Phân tích - Bình luận

Xung lực hình thành công xưởng sản xuất tại Việt Nam

Trương Khắc Trà 01/01/2025 04:05

Năng lực sản xuất của Việt Nam tăng vượt bậc, đang thu hẹp khoảng cách rất nhanh chóng so với Trung Quốc

becamexx.jpg
Năng lực công nghiệp của Việt Nam được cải thiện đáng kể (Ảnh internet)

Tờ báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) mới đây có bài phân tích về tốc độ phát triển của nền sản xuất tại Việt Nam, và cho rằng năng lực sản xuất của Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách rất nhanh chóng với Trung Quốc. Vậy đâu là động lực thúc đẩy?

Thứ nhất, về sâu xa, bối cảnh và xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội Việt Nam khá tương đồng với Trung Quốc. Cả hai quốc gia đều thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên các lợi thế sẵn có: lao động giá rẻ, nhân lực dồi dào, tài nguyên phong phú, chính sách cởi mở.

Quá trình phát triển của Trung Quốc đã tạo điều kiện tốt cho nền kinh tế nước ta, như gần vùng nguyên liệu khổng lồ giá rẻ, công nghệ sản xuất sẵn có. Ví dụ ngành dệt may Việt Nam đã kết nối chặt chẽ với chuỗi cung ứng nguyên liệu thô từ bên kia biên giới.

Và các thành tựu từ Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam nhiều giải pháp nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Ví dụ ngành xi măng, luyện thép, năng lượng, điện tử, hàng tiêu dùng,… trước đây hầu hết sử dụng công nghệ dây chuyền Trung Quốc.

Thứ hai, khi trung tâm tăng trưởng toàn cầu dịch chuyển về châu Á, vai trò của Việt Nam trở nên quan trọng hơn, nhiều nền kinh tế muốn thắt chặt quan hệ, nhiều tập đoàn lớn đổ vốn xây dựng cứ điểm sản xuất đón đầu cho tầm nhìn vài thập kỷ tới.

Từ năm 2005 đến nay là giai đoạn chứng kiến vốn đầu tư FDI chảy vào nước ta tăng vượt bậc, dự báo đạt kỷ lục 30 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 - một trong những yếu tố quyết định đến năng lực nền sản xuất nội địa. Đây là một thành phần kinh tế cực kỳ quan trọng “thay máu” trình độ công nghiệp bằng công nghệ, quản lý hiện đại.

ben-trong-nha-may-chip-7-ty-usd-cua-intel-hinh-13.png
Công nghệ của Intel tại Việt Nam (Ảnh kienthuc.net)

Thứ ba, đúng như ông Alberto Vettoretti, quản lý tại công ty tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates, nhận xét: “Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có sự tiến bộ đáng kinh ngạc về chất lượng, tính cạnh tranh giá và khả năng cung ứng”.

Điều này phần lớn nhờ vào khối FDI, ví dụ như Samsung mang đến nước ta tiêu chuẩn toàn cầu về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Và dĩ nhiên, nếu Nvidia, Intel, Amkor,… nghiên cứu phát triển và sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam cũng sẽ là những công nghệ tối tân nhất.

Thứ tư, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tạo cho Việt Nam khoảng trống đáng kể. Đơn cử, khi Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã giúp hàng hóa nước ta tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ với tốc độ 25% mỗi năm.

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc cũng đặt Việt Nam vào danh sách cân nhắc được chọn lựa. Rất nhiều công ty phòng chống rủi ro khi chuyển một phần sản xuất sang quốc gia lân cận.

Tuy nhiên, tác giả bài phân tích trên SCMP dẫn lời các chuyên gia, cho rằng dù sản xuất mặt hàng gì, lợi thế chính của Việt Nam vẫn là lao động giá rẻ. Trung Quốc đã bước qua giai đoạn này, đang chuyển đổi thành nền kinh tế chất lượng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xung lực hình thành công xưởng sản xuất tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO