Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Anh, bước đầu với Trung Quốc mở lối "xuống thang" thuế quan. VPL lên sàn cũng mở ra thời kỳ tăng sức hút từ hàng hóa chất lượng cho sàn chứng khoán.
Những thông tin tích cực về các cuộc đàm phán thuế quan của các quốc gia với Mỹ đang đưa ra kỳ vọng về triển vọng kinh tế toàn cầu và giao thương hàng hóa tích cực hơn. Thị trường chứng khoán cũng đang chào đón những thông tin và triển vọng tích cực, trong đó có sự hiện diện của những cổ phiếu mới, nâng chất lượng hàng hóa và sức hút cho nhà đầu tư.
Trong phiên giao dịch hôm nay 13/5, hệ sinh thái Vingroup chào đón thêm cổ phiếu VPL - CTCP Vinpearl, doanh nghiệp đầu ngành BĐS du lịch giải trái của Việt Nam, có mặt trên HoSE. Ghi nhận ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, VPL đã tăng hết biên độ (20%) đạt 85.500 đồng/cp từ giá tham chiếu 71.300đ/cp. Tính theo mức này, vốn hóa VPL đạt hơn 153.327 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,9 tỷ USD. Trong hơn 30 phút đầu phiên, thanh khoản VPL duy trì quanh mức 4.000 đơn vị, có thời điểm trắng bên mua.
Với 1,8 tỷ cổ phiếu lưu hành, doanh nghiệp nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam theo định giá thị trường theo đó đã vượt qua mức định giá ban đầu và lọt top 10 các công ty theo giá trị vốn hóa lớn nhất trên HOSE.
Đây cũng là công ty thứ 4 trong hệ sinh thái Vingroup niêm yết cổ phiếu trên HOSE, cùng với Tập đoàn Vingroup – Công ty CP (Mã CK: VIC), Công ty Cổ phần Vinhomes (Mã CK: VHM), Công ty Cổ phần Vincom Retail (Mã CK: VRE). Tính tại ngày 7/5/2025, tổng vốn hóa của 4 doanh nghiệp khoảng 736.478 tỷ đồng.
Vinpearl đặt trụ sở tại đảo Hòn Tre, Nha Trang, Khánh Hòa. Năm 2024, Vinpearl được Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu – vinh danh là thương hiệu mạnh nhất Việt Nam, đồng thời lọt vào Top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á với giá trị thương hiệu tăng trưởng ấn tượng 34%. Đặc biệt, Vinpearl cũng là thương hiệu duy nhất trong lĩnh vực du lịch góp mặt trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Với danh mục tài sản đa dạng, Vinpearl đã tiên phong phát triển mô hình cụm quần thể, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch nội địa cũng như quốc tế hàng năm, điển hình là quần thể khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf và công viên vui chơi giải trí tại Nha Trang, và quần thể khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf, công viên vui chơi giải trí và công viên chăm sóc – bảo tồn động vật hoang dã tại Phú Quốc. Các cơ sở của Vinpearl liên tục được vinh danh tại các giải thưởng danh giá toàn cầu như giải thưởng “Best of the Best” của TripAdvisor, giải thưởng World Travel Award, khẳng định vị thế hàng đầu của thương hiệu trong ngành du lịch và nghỉ dưỡng.
Ngay sau đại dịch Covid-19, thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong tái khởi động thị trường quốc tế khi Việt Nam mở cửa trở lại. Công ty chủ động đón đầu nhiều xu hướng giải trí mới và tổ chức hàng loạt sự kiện mang tầm quốc tế, góp phần nâng tầm vị thế các điểm đến trong nước, đưa tinh hoa thế giới về Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ du lịch quốc gia.
Trong bối cảnh thị trường du lịch Việt Nam khởi sắc rõ rệt trong hai năm 2023 và 2024 với lượng khách nội địa và quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, Vinpearl đã đạt được kết quả kinh doanh vượt trội, tăng trưởng ấn tượng hơn so với mức bình quân chung của toàn ngành, qua đó tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu và đóng góp đáng kể vào sự phục hồi chung của thị trường du lịch Việt Nam.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, kế hoạch kinh doanh của Vinpearl đã được thông qua với mục tiêu doanh thu thuần ước đạt khoảng 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 1.700 tỷ đồng cho cả năm 2025. Đây là những con số thể hiện quyết tâm của Vinpearl trong việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa lợi nhuận từ các dịch vụ cốt lõi.
Với những kết quả kinh doanh ấn tượng và chiến lược đầu tư mạnh mẽ, Vinpearl tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng. Việc Vinpearl chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán (HOSE) giúp mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hệ thống quản trị để tăng tốc phát triển, đồng thời tạo động lực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
VPL cũng là "bom tấn" đầu tiên trên sàn của 2025 mở màn cho kỳ vọng làn sóng các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam niêm yết trên sàn, qua đó mở rộng quy mô và giá trị của TTCK để cộng hưởng sức hút dòng tiền khi thị trường theo kỳ vọng sẽ nâng hạng lên mới nổi, chuẩn FTSE vào tháng 9 tới.
Trong giai đoạn này, Tổng thống Donald Trump đang có xu hướng xuống thang, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định. Theo ông Sơn, nhìn lại, đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã đẩy leo thang chiến tranh thương mại với các chính sách khốc liệt. Thuế quan đưa ra với nhiều quốc gia là không tưởng tượng được, chẳng hạn Việt Nam 46%, Trung Quốc là hơn 200%. Theo thống kê, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm sút rất nhanh chóng, hàng qua cảng container giảm rất sâu, lượng khách du lịch từ Canada, châu Âu, Nam Mỹ, châu Á đến Mỹ cũng tụt nhanh. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nhất định do leo thang thương mại.
Trung Quốc đã chuyển đổi từ nhập khẩu dầu thô từ Mỹ sang Canada. Đến hết tháng 3, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ đã giảm xuống rất thấp, khiến các nhà xuất khẩu của Mỹ chịu thiệt hại. Đồng thời, các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ (đậu tương, thịt bò) chịu ảnh hưởng khi Trung Quốc chuyển sang nhập từ Mexico, Brazil. Liên quan đến sản xuất công nghiệp, Trung Quốc cũng ngừng nhập máy bay của Boeing.
Sau chuỗi hành động như vậy, ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ rất rõ ràng. Yếu tố này có thể có độ trễ, chưa nhìn nhận ngay được thông qua các chỉ số kinh tế nhưng có thể được phản ánh vào tháng 5 – 6 sắp tới. Vì vậy, việc xuống thang sẽ tác động tích cực đến hoạt động thương mại của Mỹ với các quốc gia khác, ông Sơn phân tích.
Tính đến hết tháng 3, Mỹ đã giảm nhập khẩu từ Trung Quốc xuống rất thấp nhưng lại tăng nhập từ các quốc gia khác. Gần đây, để tránh đà tăng giá cả, Mỹ cũng phải giảm thuế đối ứng cho một số mặt hàng như thiết bị điện tử về gần bằng 0 bởi đây là hàng hóa được doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc và buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ thuế suất khoảng 10% với những mặt hàng trên.
Việc Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Anh cũng là bước xuống thang rõ ràng. Trong thỏa thuận này, với ô tô, thuế nhập khẩu từ Anh vào Mỹ đã giảm từ 27% xuống còn 10%, thép và nhôm cũng như động cơ, linh kiện hàng không được miễn hoàn toàn. Trong khi đó, Anh cam kết mua 10 tỷ USD máy bay Boeing và chịu thuế 10% với những mặt hàng khác.
Còn với Trung Quốc, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm rất sâu, khoảng 18% đến cuối tháng 3. Những mặt hàng như máy móc thiết bị, dệt may, kim loại cơ bản, nhựa và cao su … đã giảm khoảng 14 – 33%. Trong tháng 4, số liệu này có thể sẽ còn thấp hơn nữa. Tính đến tháng 3, chỉ khoảng 8,6% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc – mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008 và 2020 và tương đương giai đoạn 2001 – 2002.
Ảnh hưởng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức rất lớn, vì vậy tôi kỳ vọng Mỹ sẽ có những thỏa thuận nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất phục hồi về bình thường. Từ đó, có thể kỳ vọng thuế quan sẽ xuống thấp hơn hiện tại, chuyên gia chia sẻ.
Bối cảnh vĩ mô và những diễn biến thuế quan sẽ tác động rất lớn đến dòng tiền và thị trường chứng khoán.
Trước hết với câu chuyện dòng tiền khối ngoại, theo thống kê, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đã quay lại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trong khoảng 4 tuần nay, ông Sơn cho biết. Trong giai đoạn diễn biến bất ngờ về thuế quan, đồng USD giảm mạnh, lợi suất trái phiếu tăng rất cao, làm cho nhiều NĐT nhận định rằng tài sản bằng đồng USD trở nên kém hấp dẫn.
Đặc biệt, do NĐT cảm thấy chính sách thương mại của Mỹ rất khó lường, nên để đảm bảo cho tài sản, nhiều người đã giảm bớt tỷ trọng đầu tư tại Mỹ. Đến nay, USD đã giảm khoảng 7,5% so với đầu năm. Ngược lại, tiền tệ tại các quốc gia khác có dấu hiệu phục hồi, trong đó đồng yen Nhật Bản đã đi lên khoảng gần 10% so với đầu năm, won Hàn Quốc, bảng Anh, euro đều tăng rất tốt.
So sánh tương quan giữa S&P 500 và MSCI của châu Âu, Emerging Market (thị trường mới nổi), thì sau tháng 4, S&P 500 vận động rất kém, vẫn còn âm gần 4% so với đầu năm. Nhưng thị trường mới nổi và cận biên cũng như MSCI châu Âu đã phục hồi rất nhanh chóng, tăng hơn 5% so với đầu năm. Điều này cho thấy dòng tiền đã trở lại những thị trường trên.
