, hay được giải ngân khoản vay sớm. Ảnh minh họa

Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã triển khai một số giải pháp và yêu cầu Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cùng NHNN thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm.

Để đảm bảo bancassurance phát triển lành mạnh, không biến thành "cơn ác mộng" của nhiều người dân, ông Trần Nguyên Đán cho rằng, cần phải định nghĩa rõ hành vi nào là ép mua bảo hiểm. Không được vay nếu không mua bảo hiểm (dù được giảm lãi suất) cần được quy định là một dạng ép, tức gây áp lực để khách phải mua bảo hiểm không theo nhu cầu. 

Ở nhiều nước phát triển, nếu khách hàng bị ép mua bảo hiểm không đúng nhu cầu, ngân hàng sẽ bị phạt nặng, chẳng hạn theo tỉ lệ phần trăm trên tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm. Không thể để diễn ra chuyện đổ lỗi, vì ngân hàng là đại lý tổ chức của công ty bảo hiểm. Khi đại lý làm sai, công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm.

"Mặt khác, cần sớm công khai tỉ lệ duy trì đóng phí bảo hiểm ở năm thứ hai và năm thứ ba. Chẳng hạn, nếu tỉ lệ này trên 80%, ngân hàng được phép tăng chỉ tiêu tăng trưởng bán bảo hiểm. Nếu tỉ lệ duy trì chỉ đạt từ 50 - 80%, ngân hàng không được phép tăng trưởng phí bảo hiểm theo kế hoạch. Trường hợp tỉ lệ dưới 50%, có thể ngừng cho ngân hàng này bán bảo hiểm hoặc đưa chỉ tiêu tăng trưởng về mức âm cho đến khi hồi phục trên mức trung bình.

Cơ quan quản lý cần có chuyên trang bancassurace, đăng tải công khai tỉ lệ duy trì đóng phí bảo hiểm ở các ngân hàng đang hợp tác bán bảo hiểm. Để tạo số đẹp, hiện nay cách tính tỷ lệ của nhiều doanh nghiệp rất khác nhau, không thực chất. Do đó cũng cần chuẩn hóa cách tính tỉ lệ này", vị chuyên gia giải thích.

Một số giải pháp chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ của Bộ Tài chính: 

Thứ nhất, tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn, hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái với quy định pháp luật.

Thứ hai, tổ chức đường dây nóng 24/7 (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Ngày 15/2/2023, NHNN cũng đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, trong đó tiếp tục chỉ đạo các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; Khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/ đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Cùng với Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm, NHNN ngày 21/2 đã công bố thiết lập đường dây nóng của 2 cơ quan quản lý để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân về hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của các TCTD.

Có thể bạn quan tâm

  • Bancassurance: Quy định cần phù hợp thực tế hoạt động kinh doanh

    11:50, 01/12/2022

  • Đừng “hiểu lầm” kênh phân phối bảo hiểm Bancassurance

    09:10, 21/10/2022

  • "Lương duyên" bảo hiểm - ngân hàng: Cần phát triển Bancassurance ra sao?

    05:00, 28/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xử lý nghiêm ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO