Nửa đầu năm 2025 đã khép lại với bức tranh xuất nhập khẩu sáng màu.
Tổng trị giá kim ngạch thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 431,5 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng thêm 59,5 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu ghi nhận 219,34 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu đạt 212,15 tỷ USD, tăng 17,9%. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 7,19 tỷ USD, củng cố đà tăng trưởng và ổn định nền kinh tế trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Điểm sáng đáng kể nhất là tăng trưởng đồng đều ở cả chiều xuất và nhập khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò trụ cột với hàng loạt mặt hàng đạt trị giá tăng thêm hàng tỷ USD. Số liệu thống kê từ Cục Hải quan cho thấy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh nhất với 12,35 tỷ USD; máy móc, thiết bị tăng 3,17 tỷ USD; cà phê tăng 1,94 tỷ USD.
Theo đánh giá từ Bộ Công thương, các chỉ tiêu xuất nhập khẩu đang bám sát kịch bản tăng trưởng 12% đề ra cho cả năm, hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 451 tỷ USD trong năm 2025. Đây là kết quả của quá trình chủ động mở rộng thị trường, tận dụng tốt các cam kết từ 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đang có hiệu lực.
Bà Mai Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp (Bộ Công thương), nhận định: “Xuất khẩu tiếp tục được hỗ trợ bởi xu hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, nhất là tại các thị trường có FTA, thuế suất ưu đãi giảm theo lộ trình”.
Thực tế cho thấy, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là lực lượng tận dụng tốt nhất các FTA, đặc biệt là EVFTA. Theo báo cáo của EuroCham, sau 5 năm thực thi EVFTA, có tới 98,2% doanh nghiệp châu Âu cho biết đã nhận được lợi ích từ hiệp định ở mức trung bình đến cao. Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không chỉ giúp hưởng ưu đãi thuế mà còn được xem là “tấm hộ chiếu thương mại”, tạo lợi thế cạnh tranh tại thị trường cao cấp như EU.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham cho biết, uy tín và niềm tin là yếu tố sống còn khi cạnh tranh tại các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao. EVFTA đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có chiến lược bài bản tận dụng tốt cơ hội.
Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều sẵn sàng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang lúng túng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chuỗi cung ứng và khai thác hiệu quả các FTA do thiếu thông tin, thiếu nguồn lực chuyển đổi.
Một dấu mốc quan trọng trong nửa đầu năm 2025 là sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ. Ngay sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng công bố mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam: 20% đối với hàng có xuất xứ rõ ràng, và 40% đối với hàng hóa bị coi là “trung chuyển” từ nước thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc.
Thỏa thuận này giúp Việt Nam tránh được mức thuế đối ứng lên tới 46% từng được Mỹ cân nhắc. Đồng thời, mở ra “khoảng đệm” quý giá để doanh nghiệp trong nước rà soát lại chuỗi cung ứng, cải tiến công nghệ, minh bạch hóa sản xuất và số hóa chứng từ xuất xứ.
Trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD trong 6 tháng qua, chiếm hơn 32% tổng xuất khẩu, thì yêu cầu về xuất xứ rõ ràng và tỷ lệ nội địa hóa trở thành điều kiện tiên quyết để giữ thị phần.
Tuy duy trì được xuất siêu, nhưng nhìn sâu vào cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm. Trong 6 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu 14,54 tỷ USD, trong khi khu vực FDI xuất siêu 22,17 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phụ thuộc đáng kể của khu vực nội địa vào nguyên vật liệu nhập khẩu, và sức cạnh tranh còn hạn chế so với khối FDI.
Đặc biệt, Việt Nam đang nhập siêu lớn từ các thị trường như Trung Quốc (55,6 tỷ USD, tăng 42,2%) và Hàn Quốc (14,6 tỷ USD). Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối diện nguy cơ bị xem là “trung chuyển”, không đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan tại thị trường Mỹ.
Vấn đề đặt ra là: nếu doanh nghiệp không nhanh chóng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, quản trị tốt chuỗi cung ứng và số hóa hồ sơ chứng từ, thì sẽ khó trụ vững trước các rào cản kỹ thuật và thương mại ngày càng siết chặt.
Với xuất khẩu đạt gần 220 tỷ USD sau nửa năm, mục tiêu tăng trưởng 12% vẫn trong tầm tay. Tuy nhiên, thách thức trong nửa cuối năm là không nhỏ. Bộ Công thương nhận định, các yếu tố như biến động giá cước logistics, lạm phát toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và chính sách thương mại của các đối tác lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Đặc biệt, việc nhiều quốc gia trong đó có cả các nước ASEAN đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới sẽ làm gia tăng cạnh tranh và phân tán thị phần. Do đó, chiến lược “đi trước một bước” sẽ giúp doanh nghiệp Việt không bị động.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết Bộ Công thương sẽ tăng cường cảnh báo sớm về diễn biến giá cước, logistics và thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại như hội thảo sắp tới tại Mỹ sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể hơn theo từng ngành hàng.
Xuất siêu 7,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm là tín hiệu tích cực, nhưng thấp hơn đáng kể so với con số 12,15 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy dư địa thặng dư thương mại đang thu hẹp, nhất là khi nhập khẩu phục hồi mạnh, chủ yếu là nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Để duy trì đà xuất siêu bền vững, không còn cách nào khác ngoài việc tăng giá trị nội địa hóa, minh bạch xuất xứ và đẩy mạnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào chính sách hay các FTA, mà cần chủ động nâng cấp năng lực cạnh tranh nội tại.
Thương mại năm 2025 có thể là bàn đạp quan trọng để Việt Nam xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, nếu chúng ta biến thách thức từ thuế quan và cạnh tranh thành động lực chuyển đổi.