Hai ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất nhì hiện nay, TikTok và Instagram, đều đang có những bước thử nghiệm và phát triển trong lĩnh vực mua sắm qua mạng xã hội - social commerce.
Thương mại điện tử (e-commerce) chưa hết “hot” thì thương mại mạng xã hội (social commerce) đã manh nha chiếm phần. Theo thống kê, doanh số từ thương mại mạng xã hội năm nay tại Hoa Kỳ có thể đạt đến 35 tỷ USD, tăng 36% so với năm ngoái. Vậy nên không khó hiểu khi các mạng xã hội cũng thi nhau phát triển tính năng này.
Trong tuần qua, giới thương mại mạng xã hội chứng kiến hai sự kiện lớn: TikTok thử nghiệm “TikTok Shopping” ở Bắc Mỹ và Anh; còn Instagram khởi động chương trình quảng bá tính năng Shop trên toàn cầu.
Đầu tiên là về Instagram. Các nhà phát triển Instagram đã ra mắt tính năng Shop từ năm ngoái. Với tính năng này, các doanh nghiệp có thể tạo một cửa hàng trên tài khoản Instagram.
Dĩ nhiên đây không phải là kiểu cửa hàng đăng vài ảnh, chốt đơn qua tin nhắn, chuyển khoản qua ngân hàng hoặc ship COD. Mà tại các cửa hàng ở tính năng Shop, khách hàng có thể mua hàng và trả tiền trực tiếp trên Instagram thông qua Facebook Pay. Khi đó, Facebook sẽ thu một khoản phí nhỏ cho mỗi giao dịch.
Còn tính năng TikTok Shopping (hiện giờ vẫn chưa có tên chính thức) là một sản phẩm liên kết giữa TikTok và Shopify. Những người bán trên Shopify có tài khoản TikTok Business có thể thêm tab “Shopping” vào trang cá nhân của mình. Tab này cũng có thể xem là một cửa hàng như ở tính năng Shop của Instagram.
Khi có người mua hàng, thì quá trình thanh toán diễn ra thông qua Shopify. Tức là khi nhấp chọn mặt hàng trên TikTok, hệ thống sẽ điều hướng người mua đến website Shopify để thực hiện mua hàng và hoàn tất giao dịch. Sau đó Shopify cấp quyền cho giao dịch và thanh toán, chứ việc thanh toán không diễn ra trực tiếp trên TikTok. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa TikTok Shopping và Instagram Shop cho đến hiện tại.
Những tính năng mua hàng mới từ TikTok và Instagram đã trở thành động lực cho các nhà sáng tạo nội dung. Thay vì trước đây chỉ có thể để các link tiếp thị liên kết tại trang cá nhân hoặc bài đăng và nhận tiền hoa hồng, thì hiện tại họ có gắn thẻ trực tiếp sản phẩm trong video.
Không chỉ là các nhà sáng tạo nội dung cá nhân, mà các thương hiệu, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến thương mại mạng xã hội. Bởi quy trình mua hàng trên mạng xã hội, từ chọn hàng cho đến thanh toán, đều rất “mượt mà”, không vấp phải bất kỳ gián đoạn nào.
Chẳng hạn người dùng xem video và thích một sản phẩm. Sản phẩm này được gắn thẻ trong các cửa hàng trực tuyến. Khi niềm yêu thích đang lên cao, người dùng sẽ không ngần ngại bấm vào sản phẩm và mua hàng - thanh toán.
Sự liền mạch này chắc chắn sẽ hấp dẫn các thương hiệu chạy những chiến dịch trên mạng xã hội. Tuy nhiên các đơn vị phát triển mạng xã hội cũng nắm được ưu điểm này và có thể tăng giá quảng cáo. Và tăng giá quảng cáo nghĩa là doanh thu của mạng xã hội tăng cao.
Vậy nên không khó hiểu khi ngày càng nhiều mạng xã hội tích hợp tính năng mua sắm. Và Twitter, Pinterest, Snap có thể trở thành những cái tên tiếp theo sau Instagram và TikTok.
Có thể bạn quan tâm