Theo thống kê, đến tuần trước, Việt Nam đã được trở lại mua ròng với quy mô hơn 1.000 tỷ trên cả 3 sàn. Tín hiệu tại khu vực đang tạo ra động lực tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Với xu hướng mua ròng đã kéo dài khoảng 4 tuần tại châu Á, tôi kỳ vọng chuỗi mua ròng sẽ được duy trì khi Việt Nam và các quốc gia khác chờ đón câu chuyện đàm phán với Mỹ, theo chuyên gia Trần Hoàng Sơn.
Thuế quan cũng đã và đang tác động đến triển vọng ngành cảng biển. Trong ngắn hạn, nhóm ngành vận tải biển đang có triển vọng tích cực. Có thông tin rằng khi Mỹ sắp áp thuế quan đối ứng thì hàng hóa “chạy thuế” đi qua các cảng đã tăng vọt. Nhiều cảng Việt Nam đã hoạt động hết công suất, để phục vụ hàng hóa “chạy thuế”. Thông tin này đã được phản ánh vào giá của một số cổ phiếu như HAH, VSC trong thời gian gần đây.
Trong ngắn hạn, việc hàng hóa qua cảng tăng lên sẽ tác động tích cực tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, tạo động lực tăng giá cổ phiếu. Ví dụ, sau khi tạo đáy trong tháng 4, HAH đã quay trở lại uptrend rất nhanh và vượt đỉnh. Cổ phiếu VSC cũng đã hồi phục mạnh mẽ, tăng tốc rất nhanh sau sóng giảm tháng 4. Từ đỉnh đến đáy, cổ phiếu này đã tăng 72%.
Với những cổ phiếu đã tăng nóng, NĐT nên theo dõi, hạn chế mua vào vì có thể cổ phiếu đang trong trạng thái phân phối đỉnh ngắn hạn. Cổ phiếu HAH, VSC cũng đã xuất hiện tín hiệu trên. Vì vậy, nếu đang theo dõi nhóm cổ phiếu này, NĐT có thể chờ nhịp điều chỉnh về mức hợp lý trước khi giải ngân, ông Sơn khuyến nghị.
Ngoài ra, còn một cổ phiếu khác để theo dõi là GMD. Cổ phiếu này có đà tăng giá yếu hơn so với những mã còn lại trong nhóm cảng biển. Từ tháng 1/2025, cổ phiếu GMD bị giảm, rơi vào downtrend, thấp nhất xuống 42.000 đồng/cp. Hiện nay, cổ phiếu đã phục hồi lên 53.000 đồng/cp, nhưng vẫn đang trong downtrend. NĐT có thể cân nhắc mua GMD ở vùng hỗ trợ gần nhất, có thể là khoảng 51.000 đồng/cp. Về ngắn hạn, tín hiệu mua đã mở ra cho cổ phiếu GMD. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, GMD có thể rơi vào nhịp tích lũy trước khi vượt qua những vùng cản mạnh tại vùng giá 58 – 60.000 đồng/cp. NĐT cần theo dõi để mua vào vì sau khi phục hồi từ đáy, cổ phiếu thường rơi vào nhịp tích lũy trước khi bật tăng, kiểm nghiệm các đường MA lớn, theo chuyên gia VPBankS.
Trong trung và dài hạn, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn vẫn đang được định giá hấp dẫn. Trong năm nay, nếu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho thị trường thì tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao. Cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt nhóm dẫn đầu sẽ có nhiều động lực để tăng trưởng tín dụng, từ đó mở rộng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Trong giai đoạn vừa qua, NIM của một số ngân hàng đã bắt đầu thu hẹp, đặc biệt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025. Xu hướng này là hợp lý vì các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm đối với nền kinh tế, thị trường thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng. Khi kinh tế phục hồi, thường cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưu tiên, ghi nhận mức tăng trưởng tốt.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, trong phiên giao dịch đầu tuần 12/5 vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã +1,41%. TCB +6,5% so với tham chiếu. SHB lọt top thanh khoản trên 1.000 tỷ cùng với TCB. TPB, MBB, HDB, LPB, STB, EIB, MSB, VIB, BID, CTG... đều "mở bát" phiên đầu tuần trong sắc xanh hứng khởi. Cùng với bất động sản, được dẫn đầu bởi VIC, VRE, BCM, KBC..., hai nhóm chỉ số đại diện đóng góp cho đà tăng thanh khoản của thị trường lan tỏa tích cực, có phần từ hiệu ứng tâm lý từ các thông tin đàm phán thuế quan.
"Tôi vẫn duy trì kỳ vọng rằng trong năm nay, nếu đàm phán thương mại suôn sẻ, nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió thì cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền", chuyên gia nhấn mạnh và kỳ vọng đàm phán thuế quan Việt - Mỹ tích cực, sẽ tạo ra lực đẩy chung cho thị trường chứng khoán.