Doanh nghiệp

Xuất khẩu tôm phải đối mặt với nhiều thách thức

Nguyễn Việt 14/09/2024 06:30

Nhận định về ngành tôm trong quý III/2024, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 8/2024 xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 30%.

tôm 1
Trong tháng 8/2024 xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 30%.

Tuy nhiên, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, giá xuất khẩu giảm, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế thế giới… đang là những thách thức lớn làm hạn chế sự tăng trưởng của ngành tôm trong quý IV/2024.

Đại diện VASEP cho biết, tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao. Cước tàu biển cũng tăng đột biến lên 40% nữa từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.

VASEP dự báo, những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao. Vì vậy, tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con…

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Fimex cho biết giá xuất khẩu tôm bình quân hiện nay chỉ bằng 2/3 so với cách đây 5 năm. Cùng với sức tiêu thụ giảm do suy thoái kinh tế, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh cũng đang khiến ngành tôm bị ảnh hưởng.

“Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt từ 4 - 4,3 tỷ USD. So với mục tiêu cả năm, con số 1,3 tỷ USD đạt được mới chỉ chiếm khoảng 30 - 32%. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành tôm trong nước vào những tháng cuối năm 2024”, ông Hồ Quốc Lực nói.

Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) đánh giá xung đột Nga - Ucraine, tình hình Trung Đông và cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới … sẽ tác động không nhỏ lên tình hình xuất khẩu tôm.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song theo bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia ngành tôm của VASEP theo quy luật thị trường kể từ quý III trở đi là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.

tôm 2
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đơn cử, thị trường Mỹ tuy có sức tiêu thụ lớn nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh.

Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này để chuyển hướng sang các thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Có doanh nghiệp chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch để bán được giá tốt hơn.

“Những tháng cuối năm, kỳ vọng các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn. Các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu phục hồi và giá tăng trở lại. Nếu đúng theo kịch bản này thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, đảm bảo mục tiêu về đích của ngành tôm năm 2024”, bà Thu bày tỏ.

Vẫn theo ông Hồ Quốc Lực, khả năng đẩy mạnh năng lực chế biến tôm của hai quốc gia Ecuador và Ấn Độ hoàn toàn khác biệt với ngành tôm Việt Nam. Nguyên nhân chính là vì nguồn nguyên liệu tôm của hai quốc gia này quá lớn, cộng với làm mặt hàng chế biến mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi trình độ lao động trong sản phẩm nhiều hơn. Vì vậy, lựa chọn đánh vào phân khúc thị trường sản phẩm tôm chế biến sâu có thể trở thành lợi thế của tôm Việt Nam.

“Ở phân khúc thị trường này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam tập trung vào mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định. Nếu các quốc gia Ecuador và Ấn Độ tập trung vào thị trường châu Âu thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hướng sản phẩm của mình vào thị trường châu Á đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu tôm phải đối mặt với nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO