"Trong vòng 3 năm qua, Việt Nam đã trở thành một đất nước có thuận lợi trong việc xuất khẩu giấy, mức tăng đạt mức trên 200%/năm", ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA cho biết.
Đó là thông tin được ông Sơn chia sẻ tại Hội nghị ngành Công nghiệp Giấy và Bột giấy Đông Nam Á do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đăng cai, Hội nghị ngành công nghiệp Giấy và Bột giấy Đông Nam Á lần thứ 34 (The 34th FAPPI Conference) diễn ra sáng nay (1/11).
Phát biểu trước Hội nghị, ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: “Trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy toàn cầu, khu vực châu Á đã trở thành trung tâm lớn sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu và nhập khẩu, với tiềm năng tăng trưởng được dự báo sẽ lớn hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những vấn đề cần phải giải quyết nhằm mục đích tăng trưởng bền vững, như cung và cầu nguyên liệu thô, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng quy định môi trường,...”.
Ngành giấy Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019, trên cả năm yếu tố đều có sự tăng trưởng mạnh: Năng lực sản xuất giấy và các tông tăng trưởng bình quân 31%/năm; sản xuất các loại giấy và các tông tăng trưởng 25,7%/năm; tiêu dùng tăng trưởng 12,3%/năm; xuất khẩu tăng trưởng 65,1%/năm; nhập khẩu tăng trưởng 3,1%/năm.
Tăng trưởng năng lực sản xuất chủ yếu là giấy bao bì, trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70%; tăng trưởng sản xuất cũng chủ yếu là từ giấy bao bì, tiếp theo là giấy in – viết và giấy tissue; xuất khẩu chủ yếu là giấy bao bì và 1 phần giấy tissue; nhập khẩu chủ yếu là bao bì tráng, giấy in – viết có tráng phủ, giấy photocopy cao cấp, các loại giấy đặc biệt.
Trong giai đoạn này, năng lực sản xuất bột giấy trong nước không tăng, sản xuất tăng trưởng bình quân 1,9%/năm; tiêu dùng tăng trưởng 5,5%/năm, chủ yếu do sự tăng trưởng về sản xuất giấy in – viết, giấy tissue; nhập khẩu tăng trưởng 7,5%/năm. Sản xuất bột giấy chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu trong nước, nhập khẩu bột giấy chiếm tỷ trọng 65%. Trong nước chỉ sản xuất bột giấy sợi ngắn (BHKP) và mới chỉ đáp ứng được 56% nhu cầu về bột sợi ngắn, bột sợi dài (BSKP) và bột hóa nhiệt cơ (BCTMP) phải nhập khẩu 100%.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, nhu cầu về giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất tăng trưởng bình quân 30,3%/năm; thu gom giấy thu hồi trong nước tăng trưởng 18,5%/năm; nhập khẩu giấy thu hồi tăng trưởng 42,8%/năm. Giấy thu hồi có vai trò rất quan trọng, là nguyên liệu không thể thay thế trong sản xuất giấy của Việt Nam. Sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất giấy các loại đạt tỷ lệ 87%, tính riêng trong sản xuất giấy bao bì đạt đến 98%.
Hoạt động thu gom trong nước đã phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên tăng trưởng mạnh về sản xuất trong ba năm gần đây, đặc biệt là giấy bao bì dẫn đến tỷ lệ thu gom trong nước không theo kịp với sản xuất. Tỷ lệ thu gom nội địa năm 2018 mới đạt 39% tổng lượng giấy tiêu dùng trong nước và chỉ đáp ứng 43% nhu cầu sản xuất, nhập khẩu giấy thu hồi chiếm tỷ trọng 57%.
Có thể bạn quan tâm
04:58, 25/08/2018
11:00, 23/08/2018
10:14, 19/10/2018
03:22, 17/08/2019
Theo ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội giấy và Bột giấy Việt Nam thì trong vòng 3 năm qua Việt Nam đã trở thành một đất nước có thuận lợi trong việc xuất khẩu giấy, mức tăng đạt mức trên 200%/năm. Mặc dù ngành giấy Việt Nam phát triển càng lúc càng nhanh nhưng vẫn còn một số khó khăn cần phải khắc phục.
“Luật mới của chính phủ đối với giấy tái chế làm cho việc nhập nguyên liệu của chúng tôi chịu mức chi phí cao. Mong thời gian tới chính phủ sẽ cởi mở nguồn nhập khẩu giấy thu hồi để chúng tôi có nguyên liệu phát triển ngành giấy. Mặc dù xuất khẩu rất nhiều dăm gỗ nhưng nguồn bột giấy chúng tôi vẫn phải nhập về, chưa có các nguyên liệu bột giấy mới để sản xuất giấy. Bên cạnh đó Việt Nam vẫn chưa có những nhà máy sản xuất giấy ứng dụng những công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đây là những thiếu hụt đối với việc phát triển ngành giấy Việt Nam”- ông Sơn chia sẻ.
Theo dự báo của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng các loại giấy sẽ tăng từ 8-10%/năm, đặc biệt giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách phải vượt qua, ngành giấy Việt Nam hứa hẹn là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
The 34th FAPPI Conference có sự tham dự của 10 Hiệp hội giấy đến từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), Hiệp hội Giấy Trung Quốc (CPA), Hiệp hội Giấy Trung Hoa – Đài Bắc (CTPIA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Indonesia (IPTA), Hiệp hội Giấy Nhật Bản (JPA), Hiệp hội Giấy Hàn Quốc (KPA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Malaysia (MPPMA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Myanma (MPPIA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Philippin (PPMAI), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Thái Lan (TPPIA) cùng khoảng 150 khách mời trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghiệp giấy. |