Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đã phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
>>Nhóm ngành bất động sản chờ đợi sự phục hồi tăng trưởng kinh tế
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Công Thương, chiều ngày 19/6.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 6 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn cho biết 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành công thương đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,1%, kế hoạch là 5,97-6,68%.
Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước tăng 12,9%, kế hoạch là 5,92-6,84%. Xuất khẩu ước tăng 13,8%, kế hoạch là 8,3%, nhập khẩu ước tăng 18,4%, kế hoạch là 13,7%). Đặc biệt, sản xuất công nghiệp với chỉ số IIP tăng cao.
“Từ đó, đóng góp vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố các nền tảng tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước, góp phần xây dựng niềm tin của doanh nghiệp, ổn định đời sống nhân dân”, ông Bùi Huy Sơn nói.
Vẫn theo ông Bùi Huy Sơn, trong 6 tháng năm 2024 thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới và trong nước để linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân nhằm khởi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành ước tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 giảm 1,2%; 2022 tăng 8,4%, 2021 tăng 9,0%).
Công nghiệp phục hồi nhờ đóng góp lớn của ngành nghiệp chế biến, chế tạo với IIP 6 tháng tăng 7,8% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,6%) và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, tăng 12,9% (cùng kỳ 2023 tăng 1,5%).
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 55/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 5 tháng, hoạt động sản xuất và cung ứng điện nhìn chung ổn định đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là các dịp nghỉ lễ.
Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 30/5) tăng 12,27% so với cùng năm 2023. Trong ngày 29 tháng 5 năm 2024, do nhu cầu phụ tải tăng cao, sản lượng hệ thống điện ngày ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm (1,008 tỷ kWh), cao hơn 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.
>>Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế số
>>Kinh tế Bắc Ninh khởi sắc trở lại
Đáng chú ý, theo ông Bùi Huy Sơn nửa đầu năm xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Xuất khẩu tăng ở các khu vực kinh tế và tăng cao ở nhóm doanh nghiệp trong nước (5 tháng đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô - 5 tháng ước đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%).
Xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 12,6%) với nhiều nhóm sản phẩm tăng cao (trong 5 tháng đầu năm) như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 61,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,4%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%.
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024.
Một số mặt hàng nông sản tăng cao (trong 5 tháng đầu năm 2024) như cà phê tăng 43,9%; gạo tăng 38,2%; chè các loại tăng 20,1%; rau quả tăng 28,2%; nhân điều tăng 19,3%; hạt tiêu tăng 19,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó nổi bật là thị trường Hoa Kỳ (ước đạt 43,98 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm gần 20%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 22,65 tỷ USD, tăng 10,2%; thị trường EU ước đạt 20,69 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%.
“Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (5 tháng xuất siêu 19,27 tỷ USD)”, ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
14:02, 18/06/2024
05:05, 18/06/2024
00:03, 18/06/2024
23:23, 17/06/2024