Tính từ đầu năm đến 15/12, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 633,223 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 317,446 tỷ USD, nhập khẩu 315,777 tỷ USD.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 12 đạt 15,78 tỷ USD. 15 ngày đầu tháng, có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại, máy vi tính, máy móc, dệt may. Trong đó, điện thoại đạt 2,56 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm đến 15/12 lên 54,5 tỷ USD, tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,5 tỷ USD và tính chung kim ngạch từ đầu năm lên 48 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,87 tỷ USD, tính chung từ đầu năm lên 35,9 tỷ USD; dệt may đạt 1,58 tỷ USD và kim ngạch chung từ đầu năm đạt 30,7 tỷ USD.
Ngoài các nhóm hàng lớn nêu trên, tính từ đầu năm đến 15/12 còn 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: giày dép đạt 16,67 tỷ USD; gỗ và sản phẩm 14 tỷ USD; sắt thép 11,27 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 10 tỷ USD.
Chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 15,53 tỷ USD trong 15 ngày đầu tháng này. Trong đó 3 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 3,76 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (đạt 1,95 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (đạt 1,7 tỷ USD).
Từ đầu năm đến 15/12 có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD. Nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,9 tỷ USD.
Tính từ đầu năm đến 15/12, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 633,223 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 317,446 tỷ USD, nhập khẩu 315,777 tỷ USD, như vậy, cán cân thương mại của nước ta thặng dư gần 1,7 tỷ USD.
Bộ Công Thương nhìn nhận, trong tháng cuối năm 2021, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Trên thế giới, việc các quốc gia, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU… đã và đang thực hiện các phương án mở cửa, sử dụng hộ chiếu vaccine, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cư dân, tổ chức lại các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, mở cửa du lịch báo hiệu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao. Thêm vào đó, nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế, tạo đà tăng cho kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Ở trong nước, tính tới thời điểm hiện tại, tốc độ và số lượng người được tiêm vaccine ngày càng tăng. Nhờ hiệu quả của công tác chống dịch, Việt Nam có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất chuẩn bị nguồn hàng, xuất khẩu, nhập khẩu trong trạng thái bình thường mới để sẵn sàng bứt tốc. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định cùng với lộ trình thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm, tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa.
Một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể, từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc", đại diện Bộ Công Thương đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định: “Về xuất nhập khẩu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19, song kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế”.
Nhận định về những thách thức phải đối diện trong tháng cuối cùng của năm 2021, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc khôi phục, đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn phải quan tâm giám sát tình hình dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm