Xung quanh Hiệp ước INF: Lối mòn “bình mới rượu cũ”?

Đào Minh 03/02/2019 06:00

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”.

Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót là 2/2.

Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Đây được xem như “giọt nước tràn ly” khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi INF trong 6 tháng.

Giọt nước tràn ly?

Mới đây, trong một tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này.

Ngày 2/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ rút khỏi INF

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Washington đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm.

Ông khẳng định một khi các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí với Nga được hoàn tất, Washington sẽ sẵn sàng cho mối quan hệ nổi bật về kinh tế, thương mại và chính trị và các cấp quân sự với Moskva.

Có thể bạn quan tâm

  • Hiệp ước INF: Người đa ngôn, kẻ âm thầm hưởng lợi!

    Hiệp ước INF: Người đa ngôn, kẻ âm thầm hưởng lợi!

    11:00, 08/12/2018

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ Mỹ sẽ gửi thông báo chính thức cho Nga về việc Washington sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong vòng 6 tháng.

Ông Pompeo cho biết Washington mong muốn đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga và hy vọng Moscow có thể tuân thủ hiệp ước INF, đồng thời nêu rõ nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn thỏa thuận này có thể kiểm chứng và áp dụng được với các hệ thống vũ khí.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho hay Washington đã sẵn sàng tham gia thảo luận về các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác trên khắp thế giới.

Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố hoàn toàn ủng hộ thông báo rút khỏi INF của Mỹ do những nguy cơ an ninh từ việc Nga thử nghiệm, chế tạo hệ thống tên lửa “Novator 9M729".

Hành động đáp trả tương xứng từ Moscow

Sau tuyên bố trên của Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ngay lập tức cho biết Moscow quyết định cũng sẽ ngừng tuân thủ Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).

Tổng thống Putin thông báo: “Các đối tác Mỹ đã tuyên bố rằng họ đình chỉ tham gia thực hiện thỏa thuận này, chúng tôi cũng sẽ đình chỉ điều đó”.

Tổng thống Putin cũng chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không bắt đầu các cuộc đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Ông Putin nhấn mạnh quyết định trên là hành động "đáp trả tương xứng" quyết định của Mỹ rút khỏi INF. Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga cũng sẽ hoàn tất rút khỏi Hiệp ước INF trong vòng 6 tháng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2.2 tuyên bố Moscow tạm ngừng tham gia Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Mỹ sau khi Washington có động thái tương tự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2.2 tuyên bố tạm ngừng tham gia INF

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga về việc bắt đầu chế tạo các tên lửa siêu thanh tầm trung.

Cũng trong cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cáo buộc Mỹ vi phạm Hiệp ước INF và các thỏa thuận vũ khí khác, như hiệp ước không phổ biến vũ khí.

Ông Putin khẳng định rằng Nga sẽ không tăng ngân sách quân sự cho các loại vũ khí mới, đồng thời cam kết không triển khai vũ khí ở châu Âu và các khu vực khác và yêu cầu phía Mỹ cũng phải thực hiện điều tương tự.

Mặc dù Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có mối quan hệ không mấy thân thiết, nhưng dường như ông chủ Nhà trắng lại rất hiểu tính cách và suy nghĩ của ông chủ điện Kremlin.

Điều này không phải không có cơ sở, cho dù mối quan hệ giữa Mỹ và NATO với Nga tốt đẹp hay tồi tệ thì sự đáp trả tương xứng của Nga đều nhất quán và không muộn.

Nga cũng đã từng nhượng bộ cho Mỹ và NATO nhưng chưa khi nào nhượng bộ khi bị đưa vào thế “đường cùng”.

Hiểu được tâm lý này của ông Putin, Trump dường như đã ngay lập tức “chớp thời cơ”. Mỹ đã thành công trong mưu tính rút khỏi INF, và có thể đổ vấy hoàn toàn trách nhiệm cho Nga.

Vừa xoa dịu tâm thế của các thành viên NATO vốn rất bối rối và hoang mang khi trước đó Mỹ tuyên cáo ý định sẽ rút khỏi INF mà không thương thảo hay thông báo trước đó cho NATO.

