Việc nâng cao mức phạt để bảo đảm tính răn đe là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, nâng tới mức độ nào, nồng độ cồn bao nhiêu mg/l khí thở thì xử phạt cần phải hợp tình, hợp lý.
Với việc áp dụng khung hình phạt mới theo Nghị định 100/2019/NĐ - CP, mức phạt đối với nhều vi phạm giao thông đã tăng khoảng 150 - 250% so với trước đây, đặc biệt là với lỗi sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Mức xử phạt về nồng độ cồn tại Việt Nam.
Bằng việc cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trên 0 mg/l khí thở) đối với cả ô tô, xe máy lẫn xe đạp, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nhóm các quốc gia “không khoan nhượng” với việc sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Ở góc độ tâm lý, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hồng - trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hình phạt nặng sẽ phát huy tác dụng tới hành vi của người tham gia giao thông nhằm kiềm chế ngay từ đầu việc uống rượu, bia rồi lái xe.
“Uống dù ít hay nhiều cũng đều dẫn đến nguy cơ TNGT cao, gây nguy hiểm cho bản thân mình và người khác. Vậy nên, việc xử lý triệt để giúp uốn nắn những hành vi chưa chuẩn là cần thiết để họ buộc phải nhận thức và xác định lại cách thực hiện hành vi uống rượu bia cho phù hợp”. - Bà Hồng nói. [1]
Có thể bạn quan tâm
11:02, 08/01/2020
11:00, 07/01/2020
11:05, 06/01/2020
04:00, 04/01/2020
12:52, 03/01/2020
05:00, 24/12/2019
Nhưng hãy nhin vào thực tế hơn 10 ngày triển khai Nghị định 100. Chắc chắn không chỉ người dân, mà các chuyên gia và chính những người làm luật cũng nhận ra bất cập của nghị định này.
Xin hãy ngẫm lại một số trường hợp “nổi tiếng bất đắc dĩ” trong mấy ngày gần đây vì bị phạt nồng độ cồn.
Lực lượng chức năng đo nồng độ cồn và lập biên bản xử phạt ông Trần Trọng H. vì vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TTT
Đó là trường hợp của ông Trần Trọng H (49 tuổi, Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điều khiển xe máy BKS 38X1-7903 vi phạm nồng độ cồn mức 0,08mg/l bị phạt 3 triệu đồng.
Ông H nói: “Tối nay tôi có uống rượu đâu. Trưa nay ở xóm có giỗ, tôi uống một ít rồi về đi ngủ. Chiều vợ rủ sang Vinh thăm người ốm, nghĩ hết rồi nên mới lấy xe đi. Ai ngờ lúc kiểm tra thì vẫn vi phạm”.
Không chỉ bị phạt tới 3 triệu đồng, với lỗi vi phạm kể trên, ông H còn bị tạm giữ xe 7 ngày và còn bị tước giấy phép lái xe 12 tháng.
Một trường hợp khác khi bị phạt nồng độ cồn đó là anh Lê Kỳ Giang (43 tuổi, phường An Mỹ) lái xe bán tải. Anh Giang bị phạt vì "uống một chén rượu ngâm thuốc bắc chữa bệnh đau lưng" trước khi tham gia giao thông.
Với kết quả 0,070 mg/lít khí thở, anh Giang bị lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Vợ anh - người đi cùng rất bất ngờ với kết quả này và cho biết, "trước đó chồng tôi uống một chén rượu ngâm thuốc bắc chữa bệnh đau lưng. Sau đó, anh lái xe đưa vợ đi mua thực phẩm".
Hay như trường hợp của Hoàng Trọng T. (SN 1987, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ đang chạy xe ôm công nghệ) cũng bị xử phạt 2 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp 0.051mg/lít khí thở (0-0.24mg/lít khí thở bị xử phạt 2-3 triệu đồng).
Điều đặc biệt trong câu chuyện của anh T là anh này uống rượu từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn bị xử phạt. [2]
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với ông Lê Hồng Thắng. Ảnh: Zing.vn
Hôm nay đọc báo, lại có cảm giác hoang mang với một trường hợp nữa, ông Lê Hồng Thắng (trú tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị phạt nồng độ cồn vì ăn… ba ba nấu rượu và thị lợn rừng hầm bia.
"Bữa tiệc đó chỉ có mấy anh em trong gia đình chúng tôi. Người em ở nước ngoài về quê ăn Tết nên có mời mấy anh em đi ăn. Trong bữa tiệc, chúng tôi không gọi rượu, bia mà chỉ gọi món ăn thôi. Tuy nhiên, có thể do chúng tôi ăn món ba ba nấu rượu vang nên trong người có nồng độ cồn. Ngoài món ba ba nấu rượu còn có món thịt lợn rừng hầm bia", ông Thắng cho biết. [3]
Đúng là mục đích của luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 hướng tới việc tuyên truyền, xử lý những trường hợp uống rượu bia khi lái xe là cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn trật tự giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng cho người điều khiển phương tiện giao thông cũng như người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, chính TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải thừa nhận qua phản ánh thực tế Luật đang bộc lộ nhiều kẽ hở.
Một số loại quả khi ăn cũng có nồng độ cồn trong máu.
Bởi thực tế, để đo được nồng độ cồn thì không chỉ do uống rượu, mà ăn một số loại hoa quả nhiều đường, hoa quả ngâm đường đều có thể tạo ra nồng độ cồn như: vải, nho, sô cô la nhân rượu, siro cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng… cũng có lượng cồn nhưng một chút đó không thể ảnh hưởng tới hành vi, năng lực của người điều khiển phương tiện giao thông.
Nếu đặt ra ngưỡng xử phạt với nồng độ cồn trong hơi thở, trong máu từ 0-0,24 mg/lít thì luật không chỉ hướng tới quy định cấm uống rượu bia nữa mà bất cứ ai ăn gì, uống gì nếu đo được nồng độ cồn đều có thể bị xử phạt. "Đây là vấn đề bất cập thể hiện rõ sự hạn chế trong quá trình làm luật, cần phải xem xét kỹ lưỡng” – ông Thảo nói.
Nguyên Viện trưởng Viện lập pháp cho rằng nên thực hiện theo các nước, đặt ra một ngưỡng tối thiểu. Ví dụ: Nếu đo được nồng độ cồn từ 0,02 mg/lít hơi thở thì lúc đó mới cần xử phạt. "Các nhà làm luật cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những thiếu sót trong quá trình làm luật khi đưa ra một quy định xử phạt nghiêm ngặt trong luật" - ông Thảo nói thêm. [4]
Một số món ăn nấu rượu, hầm rượu có thể sẽ phải bỏ đi trong thực đơn của các nhà hàng.
Trong một bài viết mới được đăng tải gần đây, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, đương nhiên khi uống rượu, bia thì trong máu và hơi thở của người sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn ở mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mặc dù không uống rượu, bia nhưng người ta sử dụng một số loại thực phẩm khác như vải, sầu riêng, siro... cũng sẽ có xét nghiệm dương tính với nồng độ cồn. Tức là, trong máu và hơi thở của người đó có những chỉ số nhất định về nồng độ cồn.
Điều này cho thấy, trong logic suy luận của các điều trong luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã không thấy hết được thực tế. Người ta cứ mặc nhiên cho rằng, trong hơi thở, trong máu của một người có nồng độ cồn thì đương nhiên người đó đã uống rượu, bia. Thực tế đã chỉ rõ không phải như vậy.
“Cách suy luận một khi trong máu và hơi thở của một người có nồng độ cồn thì có nghĩa là đương nhiên người đó đã uống rượu, bia là cách suy luận sai. Đúng, trong phần lớn trường hợp là do uống rượu, bia nhưng cũng có nhiều trường hợp không phải do uống rượu, bia cũng có kết quả dương tính với nồng độ cồn”. – ông Sơn nói.
Luật phòng chống tác hại của rượu, bia đưa quy định không cho người có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được điều khiển phương tiện giao thông dù nồng độ đó ở mức nào, kể cả mức rất thấp, sát mức sàn và bất kể là họ có uống rượu, bia hay chỉ sử dụng một thực phẩm nào đó thật không thực tế.
Theo ông Sơn, việc bỏ biện pháp phạt nhắc nhở, cảnh cáo tạo ra một bất cập đó là, trong trường hợp người ta uống một vài ngụm bia, một ly rượu nhỏ hoặc người ta ăn một vài loại thực phẩm đưa đến kết quả dương tính trong máu, trong hơi thở thì cũng bị xử phạt ngay với mức tiền khá cao.
“Về nguyên tắc khi đưa ra một biện pháp xử phạt cũng phải tính toán đầy đủ tới mức độ lỗi, tới hành vi và cân nhắc biện pháp phù hợp. Trường hợp uống một vài ngụm bia, ly rượu nhỏ hoặc ăn loại thực phẩm đưa kết quả dương tính về nồng độ cồn (chỉ số về nồng độ cồn trong những trường hợp này cũng rất thấp, gần mức sàn) mà bị phạt người dân một khoản tiền lớn ngay thì rõ ràng người dân chưa phục”. – ông Sơn nói.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc đặt ngưỡng luật, ngưỡng thể chế để phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất cần thiết. Vì lẽ đó Quốc hội có luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, khi đặt khung thể chế cũng rất cần chú trọng bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sinh hoạt bình thường của người dân trong xã hội”. – ông Sơn góp ý thêm.
Theo ông Sơn, nên giữ lại biện pháp xử phạt nhắc nhở, cảnh cáo đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là với xe đạp và xe máy. Khi họ dương tính với nồng độ cồn ở mức rất thấp, mức gần sàn và không chắc chắn rằng họ có sử dụng rượu, bia. [5]
Ở góc độ quản lý, mặc dù tán thành với việc soạn thảo Nghị định 100 với “tinh thần xử lý nghiêm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã được đưa vào luật”, tuy nhiên ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: "Hiện nay, có 20 nước áp dụng phương án cứ có nồng độ cồn trong khí thở thì xử phạt, và Nghị định 100 này có hiệu lực thì chúng ta nằm trong nhóm 20 nước đó. Còn lại 80 nước thì mức độ cồn trong khí thở phải đạt đến ngưỡng nào đó người ta mới xử phạt".
Theo ông Phong, việc này chúng ta cần phải xem xét, nghiên cứu chứ không thể làm “một phát ăn ngay” được. Bởi không khéo dễ dẫn đến bị lạm dụng và lợi dụng, như vậy sẽ phản tác dụng. Luật đưa ra với tính nhân văn, sức hiệu triệu với một thông điệp tốt cho xã hội như vậy, thế nhưng những người tác nghiệp, thực thi pháp luật mà không đàng hoàng thì lại vô tình biến luật thành điều không tốt, ảnh hưởng tới xã hội. [6]
Theo thống kê, trên thế giới có 20 quốc gia đã áp dụng quy định cấm ở mức độ này. Số quốc gia còn lại đều đặt ra giới hạn mức tối thiểu từ 0,2 - 0,5mg/l khí thở trở lên mới bị xử phạt. Tại Cộng hoà Séc, lệnh cấm hoàn toàn sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe được Chính phủ áp dụng từ năm 1953. Có 3 mức độ vi phạm tùy thuộc nồng độ cồn của lái xe. Ở mức nhẹ nhất, từ 0 - 0,03%, lái xe ô tô sẽ bị phạt 500 - 700 Euro và tước giấy phép lái xe 6 tháng. Hungary cũng mới áp dụng quy định tương tự từ năm 2018. Với nồng độ cồn từ 0 - 0,08%, tài xế có thể bị cấm điều khiển phương tiện nhiều nhất 3 năm và số tiền phạt có thể lên tới 3.000 Euro. Tại Slovakia, thậm chí phạt tù tới 12 tháng đối với hành vi sử dụng chỉ một chút rượu, bia khi lái xe. Tại Mỹ, khi lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép có thể bị phạt rất nặng, đồng thời tịch thu xe và sung vào công quỹ. Khoảng 40 bang của Mỹ áp dụng hình phạt tù từ 1 - 60 ngày nếu người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn từ lần thứ 2 trở lên, dù không gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, ở nhiều bang, việc tài xế mở lon bia hay chai rượu khi đang lái xe cũng được xem là hành vi phạm tội nghiêm trọng, ngay cả khi họ chưa uống. Còn tại Trung Quốc, trong năm 2018 đã có hơn 5.000 trường hợp bị cấm lái xe suốt đời do sử dụng rượu bia, điều khiển phương tiện gây TNGT đến mức phải xử lý hình sự. |
__________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] http://giaothonghanoi.kinhtedothi.vn/goc-nhin/phat-nang-lai-xe-vi-pham-nong-do-con-ban-khoan-ve-so-0-tuyet-doi-25769.html
[2] [6] https://enternews.vn/thay-gi-tu-ba-truong-hop-noi-tieng-bi-phat-nong-do-con-164771.html
[3] http://kenh14.vn/bi-lap-bien-ban-vi-pham-nong-do-con-truong-khoa-benh-vien-khang-dinh-khong-uong-ngum-ruou-nao-co-the-do-an-mon-ba-ba-nau-ruou-vang-20200110141530144.chn
[4] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/luat-chong-ruou-bia-can-thang-than-nhin-nhan-thieu-sot-3394904/
[5] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ts-le-hong-son-co-ke-ho-trong-luat-chong-ruou-bia-3394803/