Chỉ trong một thời gian ngắn, từ lãnh đạo cao nhất đến cổ đông lớn nhất và gắn bó lâu nhất cũng lần lượt thoái toàn bộ vốn khỏi YEG, khiến doanh nghiệp này có nguy cơ trở thành công ty vô chủ.
>>>Yeah1 thoát lỗ nhờ bán công ty con
Mới đây, vào ngày 26/5, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) đã đăng ký bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 1/6 đến 10/6. Sau giao dịch, ông Tống sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu YEG nào, đồng nghĩa với việc, ông Tống sẽ không còn là cổ đông của YEG.
Trước đó, vào hồi đầu năm nay, Chủ tịch YEG cũng đã bán 3,7 triệu đơn vị cổ phiếu YEG. Qua đó, giảm lượng sở hữu từ 7,7 triệu cổ phiếu, tương đương 24,7% vốn điều lệ của YEG xuống 4 triệu cổ phần (tỷ lệ 12,9%) theo phương thức thỏa thuận.
Số lượng cổ phiếu này đúng bằng số cổ phiếu mà bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát thông báo đã mua trong cùng ngày. Sau giao dịch, bà Phương trở thành cổ đông lớn với 4,5 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 14,3% vốn.
Cũng trong ngày 26/5, bà Trần Uyên Phương thông báo đã bán 4,1 triệu cổ phiếu YEG. Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát giảm từ 14% xuống còn 0,8%. Bà Phương cũng không còn là cổ đông lớn của YEG.
Trước đó, vào hồi tháng 4, Quỹ DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd cũng đã hoàn tất thoái hết 4,9% vốn đang nắm giữ tại YEG từ 6/4 đến 15/4 theo phương thức giao dịch thỏa thuận. VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư đồng hành với Yeah1 lâu nhất khi nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp này trong hơn 10 năm.
Trước khi thoái hết vốn tại YEG, ngày 16/2, ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc DFJ VinaCapital, Thành viên HĐQT YEG cũng đã có đơn xin từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT vì lý do sắp xếp công việc của tổ chức. Công ty sẽ trình vấn đề miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT tại cuộc họp ĐHĐCĐ dự kiến diễn ra vào ngày 15/6 tới.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ lãnh đạo cao nhất đến cổ đông lớn nhất và gắn bó lâu nhất cũng lần lượt thoái toàn bộ vốn khỏi YEG. Đáng chú ý là động thái này diễn ra ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2022 sắp diễn ra.
>>>Quỹ ngoại muốn thoái sạch vốn, YEG “chìm đáy”
Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022, HĐQT YEG trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu hợp nhất 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 24,7 tỷ đồng, tăng 25%.
HĐQT YEG cho biết, năm nay sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chính gồm hoàn thiện công tác tái cơ cấu tập đoàn; huy động vốn từ nhiều nguồn đa dạng, nắm bắt cơ hội thị trường, đặc biệt là mảng Digital – Tech Media; cải tiến mô hình kinh doanh bán lẻ; nắm bắt cơ hội kinh doanh mới như Fintech.
Một nội dung đáng chú ý khác là HĐQT sẽ trình phương án chào bán 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, tăng vốn điều lệ YEG từ 313 tỷ đồng lên gần 1.100 tỷ đồng.
YEG huy động vốn để mở rộng hoạt động đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ (Dicital – Tech Media), công nghiệp (Tech) và công nghệ - tài chính (Fintech), các lĩnh vực liên quan khác để hoàn thiện hệ sinh thái (573 tỷ đồng); đầu tư hạ tầng công nghệ (73 tỷ đồng) và trả nợ vay (141 tỷ đồng).
Vào năm 2018, cổ phiếu YEG đã từng là “ngôi sao sáng chói” trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi mới niêm yết, cổ phiếu này đã được giao dịch với thị giá 343.000 đồng/cổ phiếu, đây là mức giá cao nhất trên thị trường lúc bấy giờ. YEG cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành truyền thông niêm yết trên sàn thời điểm đó còn đặt mục tiêu đạt giá trị vốn hóa tỷ USD.
Tuy nhiên, một sự kiện bất ngờ vào đầu năm 2019, khi Youtube chấm dứt quan hệ hợp tác với mạng lưới đa kênh MCN (Multi-channel network), đã khiến mọi thành quả của YEG biến mất. Giá cổ phiếu khi ấy "rơi tự do" từ vùng 250.000 đồng/cổ phiếu về khoảng 37.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019, tương đương mức giảm 85%.
Không còn “đất” làm ăn với “ông lớn”, mọi kế hoạch lớn lao của YEG coi như bị đổ vỡ. Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống khi đó đã tự gọi mình là "tội đồ" và thừa nhận sau cú ngã 200 triệu USD với YouTube, YEG đã có được một bài học rất lớn. Bài học mà theo người đứng đầu YEG lúc bấy giờ là phải bỏ ra hàng ngàn tỷ để nhận lại. Tuy nhiên, một bài học lớn hơn mà lãnh đạo YEG nhận ra đó chính là "không nên xây nhà trên đất người khác và phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác", nếu muốn vươn ra thế giới.
Điều đáng nói là sau cú ngã này, thực tế Yeah1 đã có hơn 2 năm vật lộn và có những kế hoạch to tát, những tuyên bố lớn lao với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp truyền thông công nghệ tiến vào bán lẻ-tiêu dùng với công thức M2C (phân phối-bán hàng-truyền thông). Đã có thời điểm, Lãnh đạo Yeah1 tự tin khẳng định với đứa con Giga1 của mình: "Khi đặt chiến lược go-to-market cho hệ sinh thái Giga1, chúng tôi xác lập các mục tiêu cần gặt hái. Đó là thị trường mở rộng đến đâu, hàng hóa phân phối đến đó và tất cả đều phải thông qua công nghệ, ứng dụng. Khi bạn mới đi 3 năm nhưng muốn thay đổi cấu trúc của 1 cuộc chơi cả trăm năm, bạn phải nắm chắc công nghệ và phải cực kỳ sáng tạo". Nhưng ngay cả "đứa con" này họ cũng đã phải "bán". Cơ hội để Yeah1 vươn mình dường như đã vụt tắt và động tác "quay xe" sau cùng của nhà lãnh đạo cao nhất Tập đoàn này, sẽ đẩy hàng loạt cổ đông cá nhân nhỏ lẻ vào viễn cảnh góp vốn cho một công ty "vô chủ".
Có thể bạn quan tâm
Yeah1 thoát lỗ nhờ bán công ty con
05:00, 19/02/2022
Cốc Cốc và “vết xe đổ Yeah1”
01:18, 10/10/2021
“Hết duyên” cùng nhà Dr Thanh, Yeah1 sẽ đi về đâu?
04:50, 09/08/2021
Quỹ ngoại muốn thoái sạch vốn, YEG “chìm đáy”
04:30, 12/04/2022
YEG tăng mạnh sau động thái mua vào của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát
04:16, 14/01/2022
YEG khó “giải hạn”
16:06, 02/06/2021