Đồng thời vừa để ngỏ được khả năng khi thấy cần thiết lại triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung của Mỹ trên lãnh thổ các thành viên NATO ở châu Âu

Lối mòn “bình mới rượu cũ”?

Mỹ có một vài lý do để rời khỏi Hiệp ước này, bất chấp việc Nga có thực sự vi phạm các điều khoản của Hiệp ước hay không.

INF được ký kết đã 30 năm, trong suốt quãng thời gian này, thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao. Những công nghệ mới và sự phát triển kinh tế ở những nơi từng được coi là các quốc gia thuộc "Thế giới thứ 3" đã buộc Mỹ phải cân nhắc đến các mối đe dọa quân sự ngoài Nga. 

Ngày nay, Iran có khả năng triển khai các loại vũ khí hạt nhân tầm xa cùng với Pakistan gần đó cũng có khả năng tương tự.

Năm 2017, các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump đã đe dọa trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong - Un rằng, "Triều Tiên sẽ phải đối diện với lửa và giận dữ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến".

Mặc dù Triều Tiên đã dừng các cuộc thử tên lửa sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim nhưng quốc gia này vẫn có thể quay trở lại tiếp tục các cuộc thử nghiệm này bất cứ lúc nào.

Mối nguy từ Trung Quốc

Ngoài ra, sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên cũng cần được tính đến. Bắc Kinh là đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng trong khu vực, cả về hệ tư tưởng và kinh tế. 

Trung Quốc giúp Triều Tiên có thể tồn tại bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách cung cấp cho quốc gia này năng lượng và thực phẩm.

Bắc Kinh cũng sử dụng Bình Nhưỡng để kiềm chế sự hiện diện của Mỹ ở Hàn Quốc. Việc Triều Tiên triển khai các tên lửa đạn đạo có thể là cách để Trung Quốc "mặc cả" với Mỹ về việc cắt giảm số lượng quân đội và vũ khí của Mỹ trong khu vực.

Một số chuyên gia dự đoán trong một thời gian dài rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong trật tự thế giới mới.

Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và khả năng quân sự của quốc gia này buộc phương Tây phải suy nghĩ nghiêm túc về việc kiềm chế sự ảnh hưởng đang ngày một tăng của Bắc Kinh.

Ba hoặc bốn hệ thống tên lửa tầm trung tự động cao sẽ cho phép Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ từ bất kỳ vị trí nào của quốc gia này.

Sự bố trí quân sự của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton - một người ủng hộ Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF trên thực tế đã đúng khi nhận ra Trung Quốc không nằm trong Hiệp ước này.

Ông từng khẳng định rằng: "Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đều đang phát triển các loại vũ khí vi phạm Hiệp ước INF nếu họ là một phần trong đó".

Ông cũng cho rằng mối đe dọa từ Bắc Kinh đang ngày càng rõ và một hiệp ước tên lửa đạn đạo song phương giữa Nga và Mỹ năm 1987 trên thực tế đã không còn phù hợp trong thế giới đa cực.

Vì không bị kiểm soát bởi Hiệp ước INF nên khả năng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường và phát triển, nhất là việc mở rộng các lực lượng tên lửa tầm trung.

Tên lửa đạn đạo DF-26 mà Bắc Kinh triển khai gần đây được mệnh danh là "kẻ hủy diệt đảo Guam" và là "sát thủ diệt tàu sân bay" khi có thể nhắm bắn hiệu quả tới cả căn cứ không quân và hải quân ở Guam cũng như các tàu sân bay của Mỹ. 

Do đó, bất chấp việc phá hủy một thỏa thuận quan trọng đã đạt được với Moscow, quyết định rút khỏi INF của Washington có thể coi là một biện pháp nhắm trực tiếp vào Bắc Kinh và đối phó với sự thay đổi của một môi trường quốc tế không ngừng biến động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xung quanh Hiệp ước INF: Lối mòn “bình mới rượu cũ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO