Việc liên tiếp phát hiện ra các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại một số quốc gia đang đặt ra lo ngại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn trong tương lai.
Mới đây, Đại học Y và Nha khoa Tokyo, Nhật Bản cho hay biến chủng mới chứa đột biến L452R tương tự chủng Delta, được tạm gọi với cái tên biến chủng Delta mới. Đồng thời, nó cũng mang đột biến 501S tương đồng với đột biến N501Y trên biến chủng Alpha.
Được biết, biến chủng mới được phát hiện ở một bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện thuộc Đại học Y và Nha khoa Tokyo vào đầu tháng 8. Người này chưa từng ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, bị mắc Covid-19 do tiếp xúc cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều khả năng đột biến N501Y này rất có thể đã xuất hiện trong các ca F0 ngoài cộng đồng ở Nhật Bản.
Tương tự, các nhà nghiên cứu tại Nam Phi cho biết, loại biến chủng mới C.1.2 mang đặc điểm của các chủng Alpha, Beta và Gamma, đang xuất hiện ở nhiều quốc gia. Theo nhà virus học Penny Moore, chuyên gia của Viện Quốc gia về Các bệnh truyền nhiễm Nam Phi nhận thấy biến chủng mới C.1.2 đã xuất hiện ở 7 quốc gia trên thế giới.
Thêm vào đó, mặc dù biến thể C.1.2 đang chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số các mẫu xét nghiệm hiện nay, nhưng có xu hướng tăng dần qua từng tháng, tương tự như thời gian đầu của các biến thể Beta hay Delta.
Ngoài ra, C.1.2 có tỷ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ của các biến thể khác. Nó chứa những đột biến đáng lo ngại, trong đó có khả năng xoá mã gen di truyền bên trong protein gai – phương tiện để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người, khiến nó trở nên khó đánh bại hơn.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ những biến chủng mới này có nguy hiểm hơn không, nhưng nó mang những đột biến của các biến chủng khác có khả năng lây truyền cao và khả năng né tránh phản ứng của hệ miễn dịch như Alpha, Beta và Gamma.
Các chuyên gia y tế nhận định, việc hiểu rõ về dòng đột biến của virus SARS-CoV-2 hiện nay rất phức tạp. Mỗi biến chủng chỉ là một chỉnh sửa nhỏ bộ mã gen của virus. Nhiều khả năng các biến thể mới tại Nam Phi và Nhật Bản có thể đã xuất hiện sau một đợt nhiễm COVID-19 kéo dài và tích lũy thêm các đột biến, có khả năng thoát khỏi phản ứng miễn dịch.
Các chủng biến thể SARS-CoV-2 đã tiến hóa để tránh các kháng thể của con người tốt hơn. Thậm chí một số biến chủng có độc lực mạnh hơn và dễ lây lan hơn như biến chủng Delta.
Müge Çevik, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học St. Andrews đánh giá, việc xuất hiện thêm các biến chủng mới cho thấy, giai đoạn hỗn loạn nhất trong quá trình tiến hóa của virus SARS-CoV-2 có thể vẫn còn ở phía trước.
“Khi các quốc gia đẩy mạnh tiêm chủng đã gây áp lực buộc virus phải thay đổi và thích nghi hơn nữa. Đồng thời, phần còn lại của thế giới vẫn chưa được tiêm chủng cũng tạo cơ hội cho virus lây lan và tạo ra các đột biến mới”, chuyên gia này nhận xét.
Thực tế cho thấy, sự tiến hóa của virus được thúc đẩy bởi những đột biến ngẫu nhiên, không thể đoán trước được. Các nhà khoa học cần thêm các dữ liệu trong thế giới thực để xem những biến thể nào dường như đang phát triển và trở nên nguy hiểm hơn. Sau đó, họ mới có thể tiếp tục thực hiện các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tiến hành các công việc giải mã gen của virus.
Do vây, rất khó để dự đoán về tương lai của virus SARS-CoV-2 và COVID-19. Và mặc dù vaccine COVID-19 vẫn đang phát huy hiệu quả tốt cho đến nay, nhưng lịch sử cho thấy virus có thể phát triển thêm để làm giảm hiệu quả bảo vệ của chúng.
Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp tốt nhất sẽ là phát triển một loại vaccine hoặc thuốc điều trị để bảo vệ con người chống lại tất cả các biến thể của chủng virus Corona và bất kỳ loại biến chủng khác phát sinh trong tương lai. Nếu không có nó, thế giới có nguy cơ tiếp tục đối mặt với những đại dịch khác sau COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Hiểu thế nào về công dụng của vaccine với biến chủng Delta?
11:01, 14/08/2021
Nâng cấp vaccine COVID-19 để ứng phó với các biến chủng mới
04:30, 12/08/2021
Biến chủng Delta đã xuất hiện tại 58/63 tỉnh thành
11:10, 15/07/2021
Thực hư hiệu quả vaccine chống COVID-19 trước biến chủng Delta?
04:30, 12/07/2021
Mối nguy hiểm từ biến chủng Gamma
04:52, 01/07/2021